Khi thấy buồn lại… cầm chổi quét nhà

Gác những âu lo, bộn bề để làm tốt từng công việc theo thứ tự giúp đem lại một niềm vui thuần khiết, thành viên trong gia đình gần nhau hơn.

Người ta vẫn thường nói rằng ngôi nhà chính là tổ ấm, là nơi ta trở về để trú ngụ, để được chở che sau những bão giông, sóng gió. Nhưng làm thế nào đây khi cánh cửa đã khép lại mà bão giông vẫn không dừng bước? Khi đằng sau cánh cửa lại là một “cuộc chiến” khác thì người ta phải trú ngụ ở nơi nào? Câu hỏi ấy cứ ám ảnh tôi mãi và chẳng ai khác có thể trả lời, cho đến khi tôi tự tìm thấy một lời giải đáp, từ chính những trải nghiệm đã qua.

Trước đây, tôi từng là một tín đồ xê dịch. Tôi thích cảm giác được đi khắp đó đây, đến những nơi mới mẻ, sống những ngày thật khác với mọi ngày. Mỗi khi stress về công việc hay gặp phải những tình huống khó khăn trong cuộc sống, tôi thường đi đâu đó vài ngày để thay đổi không khí, khiến đầu óc trở nên sáng suốt và bình tĩnh hơn. Việc giải quyết vấn đề hay đưa ra quyết định thường dễ dàng hơn sau mỗi chuyến đi. Có người nói rằng việc bỏ đi đâu đó mỗi khi gặp áp lực dường như là một cuộc trốn chạy, nhưng tôi không quá quan tâm tới điều đó, bởi vốn dĩ họ không thể dìu tôi qua những sóng gió cuộc đời, chỉ có tôi phải tự mình bước tiếp, nên tôi cần lựa chọn một cách thức phù hợp cho mình.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Nhưng tất nhiên, chẳng có chuyến đi nào là mãi mãi. Bước vào hôn nhân và có hai đứa con, những chuyến đi với tôi ngày càng trở nên xa xỉ.

Vào một ngày cuối xuân, trong đợt giãn cách xã hội thứ hai do dịch bệnh Covid. Tôi ngồi trong căn nhà bề bộn và ồn ào tiếng trẻ. Công việc thuộc ngành du lịch, dịch vụ của vợ chồng tôi đã nhiều tháng nay bị đình trệ. Việc làm, thu nhập và cuộc sống gia đình bị đảo lộn dần khiến chúng tôi kiệt sức. Những trận cãi vã bắt đầu xảy ra với tần suất dày đặc hơn và ngày càng có sức công phá lớn hơn.

Cuộc sống cứ từng ngày, từng ngày âm thầm tích lũy những áp lực vô hình cho đến khi nó trở nên hữu hình và nặng nề đến nỗi khiến tôi nghẹt thở. Nếu có ai đó nói rằng mỗi người phụ nữ là một chiến binh, một “nội tướng” trong căn nhà của mình, thì ngay lúc này đây, tôi cảm thấy mình như đã bị tước hết vũ khí, xụi lơ ngồi giữa một vùng tan tác. Đã có những lúc, tôi thật muốn trốn chạy đi đâu đó dù chỉ một ngày, để được hít thở bầu không khí tự do, để được dành một chút thời gian cho riêng mình. Nhưng rồi nghĩ lại, thấy mình thật ích kỉ. Có quá nhiều thứ khiến tôi không đành lòng rời đi, dù chỉ vài tiếng đồng hồ. Đó là hai đứa con cần tôi chăm sóc, cho ăn mỗi ngày; đó là căn nhà cần được lau dọn, là bát đĩa cần rửa, là quần áo trong máy giặt cần được phơi… mỗi công việc, dù nhỏ nhặt và tỉ mẩn không gọi thành tên, nhưng lại giống như một sợi tơ đan thành lưới nhện, dính lấy người ta thật chặt!

Những ngày quá đỗi mỏi mệt và buồn, tôi thường trò chuyện với những người bạn. Họ khuyên tôi hãy tham dự một khóa thiền trong các thiền viện gần đó. Bởi nếu như không thể tĩnh trí như mong muốn, thì chí ít cũng có được vài ngày nghỉ ngơi ở một nơi yên tĩnh, gần gũi với thiên nhiên, trút được chút muộn phiền và tiếp thêm sức lực để quay về và tiếp tục “cuộc chiến”.

Nhưng hoàn cảnh thật sự không cho phép tôi có thể lên đường. Bởi vậy, tôi đành ở lại và tìm cách để tự “cứu” mình. Đúng lúc ấy, tôi đọc được một bài viết về thiền. Trong đó, người ta định nghĩa rằng: “Thiền là một trạng thái tinh khiết và tập trung cao độ, khi tâm trí xuôi chảy không gì ngăn trở, khi người ta hoàn toàn đắm mình trong ý nghĩ về ý thức vũ trụ”; hay “Thiền định là hướng sự chú ý của mình vào một điều duy nhất và được dùng như một hành động tôn giáo hoặc một phương tiện để giúp lấy lại sự bình tĩnh và làm thư giãn cơ thể”. Diễn đạt một cách dễ hiểu hơn: “Thiền định là bất cứ hành động nào nhằm giữ sự chú ý một cách thoải mái vào giây phút hiện tại”…

Khoảnh khắc đó, tôi cảm thấy mình như vừa được khai sáng, hóa ra “thiền” vốn rất phức tạp trong suy nghĩ của tôi, lại có thể đơn giản và thuần khiết đến thế. Vậy là tôi bắt đầu “thiền” tại gia, “thiền” trong mỗi công việc nhỏ nhặt thường ngày. Tôi bắt đầu làm mọi việc với sự tập trung cao nhất, như khi chải tóc cho con, tôi bắt mình chỉ tập trung vào chiếc lược và những sợi tóc mảnh như tơ của lũ trẻ, từng cử động thật nhịp nhàng, thật chậm rãi và tràn đầy yêu thương. Cứ thế, khi cho bọn trẻ ra ngoài chơi, thay vì chăm chú vào chiếc điện thoại để lướt web, chat với bạn bè… tôi dành trọn vẹn thời gian đó để ngắm chúng chơi đùa; ngắm nhìn những dấu chân mũm mĩm, nhỏ xinh của chúng in trên cát ướt, lắng tai nghe tiếng cười lanh lảnh, vô ưu của chúng… để rồi bất giác, thấy lòng mình nhẹ nhõm, phẳng lặng và yên vui.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Sự tập trung và toàn tâm toàn ý dần khiến cho những công việc vốn tẻ nhạt và quen thuộc thường ngày trở thành một sự tận hưởng. Những bữa cơm được chăm chút hơn, ngay cả miếng đậu sốt gắp ra đĩa cũng được cố tình xếp cho thật ngay ngắn; những chiếc quần áo được gấp phẳng phiu hơn với những nếp ly được là ủi thẳng tắp… Gác lại những âu lo, bộn bề để chỉ làm tốt từng công việc theo thứ tự định sẵn không chỉ khiến tôi trở thành một người mẹ tốt hơn, làm mọi việc trôi chảy, dễ dàng hơn mà còn đem lại một niềm vui rất thuần khiết, kéo những thành viên trong gia đình lại gần với nhau hơn. Tất nhiên, những lo lắng, rối ren không tự nhiên biến mất, nhưng khi làm tốt những việc nhỏ, tôi dần có tự tin mình sẽ giải quyết được những việc lớn hơn, khó hơn; và suy cho cùng, chẳng có việc gì là quá khó, khi bạn đã có gia đình ở bên. Cảm giác đơn độc trước đó dần dần biến mất, những suy nghĩ tiêu cực cũng dần tan đi như đám mây mù được nắng mai soi chiếu.

Và nếu một lúc nào đó, khi tâm trí rối bời, khi cảm thấy cuộc sống nặng nề, nhiều áp lực, có người chọn học một khóa thiền, có người xách ba lô đi đâu đó, có người cầm bút vẽ tranh, có người lại chơi đàn… nhưng tôi, một bà nội trợ bình thường như bao bà nội trợ khác, tôi chọn… cầm chổi quét nhà. Khi chẳng thể đi đâu khác ngoài ngôi nhà của chính mình, tôi sẽ chọn làm những công việc thường nhật với sự tập trung cao nhất, tâm huyết nhất; và khi căn nhà sạch bóng cũng là lúc đầu óc tôi trở nên thông suốt, sáng tỏ hơn. Tôi cho rằng, nếu cứ rèn luyện như thế một cách thật kiên trì, nhẫn nại, sẽ tới một ngày, căn nhà thực sự trở thành chốn về bình yên, một nơi nương náu không chỉ cho tôi, mà còn cho những thành viên khác.

Trang Đào

Thông điệp giản dị

Thông điệp giản dị

Để bày tỏ sự yêu thương trong gia đình, có cần nhiều đâu. Có khi chỉ cần một món ăn được nấu theo cách người thân của mình mong muốn.