Thông điệp giản dị

Để bày tỏ sự yêu thương trong gia đình, có cần nhiều đâu. Có khi chỉ cần một món ăn được nấu theo cách người thân của mình mong muốn.

Mỗi bữa ăn, mỗi món ăn, dù bạn có nghĩ về điều ấy hay không, nó cũng giống như một thông điệp nho nhỏ gửi đến mọi thành viên trong gia đình.

Hai từ thông điệp nghe có vẻ to tát và bạn nói bạn thật lòng không quan tâm điều ấy, nấu nướng là nấu nướng thôi, miễn sao cả nhà ăn được, không ai chê…

Nhưng hãy nghĩ từ lúc đi chợ mua đồ ăn. Sáng nay chẳng hạn, tôi nghe thấy ở chợ một phụ nữ cương quyết từ chối mua mực tươi, dù nhà hàng tha thiết giới thiệu hôm nay mực lá rất tươi, mới đánh lên, rất ngon, mà ngon thì em mới mời chị - như cách những người bán hàng hay nói với khách quen - mực thì đúng là nhìn tươi và ngon thật.

Nguyên nhân của sự cương quyết không mua ấy là vì: Chị cũng thích mực lắm, nhưng chồng chị không ăn được mực tươi, cứ mực tươi là dị ứng, một cái râu mực thôi ăn vào là cũng có thể có phản ứng như ngộ độc. Thôi đành ăn cá! Việc lựa chọn cá như thế là bắt đầu cho một thông điệp rồi, thông điệp của sự quan tâm và tôn trọng.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Khi đi chợ, mua bất cứ một thứ gì, điều đầu tiên mà các bà nội trợ nghĩ đến vẫn là, ai thích hợp với đồ ăn ấy, ai thích món gì và không ăn được gì. Với một thành viên trong gia đình, một món ăn có thể gây ngộ độc cho mình xuất hiện trên mâm, là món chính, tất nhiên đã là một điều phải băn khoăn rồi. Mà sự xuất hiện của món ấy lại không chỉ trong một bữa, những mấy bữa một tuần, chẳng hạn thế, thì rất cần phải nghĩ xem người nấu bếp có quan tâm đến khẩu vị, hơn thế, đến sức khỏe của mình hay không?

Nếu chị phụ nữ tôi gặp ngoài chợ ngày nào cũng mua mực tươi (chị ấy thích ăn mực mà, có thể con chị ấy cũng thích giống mẹ nữa) về hấp, xào… để ăn, thì thông điệp gửi cho chồng chỉ có thể hiểu là tôi, hoặc chúng tôi, không quan tâm đến sự có mặt của anh trong mâm cơm gia đình. Như thế, chuyện to rồi chứ không phải nhỏ.

Đôi khi nghe được ở đâu đó những than phiền, kiểu như em không được ăn gì đó, vì chồng (vợ) em ghét món đó. Cứ phải đợi đi vắng, đi công tác mới dám mua… Trong lời than phiền ấy, dù có là than phiền, vẫn chứa đựng sự quan tâm lẫn nhau. Làm sao có thể nấu một bữa ăn mà thiếu sự quan tâm đến các thành viên trong gia đình được chứ. Khẩu vị chẳng bao giờ là giống nhau trong một gia đình, tập quán ẩm thực khác nhau từng nhà.

Nếu một người vợ hay chồng miền bắc lấy người miền trung, hay miền nam, sẽ có rất nhiều tình tiết thay đổi thói quen ăn uống trong cuộc sống chung, hẳn nhiên là thế. Ngay cả khi trong nhà toàn người cực kỳ dễ tính, cũng rất khó có chuyện dọn ra món gì trên mâm cũng được đón nhận. Sẽ có người này chấp nhận khẩu vị người kia, từng bữa, sự chấp nhận ấy là thông điệp của sự hòa đồng, cũng là của tình yêu!

Nói cho cùng, mỗi món ăn khi được lựa chọn đều mang thông điệp tình yêu. Một người mẹ đón con đi học xa về, đều sẽ nấu ngay món ăn mà con mình thích nhất khi ở nhà. Một người vợ cuống cuồng lao xuống phố khi nghe thấy tiếng rao của người bán rươi, chẳng hạn thế, vì đấy là món chồng mình rất thích, và không thể không ăn khi mùa rươi vừa bắt đầu. Rất giản dị thôi, mỗi món ăn như vậy đều mang trong mình thông điệp của tình yêu thương.

Để bày tỏ sự yêu thương trong gia đình, có cần nhiều đâu. Có khi chỉ là một bát canh cua mùa hè, một nồi cá kho hay một đĩa trứng rán, theo cách người thân của mình mong muốn. Cao lương mỹ vị ở đâu không quan trọng bằng tự tay nấu một món ăn bình thường, mà trong đó, sự tôn trọng khẩu vị của nhau được thể hiện rõ ràng. Một chút cơm được giữ nóng, với một bát canh rau thật lành, để người chồng ham nhậu về muộn có khi quan trọng hơn những lời trách cứ than vãn, vì nó làm người chồng nhớ ra mình có một gia đình ấm êm.

Mà, có khi chẳng cần đến môt món ăn, chỉ một cái gắp cũng đưa ra thông điệp. Em thích ăn phần này trong con gà, con thích phần này và bố thích phần kia, gắp cho nhau một miếng đúng ý, cũng là nói ra một thông điệp về sự chăm sóc và hiểu ý nhau. Thậm chí, chỉ một lát ớt hay một cọng hành, có thì đương nhiên, mà thiếu đi thì lại là cả một sự thờ ơ rất dễ gây bực bội.

Thế thôi, giản dị, những điều để nói trong một bữa ăn, trong một ngày chung sống. Để nói về sự quan tâm và tôn trọng, để nói về yêu thương và chăm sóc, chẳng cần đao to búa lớn làm gì.

Chỉ cần thế cho những người hiểu nhau, và nếu không, là ngược lại!

Hà Phạm

Chân thành… trong bếp

Chân thành… trong bếp

Chân thành trong bếp thì sẽ chân thành ở bất cứ đâu. Cứ vụng dại mà chân thành, trước khi thức ăn cuốn ta đi trong một xã hội công nghiệp.