Tối 19/8, đêm thi Trang phục dân tộc của cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 đã nhận được sự quan tâm lớn của khán giả. Từ các lễ hội đặc sắc như chọi trâu, cà kheo, đến loại hình văn hóa phi vật thể như cải lương, hát bội được tái hiện trên sân khấu, chưa bao giờ đêm thi trang phục dân tộc lại ấn tượng đến thế.
Từ lễ hội đặc sắc của Việt Nam…
Đêm thi mở màn với phần biểu diễn với cà kheo của Miss Intercontinental Vietnam 2023 Lê Nguyễn Ngọc Hằng. Trò chơi dân gian của dân tộc miền núi Việt Nam, đặc biệt là đồng bào Ba Na tại làng Jun nói riêng dưới sự thể hiện khéo léo của Ngọc Hằng, hòa cùng âm nhạc, visual sân khấu mang lại không gian vui tươi.
Miss Intercontinental Vietnam 2023 Lê Nguyễn Ngọc Hằng mở màn với phần biểu diễn đi cà kheo |
Một trong những màn biểu diễn đặc sắc nhất phải kể đến Đồ Sơn ngưu đấu của NTK Nguyễn Ngọc Tứ. Thí sinh Phạm Thùy Trang mang lại tinh thần mạnh mẽ, thể hiện nét đặc sắc của Lễ hội chọi trâu truyền thống của người dân vạn chài biển Đồ Sơn, Hải Phòng.
Trang phục Đồ Sơn ngưu đấu của NTK Nguyễn Ngọc Tứ |
Thiết kế Ơi Yàng của NTK Trần Văn Minh mang đến không gian tâm linh miền núi. Âm nhạc đậm chất Tây Nguyên đưa khán giả đến những nét văn hoá đặc trưng như kiến trúc nhà Rông, nghề dệt thổ cẩm, văn hoá Cồng chiêng và cả những vũ điệu đặc sắc tại các lễ hội của đồng bào dân tộc.
Điệu múa tứ tuần của NTK Nguyễn Trung Thành lại thể hiện văn hóa đặc trưng của lễ Tứ tuần Đại Khánh. Đây cũng là nguồn gốc của nghệ thuật múa bóng rỗi Việt Nam |
Trống lân ngày hội của NTK Cù Hoàng Long lại thể hiện không khí tươi vui trong lễ hội văn hóa truyền thống Việt Nam, ước vọng cuộc sống thanh bình và hạnh phúc |
… Đến những nét văn hóa phi vật thể đặc sắc nước nhà
Trong vòng hơn 2 giờ trình diễn, khán giả đã được hòa mình vào đêm thi đầy sắc màu, từ không khí tươi vui của ngày hội đến những nét cổ kính, trang trọng khi tôn vinh văn hóa đặc sắc nước nhà.
Phiêu khúc bóng rỗi của nhà thiết kế Bùi Hoàng Ân khơi nguồn nghệ thuật diễn xướng dân gian Nam bộ. Dưới sự biểu diễn ấn tượng của thí sinh Huỳnh Phương Anh, Phiêu khúc bóng rỗi mang ý nghĩa cầu phúc, hướng đến điều tốt đẹp, kêu gọi lưu giữ, phát triển loại hình văn hóa độc đáo. Nền văn hóa riêng biệt của dân tộc Dao đỏ, nét đẹp văn hóa dân gian của vùng Tây Bắc được thể hiện ấn tượng qua thiết kế Xích Dao của Lê Bá Trung Hiếu.
Phiêu khúc bóng rỗi của nhà thiết kế Bùi Hoàng Ân khơi nguồn nghệ thuật diễn xướng dân gian Nam bộ |
Phần thi trang phục văn hóa dân tộc ấn tượng phải kể đến hai thiết kế Sấu xem hát bội của Đoàn Phúc Thiện và Kép thị của Hồ Hữu Thanh Nhã.
Với âm nhạc mang đậm không gian miền Tây, phần thi với văn hóa hát bội của Nguyễn Hồng Diễm mang đến thời khẩn hoang của vùng đất Cần Thơ, lý giải sự ra đời tên gọi Cái Răng, Đầu Sấu, đồng thời tôn vinh nghệ thuật hát bội đậm chất trình diễn.
Thiết kế Sấu xem hát bội của NTK Đoàn Phúc Thiện |
Phần biểu diễn của Hoa hậu Việt Nam Tiểu Vy lại mang đến cảm giác “nhớ quê nhà” cho khán giả. Từ hình ảnh nữ tướng Nguyễn Thị Bành đến âm nhạc hoài cổ, Kép Thị của nhà thiết kế Hồ Hữu Thanh Nhã tôn vinh ba thế hệ nghệ sĩ lưu truyền nghệ thuật sân khấu cải lương, tuồng cổ như NSND Phùng Há, NSƯT Thanh Nga, NSND Bạch Tuyết, NSND Lệ Thủy, NSƯT Thoại Mỹ và NSƯT Quế Trân.
Hoa hậu Tiểu Vy trình diễn thiết kế Kép thị |
Hình ảnh Việt Nam kiên cường, bất khuất
Không chỉ thể hiện văn hóa truyền thống, đêm thi Trang phục dân tộc còn xuất hiện những bộ trang phục đầy tinh thần yêu nước. Mắc võng Trường Sơn của NTK Nguyễn Hải lấy cảm hứng từ hình ảnh chiếc võng đồng hành cùng người lính, băng qua nẻo đường gian khổ.
Mắc võng Trường Sơn của NTK Nguyễn Hải |
Hình ảnh bà mẹ miền Nam dưới sự thể hiện của Á hậu Huỳnh Minh Kiên cũng gây xúc động mạnh. Minh Kiên khoác lên người chiếc áo bà ba, đôi quang gánh, buôn bán tảo tần để nuôi con khôn lớn. Giọt nước mắt khi thấy con lớn lên từng ngày dưới sự thể hiện của Á hậu 1 Miss World Vietnam 2023 khiến nhiều khán giả ở dưới sân khấu cảm động.
Nhiều thí sinh khác mang lại trải nghiệm văn hóa khi mang tác phẩm văn học dân gian như Cô Tấm, sự tích Cóc kiện trời, nghề làm muối, đặc sản muối ớt Tây Ninh… 59 bộ trang phục không trộn lẫn tạo nên đêm diễn màu sắc và lan truyền khắp mạng xã hội.
Ai đứng sau đêm thi hoành tráng, ấn tượng?
Với một sân khấu có sự đầu tư, dàn dựng hoành tráng, đêm thi Trang phục dân tộc của cuộc thi Miss Grand Vietnam đã đem đến dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả. Để thể hiện một không gian sống động, mang hơi thở quê hương đất nước trong những bộ trang phục dân tộc, ekip đã phải làm việc liên tục ngày đêm lắp ráp sân khấu, dàn đèn LED cũng như hệ thống âm thanh, dàn máy quay siêu chất lượng.
Đạo diễn sân khấu Hoàng Nhật Nam |
Theo chia sẻ của đạo diễn Hoàng Nhật Nam, ban tổ chức đã dùng hơn 60 visual lấy cảm hứng từ chính những thiết kế để chiếu trên màn hình LED tương ứng với từng tiết mục. Bên cạnh đó, để tạo ra không khí và đưa khán giả hoà quyện vào mỗi bộ trang phục, đạo diễn Hoàng Nhật Nam đã khéo léo sử dụng nhạc nền từ các vùng miền Bắc, Trung và Nam để làm nền cho mỗi thiết kế. Điều này không chỉ giúp khán giả dễ dàng nhận biết và dấu ấn với từng trang phục mà còn tạo ra sự kết nối sâu sắc giữa khán giả và ý nghĩa của trang phục.
Ngoài việc tập trung vào phối cảnh đồ hoạ, âm thanh, ánh sáng và các góc quay chuyên nghiệp, sự kỳ vọng lớn nhất của người hâm mộ vẫn là thông điệp trang phục và khả năng thiết kế tuyệt vời từ các nhà thiết kế trẻ.
Dàn Hoa hậu đổ bộ thảm đỏ Miss Grand Vietnam 2023: Thiên Ân diện váy táo bạo, Thùy Tiên "chơi trội"
Dàn Hoa hậu, Á hậu đã có màn đọ sắc mãn nhãn trên thảm đỏ sự kiện thời trang của Miss Grand Vietnam 2023.