Khi Singapore không có cơm gà, Mc Donald không còn khoai tây chiên, tương ớt Siracha không còn ớt

Cuộc khủng hoảng cơm gà tại Singapore không phải là dấu hiệu duy nhất của tình trạng thiếu lương thực đang diễn ra trên toàn thế giới.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine, Covid-19 khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, thời tiết khắc nghiệt đều góp phần gây ra tình trạng khủng hoảng lương thực và buộc giá cả tăng cao.

Từ cuộc khủng hoảng cơm gà Singapore

Kể từ ngày 1/6, với mục đích ổn định nguồn cung trong nước, Malaysia đã chính thức chặn xuất khẩu gà tươi sang Singapore - quốc gia phụ thuộc vào Malaysia với 1/3 lượng gia cầm nhập khẩu.

Lệnh cấm đã ảnh hưởng nặng nề đến người dân Singapore khi cơm gà đã trở thành món ăn quốc gia phổ biến. Vài ngày sau lệnh cấm, quầy bán gà sống ở các siêu thị Singapore trống rỗng. Daniel Tan, chủ sở hữu của chuỗi bảy quầy hàng có tên OK Chicken Rice, chia sẻ với Reuters rằng lệnh cấm của Malaysia sẽ là "thảm họa" đối với những người bán hàng: "Lệnh cấm có nghĩa là chúng tôi phải tạm dừng kinh doanh. Không có gà cứ như là McDonald's không có hamburger vậy".

Gà tại một quầy hàng bình dân ở Singapore. Nguồn: CNN
Gà tại một quầy hàng bình dân ở Singapore. Nguồn: CNN

Mặc dù giải pháp ngắn hạn là nhập khẩu nhiều thịt gà đông lạnh hơn từ các nước như Thái Lan và Brazil, nhưng những người kinh doanh cơm gà trên khắp hòn đảo vẫn không hài lòng với điều đó. Một người bán hàng rong cười và chia sẻ: "Gà đông lạnh ư? Bạn mong đợi món cơm gà với gà đông lạnh sao? Nó sẽ không ngon đâu". Giá gà dự đoán sẽ tiếp tục tăng cao khi nguồn dự trữ đang ngày càng giảm dần.

Cuộc khủng hoảng gà của Singapore là hệ luỵ tất yếu của các quốc gia phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu. Nó bắt nguồn từ việc "thắt lưng buộc bụng" trong xuất khẩu của các nước nhằm đối phó với tình trạng giá lương thực ngày một tăng cao. Ngoài Malaysia ngừng xuất khẩu thịt gà sống, Indonesia cũng đã tạm thời dừng xuất khẩu dầu cỏ. Ấn Độ đưa ra hạn mức cho xuất khẩu lúa mì và đường. Trong khi đó, CH Séc và CH Kazakhstan đã áp đặt hạn ngạch đối với các mặt hàng ngũ cốc. Tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ ngừng xuất khẩu bơ, thịt bò, thịt cừu, dê, ngô, dầu thực vật còn Trung Quốc ngừng xuất khẩu phân bón. 

Trước khủng hoảng, đây đều là những thị trường dồi dào và là nguồn xuất khẩu tưởng như vô tận, chưa ai từng nghĩ có một ngày, Malaysia ngừng bán gà hay Ấn Độ lại phải tiết kiệm lúa mì. 

Ngay thị trường cung ứng cũng gặp khó

Hạn hán nghiêm trọng ở miền tây Mỹ đã gây ra tình trạng thiếu ớt. Ảnh: Frederic J Brown / AFP / Getty Images
Hạn hán nghiêm trọng ở miền tây Mỹ đã gây ra tình trạng thiếu ớt. Ảnh: Frederic J Brown / AFP / Getty Images

Công ty Huy Fong -  một trong những nhà sản xuất nước xốt lớn nhất thế giới tại thị trường châu Á, đã thông báo tạm ngừng bán hàng do thiếu nguồn nguyên liệu chủ chốt là ớt. Giải thích lý do, Huy Fong cho biết sự thiếu thốn này là do chịu tác động của khí hậu, làm ảnh hưởng đến chất lượng và gia tăng tình trạng thiếu ớt.

Được David Tran thành lập năm 1980, Sriracha đã xuất hiện trên kệ của các nhà bán lẻ lớn như Target (TGT) và Whole Foods, sau đó thành một món ăn yêu thích khắp thế giới. Nguồn cung ớt của họ là từ các trang trại ở California, New Mexico (Mỹ) và Mexico - một vùng nông nghiệp trù phú và rộng lớn qua nhiều năm. 

Tuy nhiên, nhiệt độ nóng bức và đợt hạn hán lịch sử trên khắp miền Tây của Mỹ đã gây thiệt hại nặng nề cho nền nông nghiệp của California. Cơ quan Giám sát Hạn hán Hoa Kỳ báo cáo rằng cả tiểu bang đang ở trong tình trạng "hạn hán nghiêm trọng" kể từ khoảng đầu tháng, đặc biệt khắc nghiệt ở Thung lũng Trung tâm.

Các sản phẩm bán chạy như tương ớt Sriracha, xốt tỏi ớt và tương ớt Sambal Oelek cũng phải chịu nhiều ảnh hưởng. Công ty cho biết vấn đề này nằm ngoài tầm kiểm soát: "Nếu không có ớt, chúng tôi không thể sản xuất bất kỳ sản phẩm nào của mình”. Việc này đã khiến các tín đồ của Sriracha phản ứng dữ dội.

Cũng gặp vấn đề tương tự, chuỗi cửa hàng ăn nhanh KFC ở Úc đã thông báo sẽ sử dụng bắp cải thay thế rau diếp trong món bánh burger. Nguyên nhân là do lũ lụt lớn ở bờ biển phía đông đầu năm đã quét sạch phần lớn rau diếp nước này. Fanpage của hệ thống KFC chia sẻ: "Chúng tôi đang gặp khó khăn do tác động của lũ lụt. Xin lỗi vì sự bất tiện này, chúng tôi sẽ cố gắng để mọi thứ trở lại bình thường càng sớm càng tốt”.

Rau diếp được bán với giá 8,99 đô la ở Melbourne (Úc). KFC đã bắt đầu sử dụng bắp cải thay thế. Ảnh: William West / AFP / Getty Images
Rau diếp được bán với giá 8,99 đô la ở Melbourne (Úc). KFC đã bắt đầu sử dụng bắp cải thay thế. Ảnh: William West / AFP / Getty Images

Ít nhất đây là lần thứ hai trong năm KFC ở Úc thiếu nguồn cung quan trọng. Tháng Giêng, trong bối cảnh khan hiếm thịt gà, KFC đã buộc phải cắt giảm một số món trong thực đơn

Đối thủ truyền kiếp của KFC là McDonald cũng không dễ thở hơn. Chuỗi cửa hàng này tại Nhật Bản đã tạm ngừng cung cấp các dịch vụ khoai tây chiên cỡ lớn và vừa. Theo USDA, quốc gia này là thị trường tiêu thụ khoai tây ở nước ngoài lớn nhất của Mỹ với hơn 3.000 thương hiệu McDonald’s. Thế nhưng, Covid-19 cộng thêm lũ lụt ở cảng Vancouver  (Canada) khiến việc vận chuyển khoai tây gặp khó khăn. 

Các cửa hàng McDonald tại Nhật Bản đã tạm ngừng cung cấp các dịch vụ khoai tây chiên cỡ lớn và vừa. Ảnh: Noriko Hayashi / Bloomberg News
Các cửa hàng McDonald tại Nhật Bản đã tạm ngừng cung cấp các dịch vụ khoai tây chiên cỡ lớn và vừa. Ảnh: Noriko Hayashi / Bloomberg News

Ngay sau đó, Nam Phi cũng lên tiếng cảnh báo sự thiếu hụt khoai tây trầm trọng. Tại Kenya, các cửa hàng KFC đã bỏ món khoai tây chiên ra khỏi thực đơn. KFC Kenya đã chia sẻ trên Twitter: "Bạn dành rất nhiều tình yêu cho món khoai tây chiên của chúng tôi, nhưng rất tiếc chúng tôi đã hết sạch". Trước mắt, hệ thống đã đổi sang các món khác như gà, bánh, soda,...

Tuy nhiên, vấn đề này đã khiến người dân Kenya rất tức giận, họ không hài lòng về việc KFC quá phụ thuộc vào khoai tây nhập khẩu thay vì khoai tây địa phương đang trong mùa thu hoạch của họ. Mặc dù Jacques Theunissen, giám đốc điều hành của KFC tại Đông Phi đã lên tiếng giải thích để đảm bảo an toàn, tất cả các mặt hàng cần phải qua kiểm duyệt toàn cầu, một số người trên mạng xã hội đã kêu gọi tẩy chay KFC. Họ đặt câu hỏi tại sao ngay từ đầu không hợp tác với các nguồn cung từ địa phương trong nước.

Cuộc khủng hoảng chưa dừng lại

Hệ luỵ từ đại dịch, chiến tranh, thiên tại đang khiến giá ngũ cốc tăng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu an ninh lương thực toàn cầu. Từ sản xuất, trồng trọt tới những khâu liên quan trong chuỗi cung ứng như phân bón, vận chuyển... cũng đều đang gặp khó khăn. Rõ ràng những biểu hiện hiện tại mới chỉ là sự khởi đầu. 

Ukraine thường cung cấp khoảng một nửa số lúa mì cho Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ. Ảnh:  ABC News: Lincoln Rothall
Ukraine thường cung cấp khoảng một nửa số lúa mì cho Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ. Ảnh:  ABC News: Lincoln Rothall

Tổng giám đốc nghiên cứu kinh doanh nông sản và thực phẩm của Úc và New Zealand, Stefan Vogel cho biết tình trạng thiếu ngũ cốc và lương thực sẽ ngày càng trầm trọng do ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine. Ông chia sẻ: “Năm ngoái, Ukraine xuất khẩu 70 triệu tấn ngũ cốc, gấp đôi số lượng xuất khẩu từ Úc, song năm nay con số đó sẽ chỉ là một phần nhỏ. Số lượng sẽ giảm ít nhất 45% và có thể nhiều hơn nữa".

Ngoài ra, Vogel cũng nhấn mạnh nguồn cung trên toàn cầu có khả năng bị thắt chặt do hai cường quốc ngũ cốc Pháp và Đức đang đối mặt với mùa khô nóng, hạn hán.

Tổ chức Lương thực Quốc tế FAO ước tính tổng giá trị hóa đơn nhập khẩu lương thực toàn cầu trong năm nay tăng 51 tỷ USD so với năm 2021, trong đó gần như toàn bộ (49 tỷ USD) là do giá cả leo thang. Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các nước nghèo và đang phát triển. Sản lượng các loại ngũ cốc chính trên thế giới dự kiến sẽ giảm trong năm nay - đánh dấu giảm lần đầu tiên trong 4 năm qua, trong khi khối lượng tiêu thụ toàn cầu cũng giảm lần đầu tiên trong 20 năm qua.

Cũng theo Vogel: "Giảm tiêu thụ ngũ cốc trong năm nay là viễn cảnh đáng sợ đối với an ninh lương thực của những quốc gia và khu vực chỉ có thể nhập khẩu ngũ cốc, như Ai Cập, Syria, Trung Đông, châu Phi cận Sahara và một phần châu Á. Điều này sẽ khiến tỷ lệ người đói ăn ở những quốc gia đó cao hơn đáng kể".

Nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ngay cả quốc gia sản xuất nông nghiệp như Việt Nam cũng khó tránh ảnh hưởng. Nguồn cung đứt gãy, giá nguyên liệu tăng cao khiến lĩnh vực sản xuất bánh kẹo, thực phẩm sử dụng nhiều bột mì, ngũ cốc… nhập khẩu đang gặp áp lực lớn. Việc Trung Quốc dừng xuất khẩu phân bón khiến thị trường giá phân bón tăng mạnh, nhiều loại phân bón lập mức giá cao kỷ lục. Trong khi đó, VN hàng năm vẫn sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp.

Việc chuỗi cung ứng lúa mì gặp khó cũng tác động lớn tới thị trường chăn nuôi trong nước vì đây là một trong những nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Hiện tại, hàng loạt công ty Việt Nam thông báo tiếp tục tăng giá thức ăn chăn nuôi thêm 300-400 đồng/kg. 

HƯƠNG GIANG (T/H)

Xung đột Nga-Ukraina đẩy thế giới đến bờ vực khủng hoảng lương thực

Xung đột Nga-Ukraina đẩy thế giới đến bờ vực khủng hoảng lương thực

Để sản xuất năng lượng sạch, Nhiên liệu sinh học sử dụng các loại cây trồng có thể được sử dụng tốt hơn cho thị trường thực phẩm để bù đắp cho sự gia tăng giá do xung đột Nga-Ukraina.