Khó như việc... tìm mua khẩu trang y tế

Việc mua khẩu trang y tế trong mùa dịch COVID-19 khó khăn như mò kim đáy biển. Nguyên nhân là thời gian gần đây, nước ta liên tục cách ly thêm nhiều trường hợp lây nhiễm mới khiến “cơn sốt” khẩu trang này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Từ sau Tết Nguyên đán, khẩu trang y tế là vật dụng được nhiều người săn lùng nhất vì sự bùng phát của dịch COVID-19. Trước rất nhiều hiệu thuốc đã chứng kiến cảnh, hàng ngàn người chen lấn để mua được khẩu trang. Bên cạnh đó, khẩu trang cũng bị hét giá do một số cá nhân trục lợi.

Tại các nhà thuốc, hệ thống siêu thị tiện lợi,... khẩu trang đều đã bán sạch.
Tại các nhà thuốc, hệ thống siêu thị tiện lợi,... khẩu trang đều đã bán sạch.

Sau khi có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì thị trường khẩu trang trong nước đã phần nào bớt căng thẳng. Đến nay, dù dịch COVID-19 đã được Việt Nam kiểm soát tốt, tuy nhiên số ca nhiễm trên thế giới đang tiếp tục tăng đặc biệt tại Hàn Quốc. Điều này, khiến tâm lý hoang mang của người dân trong nước bắt đầu có trở lại, cơn sốt khẩu trang từ đó cũng nóng hơn.

Hiện nay, những nơi có bán khẩu trang y tế tại TP.HCM bắt đầu khan hiếm trở lại. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các hệ thống siêu thị trong thành phố, các nhà thuốc lớn hay nhiều cửa hàng tiện lợi đều không tìm thấy mặt hàng này. 

Tuy nhiên, việc tìm mua khẩu trang lại dễ dàng hơn trên các trang mạng xã hội . Chỉ cần tìm từ khóa “khẩu trang” trên facebook, người mua sẽ nhận được nhiều kết quả liên quan đến các tài khoản và nhóm mua bán mặt hàng này.

Trên các trang mạng, khẩu trang y tế được bán một cách tràn lan.
Trên các trang mạng, khẩu trang y tế được bán một cách tràn lan.

Trong vai một người khách, khi liên hệ hỏi mua, chúng tôi được các chủ kinh doanh online này giới thiệu khẩu trang y tế với đủ loại mẫu mã và nhiều mức giá khác nhau. Sau khi tìm hiểu thêm, đa phần những tài khoản này chỉ bán khẩu trang với số lượng lớn hoặc bỏ sỉ theo thùng.

Nếu khách hàng có ý muốn mua lẻ thì phải chờ hàng về từ 1-2 tuần, nhưng khẩu trang chỉ được bán theo tép không có hộp, ngoài ra khách hàng buộc phải chuyển khoản trước mới đảm bảo hàng được đặt.

Lần theo địa chỉ bán khẩu trang y tế trên mạng, chúng tôi tìm đến cửa hàng trên đường Nguyễn Kiệm (Gò Vấp), khi được hỏi mua khẩu trang thì được chủ kinh doanh giới thiệu loại khẩu trang 3D với giá 15.000 đồng/cái và bán theo tép 10 cái, chỉ được bọc bằng ni lông thông thường, không có nhãn hiệu hay bất kỳ ghi chú nào về chất lượng sản xuất. Đối với khẩu trang y tế 3 lớp thì chỉ bán theo thùng với giá 20 triệu đồng/thùng chứ không bán lẻ.

Một tiệm bán dụng cụ y tế trên đường Nguyễn Kiệm (Gò Vấp) treo bảng bán khẩu trang 3D với giá 15.000 đồng/cái.
Một tiệm bán dụng cụ y tế trên đường Nguyễn Kiệm (Gò Vấp) treo bảng bán khẩu trang 3D với giá 15.000 đồng/cái.

Chị Huỳnh Dương (24 tuổi) nhân viên văn phòng chia sẻ, nhiều ngày qua chị đã đến hết tất cả các tiệm thuốc tây hỏi mua khẩu trang nhưng ai cũng lắc đầu báo hết hàng. Nhưng tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, không còn cách khác chị Dương đành đặt hàng trên mạng 10 hộp khẩu trang với giá 300.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, hiện tại khi chị nhắn tin đặt thêm thì nhận thông báo hết hàng và phải đợi khoảng 10 ngày sau mới có.

Điều đáng nói, phía các nhà sản xuất cam kết sản xuất hết công xuất và không tăng giá bán nhưng không hiểu sao trên thị trường hiện nay người dân lại gặp phải không ít khó khăn để mua được khẩu trang y tế đạt chuẩn và đặc biệt giá đều tăng một cách phi mã?

Cụ thể, ông Đào Đình Khoa, Giám đốc Công ty Cổ phần Tanaphar cho biết công ty sản suất khoảng 50.0000-60.000 sản phẩm khẩu trang y tế/ngày. Công ty đã huy động tối đa công suất dây chuyền thiết bị và toàn bộ nhân lực làm việc 24/24 giờ/ngày nhằm đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu khẩu trang phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Còn ông Lê Xuân Hiền, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Đại Uy, đơn vị hiện có hai dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế khá hiện đại với công suất tối đa lên đến 100.000 sản phẩm/ngày cho biết, hiện đơn vị đã huy động tối đa công suất dây chuyền và nhân lực để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường. Công ty cam kết không nâng giá bán sản phẩm.

Đa phần các tài khoản facebook rao bán khẩu trang y tế với số lượng chứ không bán lẻ.
Đa phần các tài khoản facebook rao bán khẩu trang y tế với số lượng chứ không bán lẻ.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, TP.HCM đang có 20 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang với năng lực sản xuất là trên 2,5 triệu cái/ngày. Trong đó, cung cấp cho bệnh viện 241.500 cái/ngày, nhà thuốc 364.000 cái/ngày. Lượng cung cấp cho các tỉnh, thành, hệ thống siêu thị, đại lý bán hàng… 1.926.500 cái/ngày. Trước tình hình khan hiếm khẩu trang y tế diễn ra trên địa bàn, Sở Công Thương đã làm việc với Hội Dệt may thêu đan TP.HCM về chuẩn bị nguồn khẩu trang vải kháng khuẩn. Qua đó, kết nối Saigon Co.op và các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải với số lượng lớn.

Đến nay, Saigon Co.op đã ký hợp đồng phân phối, cung ứng 1,5 triệu cái khẩu trang vải kháng khuẩn của Tổng công ty X28 (Bộ Quốc phòng) đến ngày 20/2. Nhà bán lẻ này cũng đã ký hợp đồng 5 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), chia làm 2 đợt: đợt 1 đến ngày 29/2, cung cấp 3 triệu cái và đợt 2 trong tháng 3 cung cấp 2 triệu cái.

  Cảnh chen lấn  mua khẩu trang y tế  tại chợ thuốc lớn nhất TP.HCM sáng 16/2/2020.

Cảnh chen lấn mua khẩu trang y tế tại chợ thuốc lớn nhất TP.HCM sáng 16/2/2020.

Ngoài ra, Sở Công Thương TP.HCM cũng đã giới thiệu Saigon Co.op tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn như Thành Phát, Viking, SG2, Anh Khoa... để ký hợp đồng phân phối, bảo đảm cung ứng sản phẩm cho thị trường.

Như vậy, tổng số khẩu trang vải cung cấp cho thị trường TP.HCM trong tháng 2 là 4,5 triệu cái, trong tháng 3 là 2 triệu cái. Hiện Sở Công Thương đang tiếp tục làm việc với Hội Dệt may thêu đan TP.HCM để kết nối doanh nghiệp có khả năng sản xuất khẩu trang vải cho các doanh nghiệp phân phối như Saigon Co.op, Big C, Satra, MM Mega Market, Lotte Mart, Vinmart… nhằm bảo đảm khả năng cung cấp khẩu trang vải cho thị trường.

Trước đó, Công văn số 79-CV/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 05/CT-TTg, Quyết định số 173/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Bộ trưởng Bô Công Thương ban hành ngày 31/1 về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với dịch bệnh nCoV quy định rõ: Các doanh nghiệp sản xuất đều tập trung tối đa năng lực sản xuất, huy động nhân, vật lực tập trung ở mức cao nhất có thể nhằm đáp ứng nhu cầu khẩu trang, trong đó có khẩu trang y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.

PHƯỢNG LÊ

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương