Có lẽ, khoảng thời gian để cảm nhận không khí Tết rõ rệt và đậm màu nhất, không phải là đêm Giao thừa hay những ngày mồng 1, mồng 2... mà là vào những ngày cuối năm giáp tết, khi mà ai ai cũng hối hả, vội vã để mang được cái Tết về nhà.
Những ngày cuối năm, nhìn thấy thân thương nhất là dáng vẻ tất bật của các bà, các chị, tạt ngang qua chợ sau giờ làm để sắm bó hoa, vài loại cây trái, ít mứt kẹo; sắm cho chồng, cho con vài bộ quần áo mới, mua mua bán bán mỗi ngày một ít, để có một cái Tết đủ đầy hơn. Là dáng vẻ các anh hăm hở sắm chậu cây cảnh, mua dăm ba cái bộ đèn nhấp nháy hay bộ tách trà rồi gật gù tấm tắc bình luận, cành đào nhà này đẹp thế, nhà kia đắt thế… Dường như tất cả đều trở nên bận bịu trong niềm hân hoan mà đôi khi chính bản thân mình cũng không nhận ra được.
Cái phong vị Tết ấy len lỏi qua từng con phố đông, hai bên vỉa hè chật kín những dãy hàng quán người ta bán từng tập lì xì đỏ tươi, từng quyển lịch mới, những giò phong lan hay những gian hàng đồ sành, đồ sứ người ra người vào tấp nập. Những người mua cành đào, cành quất tíu tít chọn lựa, hoa đào thắm chen lá quất xanh thổi bùng sức sống của một góc đường. Ngoài phố, người đông như mắc cửi, nhưng ai cũng tự nhiên trở nên hồ hởi bao dung hơn, chỉ cười xòa bỏ qua nếu chẳng may “đụng chạm” nhau trên đường.
Nơi đông nhất vào những ngày này có lẽ là ở những khu chợ. Các loại hàng hóa ngập tràn với đủ sắc màu, hương vị vô cùng vui mắt. Những ngày này, người ta thường họp chợ đến tối khuya, những người bán hàng cố gắng bán thêm chút đỉnh để có chút tiền tiêu Tết.
Những ngày giáp tết, mỗi nhà lại mong mỏi người đi xa trở về. Các bến xe, bến tàu đông nghịt những gương mặt mong ngóng đợi chờ, những cái ôm hạnh ngộ thân thương sau nhiều ngày xa cách. Những lời hỏi thăm cũng trở nên ân cần hơn, nồng nhiệt hơn. Cái niềm vui sum họp, mà gần đây người ta hay cho là lỗi thời, với nhiều người, vẫn là niềm hạnh phúc không gì sánh bằng.
Càng gần Tết, người ta càng nghe rõ trong không gian tiếng lách tách của bếp lửa bên nồi bánh chưng, của mùi hương trầm vàng mã bảng lảng trong không khí, của hương lá mùi già trầm trầm mà vương vấn dung dị quá đỗi, của tiếng nồi niêu xoong chảo va vào nhau rộn ràng vang lên trong từng căn bếp.
Cuối năm, cũng là lúc mỗi gia đình lại cùng nhau xắn tay vào dọn dẹp lại những “bụi bặm” của một năm đã qua, nhìn lại và gói ghém những điều đã qua vào một ngăn kí ức, để sắp xếp và sửa sang lại cho ngôi nhà của mình gọn gàng ngăn nắp hơn, để chuẩn bị đón một năm mới với những mới mẻ hứa hẹn, để vui.
Những ngày cuối năm ấy, dù đông đúc chật chội, cũng đừng ngại bước ra đường, mà hãy cùng hòa vào dòng người, để cảm nhận cái mùi nồng ẩm của mùa xuân, của hơi nước nằng nặng trong không khí pha trộn với hàng trăm thứ hàng hóa người xe hoa lá cỏ cây, tạo thành cái hương vị vừa thoảng thoảng lại vừa đậm đà, mang đặc trưng của cái Tết truyền thống, mà bao nhiêu năm trong cuộc đời, dù có đi xa đến đâu, cứ đến những ngày ấy, là lại không nguôi nhớ về…
Khay mứt Tết của người Việt có gì?
Một hình ảnh không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền Việt Nam chính là những khay đựng mứt, hạt bên cạnh bánh kẹo.