Những người đàn bà trong phiên chợ Tết

Bà ngoại tôi chỉ làm lụng suốt ngày, lúc nghỉ ngơi là nhớ đến những chuyện buồn thương. Chỉ khi đến chợ, tôi mới thấy bà cười, bà vui như thế.

Tôi bắt đầu có những ý nghĩ đầu tiên về giới tính vào năm 8 tuổi, khi theo bà ngoại mình đi chợ tết ven sông. Bà ngoại làm hàng xáo, mua thóc về giã giã xay xay thành gạo trắng rồi lại mang ra chợ bán. Công việc vất vả, lãi lờ chẳng bao nhiêu, chủ yếu là lãi trấu ủ bếp và cám gạo nuôi lợn. Hôm ấy là cuối năm, ba giờ sáng bà đã dậy rồi sàng mẻ gạo cuối cùng, thổi một nồi xôi trắng, rồi gọi tôi dậy đi chợ tết với bà.

Ảnh minh họa: Lê Minh
Ảnh minh họa: Lê Minh

Tôi vừa dụi mắt vừa chạy theo những bóng áo cánh nâu chấp chới trên con đường làng còn đẫm sương mà đến chợ. Chợ ở ven sông, có hai dãy lán ống, mươi cái cầu thuyền, ở lán toàn đàn bà, trên thuyền toàn đàn ông. Bà ngoại tôi hạ hai thúng gạo trên đầu xuống gốc vối gần bờ sông, vì người mua gạo của bà chủ yếu là cánh nhà thuyền. Bà đến chợ rất sớm, nhưng cũng chẳng phải vội vàng gì, nhẩn nha lấy xôi ra hai bà cháu cùng ăn, ai đi qua bà cũng mời, dù biết chẳng ai dừng lại ăn. Đến chợ, bà vui lắm, những nếp nhăn đều giãn cả ra. Chưa bao giờ tôi thấy bà nói cười nhiều đến như thế.

Ở nhà, bà gần như chẳng nói năng gì ngoài những lúc đánh chó chửi mèo, mắng lũ cháu nghịch ngợm. Bà làm việc suốt ngày vì ngoài mấy sào ruộng nước, mấy miếng ruộng khô thì bà còn lợn gà cám bã, xay xáo luôn tay. Ông ngoại tôi trừ những ngày mùa chống thuyền chở lúa, những ngày hạn mang gàu tát mương thì chủ yếu là đọc sách ngâm thơ, chăm lan chăm cúc, với trà lá tổ tôm. Mẹ tôi ở thành phố, cậu tôi đi học, anh em tôi còn bé, chỉ biết học và chơi, thi thoảng bà mệt, bà ngồi trên cái thềm đá xanh của ngôi nhà cổ phe phẩy cái nón lá thì chúng tôi mới được nghe bà kể chuyện. Chuyện của bà thường buồn.

Bà hay kể đi kể lại chuyện hồi trẻ bà bị mất mấy người bạn gái. Các bà đi buôn rượu lậu cùng nhau, để tránh nhà chức trách mà phải đi tắt qua những khu rừng phi lao có đầy mả hủi. Một ngày nồm ẩm, đi qua khu mả hủi, các bà thấy một đám côn trùng bé xíu bay lên đậu khắp người, thứ đó người ta vẫn cho là con hủi. Bà ngoại tôi hạ gánh nhấc cả hai chum rượu đổ lên người rồi chạy đến khi ngấm rượu mà say.

Khi bà tỉnh lại, người ta kể rằng ba người bạn gái của bà về làng bị người ta đuổi đi vì nghi bị hủi ăn (các bà ấy tiếc không đổ rượu đuổi trùng). Từ ấy, bà tôi không có tin tức gì về những người bạn gái. Quê tôi hồi đó người ta sợ hủi lắm! Có người đàn bà mắc hủi mà không nỡ xa con nhỏ, thỉnh thoảng lại mò về làng, bị dân làng bắt được. Họ bỏ người đàn bà đáng thương đó vào cái chum lớn đầy vôi cục, rồi thả xuống cửa sông. Khi cái chum trôi ra biển, gặp cơn sóng đầu tiên là nghi ngút khói trắng, người chồng ôm con đứng trên đê chỉ biết lặng lẽ run người khi nghe tiếng thét của vợ mình loang trên cửa biển.

Bà ngoại tôi là thế, chỉ làm lụng suốt ngày, lúc nghỉ ngơi là nhớ đến những chuyện buồn thương. Chỉ khi đến chợ, giữa bán bán mua mua tôi mới thấy bà cười, bà vui như thế. Tôi nghĩ, có lẽ vì thế mà bà làm hàng xáo, để còn có việc mỗi phiên chợ mang gaọ trắng về đây. Những người đàn bà nơi thôn ổ, niềm vui chẳng có bao nhiêu.

Đi chợ tết với bà, trong lúc bà mua mua bán bán thì tôi lang thang ngắm ông lão tò he nặn ông quan công bằng bột nếp, nhìn ông thợ cắt tóc soi đèn lấy ráy tai, rồi xuống bến thuyền tìm chú Hoá bán sành.

Chú Hoá không biết quê đâu, thỉnh thoảng mới chống thuyền về bến sông này. Người ta bảo chú nhiều tiền lắm, lại võ nghệ cao cường. Có lần tôi được xem chú biểu diễn dùng nắm tay mà đóng cái đinh thuyền dài 12 phân ngập lút vào thân thuyền. Nhưng mà chú Hoá buồn, chú hay ngồi thẫn thờ trên mũi thuyền nhìn vào dãy lán chợ. Người ta bảo chú nhớ vợ chú.

Tôi nghe người ta nói rằng chú quen vợ chú ở cái chợ này, cũng một phiên chợ tết. Lấy nhau rồi, chú vẫn dong thuyền đi bến nọ, bến kia buôn vại buôn bình. Hai vợ chồng không có con, vợ chú bán hàng xén, hay ăn quà và tính tình xởi lởi, ai cần gì thì thím Hoá cũng giúp. Bận ấy chú đi buôn tận trên Tuyên Quang mấy tháng liền, đến phiên chợ cuối năm mới trở về. Chú về sớm, buộc thuyền xong mà chợ vẫn còn vắng, vợ chú chưa ra. Ai đó nói với chú rằng thím Hoá ở nhà ăn quà mà nợ khắp cả chợ, không biết có cho giai hay không mà nhà cũng bán rồi.

Chú Hoá không đi tìm vợ ngay, ngồi ở mũi thuyền như hoá đá. Rồi thím Hoá đến, bỏ quang bỏ gánh chạy đến thuyền chồng. Chú Hoá đứng lên tát vợ một cái ngã vật dưới bến sông rồi chú cầm sào chống thuyền đi ngay. Mấy năm sau chú Hoá quay về thì thím Hoá cũng đã bỏ đi biệt xứ. Nhìn chú Hoá, người ta chỉ biết chép miệng thôi. Thím Hoá ngày ấy bán nhà để chữa bệnh vô sinh. 

Tôi lên thuyền chú Hoá, ngồi dựa vào đùi chú chờ nghe chuyện đường xa. Hôm đó, chú không kể chuyện, chỉ xoa đầu tôi, bảo: “Làm con trai thật tốt. Ở miền quê này, cuộc sống của người đàn bà chẳng có chuyện gì vui” – Tôi không biết làm con trai thì có gì mà tốt, nhưng mà tôi biết những người đàn bà như bà ngoại tôi, như những người bạn của bà, như thím Hoá, họ đều trở về nhà và cặm cụi trong buồn tẻ triền miên.

Lão Phạm

Bao giờ đàn bà bớt khổ?

Bao giờ đàn bà bớt khổ?

Xuất phát từ bản năng lo toan, ý thức sở hữu, phụ nữ đôi khi chẳng dành cho mình nhưng phải là của con khi chả may mình về cõi khác.