Dọn nhà, như dọn một phần đời...

Việc dọn dẹp nhà cửa trở thành niềm vui, "nghi lễ" để tưởng nhớ những người đã xa, thương những điều đã cũ.

Những đồ vật cũ, như đi cùng với thời gian, ghi dấu những thăng trầm của nhiều thế hệ, từ thời tổ tiên ông bà, và không biết bởi lãng quên hay là phép màu, chúng đã ở lại được với lũ con cháu chúng tôi, những đứa trẻ đang dần trở nên vô tâm hơn...

Có rất nhiều cách để tiễn năm cũ, đón năm mới: có người thì chọn đi du lịch đây đó để mong tìm được một trải nghiệm Tết mới mẻ; có người chọn tụ họp bạn bè bên những bữa tiệc tất niên tưng bừng rộn rã; lại cũng có những người, mà tôi hay gọi là lạc thời - như tôi, sẽ chọn cách về nhà, sắp xếp lại không gian sống vốn tưởng như thân thuộc, không còn gì xa lạ về nó. 

Dù hiện nay đã thay đổi ít nhiều, nhưng tôi vẫn luôn nhớ những buổi chiều cuối năm, khi trở về nhà sau giờ tan sở, trên xe còn treo lúc lắc một bó mùi già. Bước chân qua cánh cửa thân quen, chọn một chiếc lọ thật xinh để cắm bó mùi, trịnh trọng bày ra giữa căn nhà, để hương thơm hăng hắc mà đầy lưu luyến, hoài niệm lan tỏa khắp không gian. Rồi trong hương mùi thơm vấn vít, trong một bản nhạc nhẹ nhàng dìu dặt, tôi bắt tay vào làm công việc cuối cùng để tiễn biệt năm cũ: dọn nhà.

Trước đây, cũng như mọi người, tôi thường nghĩ dọn nhà là một “nghĩa vụ” mệt nhọc; chuyện phải thu dọn lại những thứ cũ kỹ, lau chùi những bụi bặm là một việc làm hết sức “tiêu tốn năng lượng tích cực”, khiến tôi cáu kỉnh hơn là vui vẻ, hào hứng. Thế nhưng càng ngày, khi nhiều tuổi hơn, cuộc sống đan dày hơn những kỷ niệm, tôi mới ngày càng nhận ra việc dành những giờ cuối cùng của năm cũ cho dọn dẹp nhà cửa là một việc đầy ắp xúc cảm và ngày càng khiến tôi bâng khuâng…

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Có lần, khi dọn dẹp lại giá sách cũ kỹ, trong lúc ngồi lau từng cuốn sách, vuốt thẳng từng nếp gấp, tôi tình cờ phát hiện ra một tấm ảnh đã ngả màu, kẹp giữa những trang giấy. Đó là tấm ảnh chụp gia đình tôi vào cái Tết của những năm “một ngàn chín trăm hồi đó”.

Khi ấy, tôi vẫn còn là một đứa trẻ, mặc chiếc áo sơ mi màu lông gà, có những đường thêu tay cũng hình con gà, con vịt của hiệu may Đức Hạnh trên phố Hàng Trống; trên tay cầm một cành hoa đào đỏ thắm. Còn mẹ tôi, trong tấm ảnh, trông bà thật trẻ và “bắt trend” với mái tóc phi-dê và chiếc áo cánh len, cánh dơi màu ngọc bích yêu thích của các bà, các cô thời bấy giờ. Đứng cạnh đó là bố tôi, gầy và đen trong bộ quân phục màu cỏ úa, nhưng gương mặt thì rất rạng rỡ. Tấm ảnh nhỏ đưa tôi lội ngược dòng thời gian, vùn vụt trở về những ngày thơ bé, cảm giác vừa ấm áp, thân thuộc, vừa có chút nhớ thương, nuối tiếc.

Và cũng trong một dịp cuối năm khác, khi dọn dẹp lại chiếc tủ đựng đồ cũ, tôi chợt tìm thấy chiếc áo dài màu xanh ngọc, may bằng vải gấm Thượng Hải, trên có đính những chiếc khuy xinh xắn bằng ngọc trai. Đó là chiếc áo dài của bà ngoại được ông ngoại may tặng nhân một chuyến ông đi công tác nước ngoài. Bà rất yêu quý chiếc áo ấy, nó cũng là kỷ vật cuối cùng mà mọi người trong gia đình trân trọng lưu giữ để nhớ về bà. Chiếc áo bất giác khiến tôi mỉm cười và cũng thấy sống mũi cay cay.

Trong rất nhiều công việc để chuẩn bị đón năm mới, có lẽ dọn dẹp chính là công việc khiến tôi chìm đắm nhất, không phải bởi nó tẻ nhạt, mà ngược lại, những đồ vật cũ như mang chúng ta về những ký ức xưa, mỗi kỷ vật như một câu chuyện đầy ắp thương nhớ: Như chiếc ghế này trước đây bà tôi hay ngồi đan giỏ đựng thị trong những ngày Hà Nội trở mình sang thu; chiếc bàn làm việc gỗ sồi nâu óng này chính là nơi ông tôi vẫn ngồi sửa đồ chơi cho các cháu; và chiếc bàn đá Non Nước này chính là nơi gia đình “tứ đại đồng đường” của chúng tôi đã từng có những bữa cơm đầm ấm, sum vầy, trong hương trầm thơm đượm của những ngày tất niên, trước khi ông bà về đoàn tụ với tiên tổ… Những đồ vật mà, như đi cùng với thời gian, ghi dấu những thăng trầm của nhiều thế hệ, từ thời tổ tiên ông bà và không biết bởi lãng quên hay là phép màu, chúng đã ở lại được với lũ con cháu chúng tôi, những đứa trẻ đang dần trở nên vô tâm hơn.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Nếu như bây giờ, lối sống tối giản đang trở thành một xu hướng được nhiều người theo đuổi, người ta dần tối giản đồ đạc, bỏ đi những thứ cũ kỹ, rườm rà, thì cha mẹ tôi, trong căn nhà cổ trên một góc phố cổ khiêm nhường của thị thành, dường như vẫn là những người khăng khăng sống “tối cổ”, một cách sống mà chỉ vài năm trước thôi, chúng tôi còn thi nhau phản đối, cho rằng ông bà đang “lẩm cẩm”.

Nhưng giờ đây, khi đã làm mẹ, khi chứng kiến những đứa con của mình lớn dần, dường như chúng tôi mới cảm nhận được giá trị của những điều xưa cũ. Cha mẹ giúp chúng tôi vẫn lưu giữ lại rất nhiều những đồ vật dường như chẳng có chút giá trị sử dụng gì, như là chiếc áo dài tân thời đã gần trăm tuổi của bà, chiếc cốc men rạn hoa xanh sứt quai ông hay dùng uống cà phê mỗi sáng… Để những ngày cuối năm, những kỷ vật “cổ lỗ sĩ” này lại trở thành “chiếc vé” đưa chúng tôi trở về những ngày quá vãng xa xôi với bao nhiêu hoài niệm đẹp. Để việc dọn nhà, như dọn cả một phần đời…

Việc dọn dẹp nhà cửa, cũng bởi thế, trở thành một niềm vui, một “nghi lễ” để tưởng nhớ những người đã xa, để nhớ thương những điều đã cũ. Và cũng bởi thế, mỗi ngày Tết với tôi đều trở nên ý nghĩa hơn, ấm cúng hơn với những cuộc đoàn viên trong tâm tưởng.

Trang Đào

Những người đàn bà trong phiên chợ Tết

Những người đàn bà trong phiên chợ Tết

Bà ngoại tôi chỉ làm lụng suốt ngày, lúc nghỉ ngơi là nhớ đến những chuyện buồn thương. Chỉ khi đến chợ, tôi mới thấy bà cười, bà vui như thế.