Làm gì để tránh nguy cơ đột quỵ trong mùa nắng nóng

Thời tiết nắng nóng, sự bài tiết mồ hôi nhiều nên dễ mất nước và có thể dẫn đến hiện tượng cô đặc máu dễ tăng nguy cơ đột quỵ cấp.

Theo Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Ngọc Quyên, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM chia sẻ trên báo Nhân dân, đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não sẽ xảy ra khi các yếu tố căn nguyên khiến cho dòng máu cung cấp lên não bị gián đoạn. Có 2 nguyên nhân gây ra tình trạng đột quỵ, bao gồm: Mạch máu não bị tắc nghẽn khiến dòng máu không thể lưu thông lên não và nuôi dưỡng các tế bào não; mạch máu não bị vỡ, khối máu tụ thoát ra khỏi lòng mạch và chèn ép, gây thiếu máu nuôi các nhu mô não.

Phần não bị thiếu máu sẽ bị thiếu dưỡng chất và hoại tử, từ đó gây mất chức năng của tế bào não. Những chức năng bị mất sẽ biểu hiện ra bên ngoài thông qua các triệu chứng.

Tình trạng đột quỵ thường xuyên xảy ra vào mùa hè là do việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ kém hơn so với các mùa khác. Các yếu tố nguy cơ này bao gồm: cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, uống rượu,...

Ngoài ra, yếu tố nhiệt độ thay đổi đột ngột cũng dễ dẫn đến tình trạng tăng nhịp tim, tăng huyết áp, mất nước do hoạt động lâu dưới thời tiết nắng nóng,... gây ra đột quỵ, thiếu máu não ở những người lớn tuổi và người có bệnh lý nền.

Nguy cơ đột quỵ mùa nắng - Ảnh 1.

Số ca đột quỵ mùa nắng tăng cao.

Theo các chuyên gia Y tế các triệu chứng của đột quỵ có thể nhận biết qua quan sát. Dưới đây là những dấu hiệu nhận diện dựa vào “FAST”: 

F (Face): có nghĩa là mặt. Dấu hiệu cảnh báo sớm của đột quỵ sẽ được biểu hiện qua tình trạng mất cân xứng trên mặt của người bệnh, bao gồm: mặt bị lệch, cười lệch, khi ăn đồ ăn, thức uống bị rớt sang 1 bên miệng.

A (Arms): có nghĩa là cánh tay. A được hiểu là vận động 1 bên, khi cầm đồ một bên tay yếu hơn, dễ bị rơi đồ hơn. Để kiểm tra, người bệnh có thể giơ 2 tay ra phía trước mặt để đánh giá xem lực tay có cân bằng hay không.

S (Speak): có nghĩa là ngôn ngữ nói. Nếu giọng nói ngọng bất thường, nói không rõ chữ, nói bị dính chữ thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ.

T (Time): có nghĩa là thời gian. Khi người bệnh xuất hiện 1 trong 3 triệu chứng trên, người nhà cần hết sức cảnh giác và tranh thủ thời gian đưa người bệnh đến bệnh viện sớm nhất có thể để tiến hành điều trị đột quỵ.

Theo bác sĩ Quyên nhiều người rất để phân biệt đột quỵ với say nắng: Khác với đột quỵ, say nắng và sốc nhiệt sẽ có các triệu chứng khởi phát. Diễn tiến bệnh của say nắng và sốc nhiệt sẽ thay đổi theo cấp độ.

Khi mới bị say nắng hoặc sốc nhiệt, người bệnh sẽ có biểu hiện toàn thân như đỏ bừng mặt, khát nước, đau đầu, chóng mặt.

Khi bị say nắng hoặc sốc nhiệt ở mức độ nặng, người bệnh mới có các triệu chứng gần giống với đột quỵ như lú lẫn, nói năng lẫn lộn. Ở giai đoạn muộn bệnh nhân sẽ có triệu chứng lơ mơ, hôn mê, co giật, tụt huyết áp.

Lúc này, người thân cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện để sơ cứu kịp thời do bệnh nhân bị sốc nhiệt và vẫn có thể tiếp tục mắc thêm đột quỵ nếu có sẵn các yếu tố nguy cơ.

Biến chứng nặng nhất của đột quỵ đó là tử vong do vỡ mạch máu não hoặc kích cỡ các khối máu tụ quá lớn, nhồi máu não ác tính, tắc mạch máu lớn khiến tế bào não chết hoặc tế bào não bị phù.

Biến chứng ngưng tim, ngưng thở khi bệnh nhân bị tắc mạch máu ở các vị trí trọng yếu như đột quỵ ở thân não có trung tâm hô hấp, tuần hoàn.

Một biến chứng khác của đột quỵ là tàn phế, bệnh nhân bị liệt nửa người, liệt tứ chi hoặc khiếm khuyết vận động, đi lại khó khăn, không thể điều khiển phương tiện giao thông, hoặc không thể nói chuyện.

Thời gian vàng trong đột quỵ thiếu máu não là 270 phút nếu sử dụng thuốc tiêu huyết khối làm tan cục máu đông hoặc trong 6-8 giờ lấy huyết khối cơ học trong trường hợp tắc động mạch lớn trong não. Tuy nhiên, nếu người bệnh được điều trị càng sớm trong khoảng thời gian này thì cơ hội phục hồi, ít để lại di chứnghấp đi.

Vì thế, khi phát hiện triệu chứng, người thân nên cho bệnh nhân nằm ở nơi an toàn, tránh những nơi có vật sắc nhọn khi bệnh nhân có biểu hiện co giật. Nên cho bệnh nhân nằm nghiêng để không nuốt ngược nước bọt hoặc đồ ăn vào trong phổi.

Tiến hành sơ cứu cho bệnh nhân trong lúc chờ xe cứu thương nếu bệnh nhân bị ngưng tim.

Để phòng tránh đột quỵ mùa nắng nóng, bác sĩ Quyên khuyến cáo, đối với những người có sẵn bệnh lý nền, cần mang theo thuốc điều trị. Khi ra ngoài trời cần mắc các bộ đồ thông thoáng, đội mũ, dùng ô che nắng, uống bù nước.

Để phòng bệnh đột quỵ, các bác sĩ khuyến cáo: Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ như cholesterol cao, tăng huyết áp, stress, đái tháo đường, những tác nhân của cuộc sống hiện đại đã góp phần làm gia tăng nguy cơ đột quỵ.

Người dân cần tích cực vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên (30 phút mỗi ngày); giữ chế độ ăn uống đúng mức để tránh béo phì; hạn chế rượu, bia; tránh hút thuốc lá.

Cần điều trị tốt bệnh tăng huyết áp, phòng và điều trị đái tháo đường, khắc phục tình trạng tăng cholesterol.

Khi gặp người đột quỵ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống hoặc xoa bóp, cạo gió, chích đầu ngón tay… làm mất “thời gian vàng” điều trị mà cần đưa đi cấp cứu ngay giảm tỉ lệ tử vong và tàn phế.

Rất nhiều gia đình mua sẵn An cung ngưu hoàng hoàn để trong nhà dù giá cả rất đắt đỏ vì cho rằng đó là "thần dược" phòng ngừa đột quỵ! Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo đây là điều không đúng, An Cung không có tác dụng phòng đột quỵ, thậm chí có khi còn gây nguy hiểm tính mạng nếu dùng không đúng cách.

PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đột quỵ có hai thể khác nhau. Một là, đột quỵ thiếu máu cục bộ não - chiếm khoảng 85%, xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc bởi cục máu đông, huyết khối, hẹp do vữa xơ động mạch. Hai là, đột quỵ chảy máu não chiếm khoảng 15%, xảy ra khi mạch máu bị vỡ, máu chảy vào trong não hoặc xung quanh não.

Khi đó, An Cung chỉ có tác dụng đối với thể đầu tiên - thể nhồi máu. Riêng thể chảy máu não tuyệt đối không được dùng sản phẩm này, bởi chúng sẽ làm tình trạng xuất huyết của bệnh nhân trầm trọng hơn. Trong thực tế quá trình điều trị, các bác sĩ đã gặp nhiều bệnh nhân đã hôn mê, xuất huyết nặng sau khi người nhà cho uống An Cung.

Các chuyên gia cảnh báo tuyệt đối không tự ý cho người đột quỵ uống An cung ngưu hoàng hoàn hoặc uống loại thuốc này để dự phòng đột quỵ. Trong quá trình điều trị, GS. Thông cho biết đã từng tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu vì nhiễm độc thạch tín, thủy ngân sau khi uống An cung ngưu hoàng hoàn.


HÀ MY