Hành trình không dễ dàng để mang “Lá đơn thứ 72” đến nước Nga
Tại Hội trường Trường Đại học Tài chính Moscow, những tràng pháo tay kéo dài, những giọt nước mắt xúc động là minh chứng sống động cho thành công của đêm diễn. Lá đơn thứ 72 được chuyển thể từ câu chuyện có thật về ông Đỗ Văn Chồi – người nông dân kiên trì gửi 72 lá đơn kêu oan đến Bác Hồ và cuối cùng đã được minh oan. Vở diễn không chỉ là một câu chuyện pháp lý mà là bản anh hùng ca về niềm tin, lòng kiên định, và sự công tâm của một vị lãnh tụ vĩ đại.
![]() |
"Lá đơn thứ 72" - đưa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nước Nga |
Với chiều sâu nội dung và chất lượng nghệ thuật, vở kịch truyền tải mạnh mẽ thông điệp về đạo đức, lối sống, và phong cách Hồ Chí Minh – một hình tượng mà NSND Lệ Ngọc gọi là “nguồn cảm hứng bất tận cho những người làm sân khấu”. Vở diễn cũng tái hiện sinh động tinh thần đấu tranh chống oan sai, tham nhũng, thói vô cảm, đồng thời khơi dậy giá trị nhân văn sâu sắc trong xã hội hiện đại.
Đằng sau ánh hào quang sân khấu là hành trình gian khổ và đầy bản lĩnh của tập thể nghệ sĩ Sân khấu Lệ Ngọc. NSƯT Văn Hải, Giám đốc sản xuất kiêm diễn viên chính trong vai Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ: “Chúng tôi ao ước được mang hình tượng Bác đến nước Nga – một người bạn thủy chung của Việt Nam. Nhưng hành trình ấy không dễ dàng. Mọi việc đã được lường trước nhưng khi vào cuộc mới thấy khó khăn nhiều đến thế”.
![]() |
Để có chiếc ghế mây đạo cụ trên sân khấu tối 17/7 tại Moscow, Sân khấu Lệ Ngọc đã vất vả nhiều ngày và chi một khoản tiền lớn để đưa chiếc ghế từ Việt Nam sang. |
Từ những khó khăn trong việc thay thế diễn viên, luyện tập gấp rút, cho đến chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt như đưa chiếc ghế mây đặc trưng cho nhân vật Bác Hồ, mọi thứ đều trở thành thử thách. Chiếc ghế phải được chuyển từ Việt Nam sang, chi phí gấp nhiều lần giá trị vật chất của nó. Vì không có hóa đơn, ê-kíp phải xin công văn, đi lại nhiều lần mới lấy được ghế tại sân bay Nga. Những chuyện tưởng như vụn vặt ấy lại chứa đựng nỗ lực to lớn của những con người làm nghệ thuật nghiêm túc, đầy tâm huyết.
“Cho đến tận những giờ phút cuối cùng trước buổi diễn, khó khăn vẫn không buông tha chúng tôi. Gần 200 khán giả phần lớn là người Việt xa quê đã đến tận rạp, cầm vé trong tay, ánh mắt rạng ngời chờ đợi, nhưng rồi đành lặng lẽ quay về vì những lý do ngoài tầm kiểm soát. Đau lòng hơn, trong khán phòng 500 chỗ vẫn còn nhiều ghế trống. Ở Việt Nam, Trung Quốc hay Lào, suốt hơn 300 suất diễn, Lá đơn thứ 72 luôn kín khán giả. Vậy mà hôm ấy, giữa lòng Moscow, có người đã đến rất gần mà vẫn lỡ nhịp để chạm vào câu chuyện của Bác. Cả ê-kíp mệt mỏi sau hành trình dài, lịch làm việc dày đặc từ khi đặt chân đến đất Nga. Và dù có một chút hụt hẫng khi nhìn những hàng ghế còn trống, chúng tôi vẫn dốc hết trái tim mình vào từng câu thoại, từng bước chân trên sân khấu –để mỗi khán giả có mặt đều được sống trọn vẹn với cảm xúc, với tình yêu dành cho Bác Hồ, cho công lý, và cho quê hương”- NSUT Văn Hải bùi ngùi.
![]() |
Mặc dù còn gần 200 khán giả không thể vào rập vì lý do bất khả kháng nhưng khán phòng vẫn rất "nóng" bởi tình cảm của người xem dành cho "Lá đơn thứ 72 " từ Việt Nam sang. |
Lan tỏa hình tượng Bác Hồ – lan tỏa tình hữu nghị Việt – Nga
Không chỉ đơn thuần là một sự kiện văn hóa, vở diễn là một chương trình giao lưu nghệ thuật có ý nghĩa đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình “Tình hữu nghị Việt – Nga” do Đại sứ quán Việt Nam tại Nga phối hợp cùng Sân khấu Lệ Ngọc tổ chức.
Bà Svetlana Petrovna, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Moscow xúc động chia sẻ: “Qua vở kịch này, chúng tôi hiểu được Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ hết sức nhân hậu, thông thái, gần gũi nhân dân. Người đã lắng nghe và giải oan cho một người dân bình thường – điều ấy thật vĩ đại".
![]() |
Phóng viên Nga phỏng vấn NSUT Văn Hải sau đêm diễn |
Còn Đại sứ Việt Nam tại Nga, ông Đặng Minh Khôi khẳng định: “Văn hóa có sức mạnh kỳ diệu để kết nối các dân tộc. Từ những hoạt động giao lưu như thế này, hai dân tộc Việt – Nga sẽ ngày càng hiểu và xích lại gần nhau hơn. Tôi thực sự bất ngờ về vở diễn. Khi về Việt Nam, tôi nhất định sẽ đi xem lại”.
Đáng chú ý, sau đêm diễn, lãnh đạo Trường ĐH Tài chính Moscow đã chính thức mời Sân khấu Lệ Ngọc tham dự Festival Nghệ thuật tại Nga vào tháng 5/2026, một cơ hội lớn để văn hóa Việt tiếp tục tỏa sáng tại quốc gia có nền sân khấu lâu đời như nước Nga.
![]() |
Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi và bà Svetlana Petrovna- Phó Hiệu trưởng trường ĐH Tài chính Moscow, LB Nga tặng hoa các diễn viên sau đêm diễn. |
Lá đơn thứ 72 không chỉ là một vở kịch thành công, nó là biểu tượng của lòng tri ân, của tinh thần sáng tạo và quyết tâm vượt khó để truyền bá giá trị văn hóa dân tộc. Trong thời đại hội nhập, những bước chân thầm lặng như thế đang góp phần khẳng định vị thế của nghệ thuật Việt trên bản đồ thế giới.
![]() |
NSND Lệ Ngọc trả lời phỏng vấn báo chí tại Nga |
![]() |
Khán giả chụp ảnh lưu niệm với êm kíp diễn viên |
![]() |
Khán giả chụp ảnh lưu niệm với nghệ sĩ đóng vai Bác Hồ |
Và ở một góc nhỏ của nước Nga rộng lớn, ánh sáng sân khấu đêm 17/7 vừa qua đã kể một câu chuyện Việt – giản dị mà đầy sức nặng. Một câu chuyện khiến người xem rơi nước mắt, rồi đứng dậy vỗ tay thật lâu.
Hành trình nghệ thuật kết nối kiều bào và vun đắp tình hữu nghị Việt – Nga
Từ ngày 15 - 27/7/2025, Sân khấu Lệ Ngọc đưa vở kịch "Lá đơn thứ 72" cùng chương trình nghệ thuật "Bản trường ca hữu nghị Việt – Nga" đến biểu diễn tại Moscow và St. Petersburg.