Lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam: Dự luật dẫn độ 'đã chết'

Ngày 9/7, lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam đã thông báo dự luật dẫn độ gây nhiều tranh cãi 'đã chết' trước sức ép của người biểu tình.

Ngày 9/7, phát biểu trong suốt một cuộc họp báo, trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) cho biết dự luật dẫn độ gây nhiều tranh cãi những tuần qua của đặc khu này hiện đã "chết".

Bà Lâm nhắc lại chính quyền hiện không có kế hoạch nhằm tái khởi động quá trình thảo luận dự luật. Bà thừa nhận những xúc tiến của chính quyền đối với dự luật này đã "hoàn toàn thất bại",

Nhà lãnh đạo Hồng Kông cũng cho hay bà sẽ nhận toàn bộ trách nhiệm cho những gì đã diễn ra trong thành phố thời gian qua.

Căng thẳng chính trị ở Hồng Kông đã tăng lên trong những tuần gần đây trong bối cảnh các cuộc biểu tình về dự luật dẫn độ sẽ cho phép một số người bị bắt trong thành phố được đưa ra xét xử ở Trung Quốc đại lục. Dự luật đã bị đình chỉ sau một tuần biểu tình đầu tiên, nhưng những người biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường với lời kêu gọi loại bỏ hoàn toàn.

Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phát biểu trước truyền thông ngày 9/7.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phát biểu trước truyền thông ngày 9/7.

"Tôi đã gần như ngay lập tức dừng sửa đổi dự luật, nhưng vẫn còn nhiều nghi ngờ về sự chân thành của chính phủ, hoặc lo lắng liệu chính phủ sẽ khởi động lại quy trình trong hội đồng lập pháp hay không, vì vậy tôi xin nhắc lại ở đây: Không có kế hoạch nào cả, và dự luật đã chết", Trưởng đặc khu Carrie Lam cho biết.

"Những gì tôi nói hôm nay không có gì khác với những gì tôi nói trước đây. Nhưng có lẽ công dân cần nghe một câu nói dứt khoát từ tôi", the bà Lam, theo bản dịch từ CNBC của những bình luận đó. "Vì vậy, nói rằng dự luật dẫn độ hiện đang nằm trong quan tài là cách nói dứt khoát hơn, có nghĩa là, dự luật đã chết. Do đó, mọi người không cần phải lo lắng liệu sẽ có bất kỳ chiến thuật nào mà cuộc thảo luận về dự luật sẽ tiếp tục trong nhiệm kỳ của Hội đồng Lập pháp này".

Trước đó, giữa tháng 6, Hội đồng lập pháp Hồng Kông buộc phải hoãn vòng tranh luận thứ hai về dự luật dẫn độ trong bối cảnh biển người biểu tình chiếm giữ các con đường lớn và tụ tập đông đúc quanh tòa nhà Hội đồng lập pháp.

Bà Lâm sau đó thông báo sẽ hoãn vô thời hạn việc thảo luận dự luật dẫn độ. Không tán thành với quyết định này của chính quyền vì nghi ngờ dự luật sẽ tiếp tục "sống lại", người dân Hong Kong lại xuống đường biểu tình và đụng độ với cảnh sát.

Bà Lâm cho biết bà "tự hào về phẩm chất của người Hong Kong" như đã được bộc lộ thông qua hành động ôn hòa của phần lớn người biểu tình. 

Tuy nhiên, bà Lâm nói rằng "một số lượng rất nhỏ người biểu tình đã nhân cơ hội để sử dụng những hành động bạo lực và phá hoại", tờ CNBC dẫn lại lời bà Lâm.

Dự luật sửa đổi có tên "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự" sẽ cho phép Hồng Kông dẫn độ các nghi phạm tới những nơi mà hiện Hong Kong không có thỏa thuận dẫn độ, trong đó có Trung Quốc đại lục.

Bà Lâm từng khẳng định dự luật trên cần thiết để bịt kín các lỗ hổng pháp lý. Tuy nhiên, giới chỉ trích lo ngại dự luật này sẽ cho phép Trung Quốc đại lục làm suy yếu quyền tự trị của Hong Kong và mở đường để Bắc Kinh nhắm tới các đối tượng bất đồng quan điểm chính trị.

Sau nhiều năm nằm dưới chế độ thuộc địa của Anh, Hồng Kông chính thức được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997. 

Trung Quốc đồng ý cai quản Hong Kong theo nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ". Đặc khu này được phép duy trì các cơ quan chính trị và tư pháp riêng biệt trong 50 năm sau đó.

MINH TUẤN

theo Tin 24h