Cứ gần đến Tết, năm nào cũng thế, người ta lại bàn xem có nên bỏ Tết hay không, có nên nhập tết dương lịch và âm lịch lại làm một hay không, rồi chia phe phái tranh luận, có khi đến mức nảy lửa. Một trong những lý do quan trọng mà bên đề nghị bỏ Tết cổ truyền viện dẫn, là coi Tết như một nỗi khổ nhục của người phụ nữ và là dịp để đàn ông thể hiện sự vô tâm ích kỷ của mình. Đàn ông nói chung coi Tết là dịp để bia rượu và bắt vợ oằn lưng phục vụ chuyện ăn nhậu.
Thực ra cánh đàn ông xôn xao là chính, còn đàn bà, người vỗ tay ủng hộ, tuyên bố Tết quả thực nhọc nhằn và chán ngấy, nguời im lặng không nói gì…
Ừ Tết, quả là cực nhọc!
Nhưng nỗi cực nhọc ấy, có thể giải quyết nhanh lắm. Chỉ là có tiền hay không mà thôi. Chứ cứ đơn giản, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ thì chẳng mấy. Một cặp bánh chưng đắt lắm cũng chỉ chừng vài trăm ngàn đồng, giò cũng vài trăm ngàn đồng là mấy loại chứ chẳng riêng gì giò lụa. Măng khô người ta ngâm sẵn, thậm chí ninh nhừ sẵn, gà cúng làm sẵn, tự luộc hoặc chẳng cần, mua luôn gà luộc sẵn.
Ảnh minh họa |
Dưa hành ngoài chợ cũng ê hề. Rồi bóng, rồi rau xào, thái sẵn luôn… Chẳng có gì bắt buộc phải làm, chỉ cần dăm trăm ngàn là đủ tết, cũng tươm tất như ai. Tay chân không dính mỡ màng, các cô các chị cứ việc đi sơn móng chân và gội đầu đến tận tối Ba mươi, về xem Táo quân rồi đi ngủ.
Đấy, muốn nhàn không khó. Chỉ là biết sắp xếp công việc thôi. Nếu không muốn làm có thể không làm. Còn đã làm, đã vất vả là do mình chọn.
Nhiều chị em bảo, tức giận hay tỵ nạnh với cánh đàn ông làm gì cho đã vất thân lại còn mệt tâm. Cũng chẳng có đàn ông nào tết nhàn rỗi hoàn toàn. Nhìn những người tất bật nhất ngoài đường, bán đào bán quất, chở những xe nặng hàng hóa tết, chủ yếu là đàn ông. Ngày Tết cũng là nỗi khổ nhục của đàn ông, nếu coi phải làm việc là khổ nhục.
Vả lại, đấy là Tết chỉ nhìn ở một phía. Tết đâu chỉ có chuyện ăn uống, Tết là ngày gia đình gần xa về sum họp, cha mẹ anh chị em cả năm có khi mới gặp nhau. Tết là ngày thắp hương tưởng nhớ tổ tiên, nỡ nào bắt cả nhà ăn những thứ làm sẵn ngoài chợ, mà vệ sinh an toàn luôn là nỗi kinh khiếp.
Có những niềm vui của sự bận rộn mà nếu chỉ nhìn công việc bếp núc như cực hình thì chẳng thể nào cảm nhận được niềm vui ấy. Có những sự vất vả thực sự. Rồi có những lúc, nương vào những vất vả ấy cho qua Tết, bởi, Tết không có nghĩa là lúc nào cũng vui.
Không phải chỉ nhà thơ Trần Dần mới viết: “Tết/ ơ thế, thêm một Tết/ Tôi quẳng nó/ vu vơ/ vào một xó lòng/ Nơi đó/ là kho đồng nát/ Một đống Tết xa nhà/ đã gỉ han lên…”. Nỗi cô đơn trong Tết, nỗi niềm Tết không của riêng ai. Phụ nữ may mắn hơn đàn ông nhiều khi là có cái bếp để chui vào.
Ảnh minh họa: Nguyên Vũ |
Mà đàn bà có phải ai cũng vào bếp đâu. Chẳng hiếm những chị Tết chỉ cho chồng con ăn mỳ ăn liền. Chẳng hiếm những chị bỏ đi du lịch để chồng con qua ba ngày Tết bằng món bánh chưng rán. Để vất vả vì Tết, nguời đàn bà trong nhà phải có một ý thức về gia đình mãnh liệt hơn việc chỉ vào bếp đun đun nấu nấu và coi đó là cái tội.
Tất nhiên, chẳng nhất thiết phải bày vẽ quá để làm khổ mình. Mặc dù bày vẽ bây giờ là chuyện giản đơn, như đã nói ở trên, gì cũng sẵn, nhưng biết cách giảm bớt công việc trong ngày tết đâu quá khó? Và điều này, nên nghe một, lời khuyên đúng từ phía chống lại Tết, rằng phụ nữ nên bớt những món ăn ngon đi để dành thời gian cho mình.
Tóm lại, nếu không tìm được niềm vui khi vào bếp thì cũng đừng coi rằng đó là việc nhọc nhằn. Nhọc nhằn là ở trong tâm mình, khi mình so đo hay bực bội.
Tết đấy, hãy để lòng thanh thản và nhờ thế, mà vui lên!
Đàn bà là Tết
Tết là không gian, là sàn diễn của những người vợ, người mẹ. Họ chính là tác nhân tạo ra cái không gian ấm áp, dịu dàng của ngày Tết.