Kinh tế Việt Nam trong tháng 5 diễn biến như thế nào?

Là tháng đầu tiên sau khi lệnh giãn cách xã hội kết thúc, kinh tế Việt Nam đã diễn biến như thế nào?

NHững thông tin về vấn đề này đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ , Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng thông báo trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020 diễn ra vào chiều 2/6.

Đây là buổi họp báo Chính phủ đầu tiên tiến hành bình thường trở lại như thông lệ thay vì phải thực hiện quy định giãn cách do dịch COVID-19.

Theo đó, trong tháng 5/2020, có 10.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36,1% so với tháng 4; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,5%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 14,5% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 4,8%.

Khách quốc tế đến nước ta giảm mạnh do chưa mở cửa cho du lịch quốc tế nên lượng khách đến trong tháng chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,7 triệu lượt người, giảm 48,8%.

Nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định. Lãi suất điều hành giảm, chính sách tiền tệ được thực hiện linh hoạt, chủ động. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước, tính chung 5 tháng, CPI bình quân tăng 4,39% so với cùng kỳ.

Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả, thông suốt. Tính đến ngày 20/5, huy động vốn tăng 1,85%; tín dụng tăng 1,32% so với cuối năm 2019. Trong tháng 5, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm lần 2 các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên để cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã sôi động hơn nhờ tình hình dịch COVID-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã thiết lập trạng thái bình thường mới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sản xuất nông nghiệp có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm (năng suất lúa đông xuân tăng 0,3 tạ/ha). Đáng chú ý, thời gian qua, chăn nuôi lợn của chúng ta bị ảnh hưởng rất lớn do dịch bệnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có rất nhiều nỗ lực nhằm tái đàn nhưng giá thịt lợn hiện vẫn ở mức cao mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp. 

Thủ tướng nêu rõ quan điểm là giải quyết căn cơ, bài bản vấn đề giá thịt heo cao nhưng cũng tránh những thời điểm thịt heo rớt giá, làm tổn hại đến lợi ích người nuôi heo, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi. Phát động tái đàn trên cơ sở khống chế dịch tả lợn châu Phi, khuyến khích đầu tư quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là giải quyết tốt khâu đầu vào, giống, thức ăn, kết hợp với nhập khẩu để giữ giá thịt heo ổn định.

Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng mạnh trở lại, do cuộc sống trở lại bình thường sau giãn cách xã hội, cùng với kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5 nên hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng khá (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2020 tăng 26,9% so với tháng trước). Đáng chú ý, các hãng hàng không, ngành du lịch bị thiệt nặng nề do COVID-19 đã trở lại hoạt động tương đối nhộn nhịp, các trung tâm du lịch lớn đón lượng lớn đông du khách nội địa.

Công tác triển khai hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được triển khai tích cực khắp cả nước. Đến nay, tổng số tiền đã chi hỗ trợ cho các đối tượng là 17,5 nghìn tỷ đồng (chưa bao gồm chi trả bảo hiểm thất nghiệp 2.000 tỷ đồng). Nhiều địa phương đã hỗ trợ mở rộng hơn so với Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15. Cho đến nay, về cơ bản, các đối tượng chính sách, người có công đều đã nhận được hỗ trợ. Nhóm đối tượng là công nhân mất việc làm, tạm nghỉ việc cũng đang được các cơ quan chức năng, địa phương hoàn tất các thủ tục để triển khai hỗ trợ.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nghiêm trọng, do dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu vẫn còn diễn biến phức tạp, cũng như những khó khăn do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, thiên tai, thời tiết cực đoan, đã làm ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là trong sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, khách quốc tế, như:

Nhiều ngành sản xuất công nghiệp giảm mạnh do chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn (sản xuất xe có động cơ giảm 16,3%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 15,6%; sản xuất đồ uống giảm 14,6%; khai thác dầu thô và khí đốt giảm 12%; sản xuất thiết bị điện giảm 5,2%...). Chỉ số IIP tăng 1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019 và trong nhiều năm qua.

Mặc dù, trong tháng 5 vừa qua, chúng ta đã có nhiều cố gắng, tình hình sản xuất kinh doanh đã bắt đầu có bước hồi phục; nhưng trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa. Quan điểm của Chính phủ là: Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức; phải biến khó khăn, thách thức thành cơ hội; “khó một, chứ khó mười vẫn phải cố gắng vượt qua”, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra; phát huy sáng tạo, chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua khó khăn; quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 2020 của cả nước và của từng bộ, ngành, địa phương.

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương