Man mác hương mùi đêm 30

Và cứ lặng lẽ, hương mùi đêm giao thừa đem lại cho con người những giây phút thư thái, tĩnh lặng, một chút trầm mặc suy tư.

Cứ độ 28-29 Tết, có mấy bà bán hàng rong đi bộ quanh ngõ cất tiếng rao: “Ai mùi khôngggg….”. Nhác nghe thì là lạ, chẳng hiểu bà ấy rao gì nhưng ngẫm ra, cái thứ mà bà bán, nó chỉ xuất hiện vào cuối năm, vào khi tiết trời rét lạnh của mùa đông sắp chuyển sang xuân, đó là thứ hoa mà người ta thường dùng để tắm.

Ừ thì tắm, thế nhưng, tắm cuối năm, cũng phải đặc biệt, cũng như người ta phải đi cắt tóc cuối năm, cứ như cắt đi cái vận hạn, cái xui quẩy hay những nỗi buồn của năm cũ sẽ được rơi lả tả như mớ tóc cuối năm… Rồi sau bao nhiêu tất bật, cuối cùng cũng đến phút người ta chăm sóc chính mình. Chẳng biết từ bao giờ, tắm mùi già cuối năm bỗng trở nên một tập tục chẳng thể thiếu được với người ở Hà Nội.

Tranh của họa sĩ Trần Duy.
Tranh của họa sĩ Trần Duy.

Trong những thứ bận rộn đến quay cuồng của những chiều cuối năm, cũng đôi lần, tưởng như bỏ quên nhiều thứ. Rồi trên đường đi, bỗng vô tình gặp một bà cụ tay cầm nắm mùi già đi từ chợ về. Chẳng thể nào không ngoái lại nhìn, chẳng thể nào tự vấn: “Nhà mình đã có mùi chưa? Đã ai mua chưa? Khéo lại quên”… Năm nào mà cô gái chót lỡ quên không tắm lá mùi, thì cảm giác thiếu sót ghê gớm, chẳng khác gì chưa rũ bỏ, chưa tẩy trần được cái bụi bặm của năm cũ + mùa cũ + những nỗi buồn cũ + người cũ + tình cũ!

Chiều 30, sau khi nhà cửa gọn gàng, giá sách đã sạch bụi, cơm nước đã xong xuôi, cô gái bắt đầu rửa sạch mùi già và cho mùi vào đun. Nước chưa sôi, nhưng sao mùi của lá mùi mãnh liệt thế. Thật hiếm có thứ cây thứ lá nào sở hữu một thứ mùi đặc trưng như vậy. Nó có sức mạnh của một sự tẩy trần. Tẩy trần trong không gian, bằng thứ mùi vô hình, len lỏi trong nhà, ra ngoài ngõ, nhẹ nhàng ngấm vào mũi người, thấm lên óc, để rồi phải thốt lên: “Thơm quá!”. Mùi của đồng quê phảng phất quanh đây.

Thật hiếm có thứ cây thứ lá nào sở hữu một thứ mùi đặc trưng như thế, một thứ mùi có sức mạnh của một sự tẩy trần.
Thật hiếm có thứ cây thứ lá nào sở hữu một thứ mùi đặc trưng như thế, một thứ mùi có sức mạnh của một sự tẩy trần.

Rồi trong cái giá lạnh của 12 độ, buồng tắm bỗng thoảng làn khói nhè nhẹ, hương và mùi cũng chỉ nhè nhẹ thoang thoảng… Cả phòng tắm đang được ướp bởi mùi. Cô gái khoan khoái ngâm mình trong bồn tắm. Giờ là lúc tranh thủ được thảnh thơi, được thư giãn.

Còn gì hơn, khi mang vừa ngâm mình trong lá mùi, vừa đọc mấy dòng chữ trong trẻo không phiền muộn, thì thử hỏi, đời còn gì sướng hơn nữa. Da thịt ngấm thứ tinh dầu của lá mùi, cọng mùi, rễ mùi. Tóc vương vấn hương của hoa mùi. Lúc ấy, bao ưu phiền tạm thời tan biến. Cô như được trở về với sự nguyên sơ bản năng của chính mình…

Có tiếng nhạc từ nhà hàng xóm vẳng sang: “Anh đến thăm em đêm 30, còn đêm nào vui bằng đêm 30, anh nói với người phu quét đường, Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em…”.

Tiếng hát tình cảm quá. Trễ nải, nhưng da diết, nghe yêu thương đến quặn lòng, gợi lên một giao thừa lặng lẽ: “Tay em lạnh, để cho tình mình ấm/Môi em mềm, cho giấc ngủ em thơm/Sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan/Trời sắp Tết, hay lòng mình đang Tết”…

Đôi lần cô thấy trông trống ở tay. Chẳng có cái nhẫn nào, cái vòng cổ nào. Lâu lâu rồi không đeo chung thân một cái gì, không bị ràng buộc bởi cái gì hết! Hồi xưa bao nhiêu vòng tay, vòng cổ, nhẫn nhiếc... Giờ cũng không hiểu sao mà giờ cứ trống toác thế này.

Thầm nghĩ: Cái nhẫn hôm qua, hôm nay không còn ở tay nữa! Cái vòng hôm qua, gẫy, không còn trên tay nữa! Có sao đâu, mất cái này, rồi sẽ có cái khác. Chỉ có điều: còn muốn đeo hay không mà thôi! Rách việc nhỉ, chiều cuối năm, sao vẫn cứ bộn bề cảm xúc thế này!

Hương mùi mang một mùi vị man mác thanh thản đến nao lòng
Hương mùi mang một mùi vị man mác thanh thản đến nao lòng

Cô gái không khỏi nhớ tới tình cũ. Xưa, rủ nhau đi chợ hoa Hàng Lược, năm nào cũng 29 Tết mới đi. Cái chợ hoa đã gắn với kinh thành Thăng Long từ trăm năm trước. Đi với nhau, chiều cuối năm, đi giữa những cành đào mùa xuân, bên cái gió tê lạnh và thi thoảng, là mưa lâm thâm. Rét có hề gì.

Bây giờ là mùa xuân, sắp mùa xuân, và lại bên nhau, bên chén trà nóng hổi của bà bán nước đầu chợ. Ngồi để ngắm người ta đi sắm Tết. Ngồi để bỏ qua tất bật, xin vài phút thảnh thơi giữa bốn bề chộn rộn. Vài năm rồi, đều như vậy. Bảo sao, khó để mà quên.

Sau này, cô vẫn đi chợ hoa Hàng Lược, vẫn chưa quên bài “Anh đến thăm em đêm 30”, vẫn ngồi uống trà mạn, cắn hạt hướng dương tí tách của bà hàng nước đầu chợ cùng cái dĩ vãng, vẫn lảng vảng hiện về. Rồi đôi khi nghĩ: Nhỡ ngồi đây, thấy người ta đang dắt tay ai đó đi chợ hoa, đi ngay trước mắt mình thì sao nhỉ? Rồi gạt đi: Vớ vẩn, thì sao? Nhìn thấy tận mắt mà mỉm cười được, cười kiểu gì cũng được, cười thực tâm, cười khinh khi, cười đau đớn, cười vô hồn, cười ngạo mạn trước hạnh phúc của người ta? Nghĩ tới đó, là cô lại tự phá lên cười. Thực là vớ vẩn!

Quay về nhà, với nồi nước đun lá mùi già…

Và cứ lặng lẽ thế, hương mùi đêm giao thừa đem lại cho con người những giây phút thư thái, tĩnh lặng, một chút trầm mặc suy tư. Nó mang một mùi vị man mác thanh thản đến nao lòng. Ngôi nhà có những người đàn bà đang hưởng mùa xuân theo cách của mình! Xuân về rồi, xin hãy đón nhận mùa xuân mới người ơi!

Codet Hanoi

Đàn bà là Tết

Đàn bà là Tết

Tết là không gian, là sàn diễn của những người vợ, người mẹ. Họ chính là tác nhân tạo ra cái không gian ấm áp, dịu dàng của ngày Tết.