Lì xì Tết, phong tục đẹp của người Việt Nam

Lì xì mừng tuổi đầu năm là một tục lệ truyền thống trong dịp Tết Nguyên Đán tại các nước Á Đông, trong đó có Việt Nam. Người lớn thường sẽ đặt tiền vào một phong bì có màu đỏ hoặc vàng rực rỡ để mừng tuổi cho các bé nhỏ để lấy lộc.

Lì xì là gì?

Mừng tuổi hay còn gọi lì xì là một trong những phong tục trong ngày Tết Nguyên Đán ở các nước Á Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.

Lì xì là từ phiên âm của "lợi thị" trong tiếng Trung Quốc, với ý nghĩa là được lợi, có tiền, may mắn. Vì vậy lì xì sẽ có ý nghĩa là tiền đem đến may mắn, điều lành, những điều tốt cho trẻ em vào dịp đầu xuân.

Ý nghĩa của phong bao mừng tuổi không chỉ nằm ở số tiền bên trong, mà nó quan trọng về mặt thiện ý, ý nghĩa tốt đẹp cho một năm mới. Tiền mừng tuổi thường sẽ chỉ là số tiền nhỏ, gồm cả tiền lẻ và chẵn được bỏ vào phong bao màu đỏ, vàng kín đáo. Người nhận được bao lì xì dù là trẻ em hay người lớn đều rất vui vẻ và thích thú.

Lì xì Tết, phong tục đẹp của người Việt Nam (bài Tết) - Ảnh 1.

Bắt đầu vào thời khắc giao thừa, người lớn tuổi trong gia đình sẽ mừng tuổi cho con cháu và các cháu sẽ chúc Tết lại ông bà để lấy may cả năm. Những người lớn cũng có thể được mừng tuổi từ chủ nhà hoặc ngược lại. Ý nghĩa của phong tục ngày Tết này không nằm ở giá trị đồng tiền ở bên trong, mà là mong ước các bé mau ăn chóng lớn, chăm chỉ học hành, ngoan ngoãn, khỏe mạnh.

Phong bì lì xì cũng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, có sự kín đáo không so bì hơn thua số tiền bên trong. Màu đỏ của bao cũng tương trưng cho sự như ý, thịnh vượng, cát tường, bình an trong cả một năm, với hy vọng may mắn.

Nguồn gốc ra đời của phong bao lì xì

Phong tục lì xì vào ngày tết được bắt nguồn đầu tiên qua một câu chuyện truyền miệng tại Trung Quốc. Chuyện kể rằng:

Ngày xưa, ở vùng đất Đông Hải có rất nhiều yêu quái nhăm nhe tìm cơ hội để phá hoại cuộc sống yên bình của người dân. Nhưng vào ngày thường, lũ yêu quái sẽ chịu sự giám sát và canh giữ của các vị thần tiên cai quản hạ giới đảm bảo cuộc sống thái bình cho trần gian. Tuy nhiên, những vị thần không phải lúc nào cũng có mặt tại hạ giới.

Một dịp duy nhất trong năm, chúng có thể lộng hành, quấy phá là vào thời điểm giao thừa khi các vị thần phải bay trở về trời. Khi đó, chúng bắt đầu quấy phá những giấc ngủ của trẻ em bằng cách xoa đầu và làm những đứa trẻ tỉnh giấc và khóc lớn. Không dừng lại ở đó, ngày hôm sau, những đứa trẻ sẽ có triệu chứng nhức đầu, nóng sốt, đây là một điều xui xẻo vào ngày đầu năm mới mà không ai muốn mình gặp phải.

Lì xì Tết, phong tục đẹp của người Việt Nam (bài Tết) - Ảnh 2.

Vì thế các bậc phụ huynh vào dịp giao thừa đều không ngủ để trông chừng những đứa con của mình trước những lũ yêu quái hoành hành phá phách. Nhưng dường như việc canh giữ không đạt nhiều hiệu quả lắm.

Sau đó, trong một lần 8 vị tiên đi ngang qua vùng đất Đông Hải thì bắt gặp cảnh tượng kinh hoàng này tại nhà một cặp vợ chồng, nhận thấy điều bất bình, các vị thần liền đưa tay ra giúp đỡ và biến thành 8 đồng tiền vàng đặt bên cạnh những đứa trẻ. Bên cạnh đó còn dặn dò cẩn thận cha mẹ chúng mang đi gói 8 đồng tiền vào một tấm vải đỏ để lũ yêu quái không thể đến làm phiền.

Được các vị tiên chỉ dạy, cặp vợ chồng liền làm theo và đặt tại vị trí bên cạnh con của mình. Lũ yêu quái khi tiến gần đứa trẻ thì bị hào quang ánh sáng màu vàng phát ra từ những đồng tiền vàng làm dọa sợ và không dám quay lại để làm chuyện xấu nữa. Sáng hôm sau, cặp vợ chồng thấy con của mình không những không quấy khóc, ngày mùng 1 Tết còn vô cùng khỏe mạnh liền vui mừng cảm tạ sự giúp đỡ của 8 vị tiên.

Sau đó, hai vợ chồng mang câu chuyện về phương pháp xua đuổi yêu quái thần kì này kể cho dân làng nghe và mọi người đều xua đuổi được lũ yêu quái ấy. Từ đó, mang lại cuộc sống bình yên và vui vẻ cho dân làng và bảo vệ những đứa trẻ khỏi những con quỷ.

Về sau, phong tục bỏ một đồng tiền vào những phong bì màu đỏ hay còn gọi lì xì được tiếp nối từ đời này sang đời khác và lan truyền rộng rãi vào mỗi dịp Tết để cầu mong cho trẻ con khỏe mạnh, chóng lớn.

Phong tục lì xì Tết của người Việt

Ngày xưa, phong tục lì xì vào ngày Tết của các gia đình sẽ thường diễn ra vào mùng 1 đầu năm mới khi gia đình sum vầy đầy đủ bên nhau cạnh tiến hành thắp hương lên tổ tiên và tổ chức những bữa ăn uống linh đình, ấm cúng bên những người thân thương của mình.

Lì xì Tết, phong tục đẹp của người Việt Nam (bài Tết) - Ảnh 3.

Vào dịp này, các đứa trẻ trong gia đình sẽ gửi đến những câu chúc Tết ám áp và hạnh phúc dồi dào sức khỏe đến những người lớn trong gia đình và nhận được một phong bao lì xì với ý nghĩa cầu chúc bình an và may mắn đến với người nhận trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Ngày nay, việc đi lại và liên lạc thuận tiện hơn rất nhiều, các mối quan hệ gần xa được kết nối dễ dàng hơn, việc mừng tuổi không chỉ giới hạn trong ngày mùng 1 mà còn có thể kéo dài suốt 3 ngày lễ chính đầu năm, thậm chí còn kéo dài đến mùng 9, mùng 10 với câu nói vui "còn mùng là còn lì xì".

Những người lì xì vào dịp này là những người đi làm đã có thu nhập, hoặc những đứa trẻ có tiền tiết kiệm đều có thể mừng tuổi những bậc cha mẹ ông bà của mình với ý nghĩa chúc sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc, con cháu sum vầy bên nhau và có thể mừng tuổi đến những người đã mất để tưởng nhớ cũng như thể hiện tình cảm của những người còn sống. Ngược lại, trẻ nhỏ sẽ nhận lại được tiền lì xì trong phong bao đỏ như truyền thống từ ngày xưa đến nay của dân tộc Việt Nam.

Ngoài ra, việc lì xì không còn giới hạn trong các mối quan hệ trong gia đình mà giữa những người bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp cũng có thể trao cho nhau những chiếc bao lì xì đỏ thắm để nhân lên niềm vui vào ngày đầu năm mới.

Các phong bao lì xì ngày này cũng có nhiều màu sắc hơn là màu đỏ như ngày xưa. Các màu như xanh, vàng, cam, hồng cũng được sử dụng tùy vào sở thích hoặc màu may mắn của người lì xì muốn gửi đến.

Lì xì Tết, phong tục đẹp của người Việt Nam (bài Tết) - Ảnh 4.

Các hình thức nhận lì xì cũng trở nên phổ biến hơn ngoài hình thức nguyên thủy là trao tận tay. Khi những người thân bạn bè ở xa, chúng ta có thể gửi đến những phong bao lì xì đỏ tươi được trang trí đẹp đẽ bắt mắt trên các ứng dụng ví điện tử như Momo, InternetBanking,… vô cùng tiện lợi.

Quan niệm lì xì của các quốc gia Châu Á

Phong tục lì xì bắt nguồn đầu tiên tại Trung Quốc, sau đó trong quá trình ảnh hưởng văn hóa giữa các quốc gia, phong tục này được truyền bá đến các quốc gia khác như Việt Nam, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Tuy nhiên, ở mỗi nước sẽ có những điểm khác nhau thích hợp với văn hóa và truyền thống riêng biệt của mỗi nước.

Trung Quốc

Lì xì Tết, phong tục đẹp của người Việt Nam (bài Tết) - Ảnh 5.

Phong tục lì xì được gọi là "hồng bao", cũng vì tên gọi như vậy mà các phong bao lì xì luôn có màu đỏ là màu sắc của sự hạnh phúc và may mắn. Ngoài ra, các quy tắc khi lì xì phải tránh số 4, một từ đồng âm với từ "tử" nghĩa là chết trong tiếng Trung và bắt buộc phải dán hồng bao kín nhất có thể.

Khi nhận hồng bao, người nhận phải nhận bằng hai tay và không được mở trước mặt người trao và phải để tất cả những hồng bao dưới gối trong 1 tuần hoặc mang theo bên mình xuyên suốt trong vòng 16 ngày đầu năm mới có thể mở ra. Việc này có ý nghĩa giúp bao lì xì sẽ bảo vệ được sự bình an của mọi người trước những điều tồi tệ có thể xảy ra.

Một phong tục khác của dân Trung Hoa là sẽ một túi cam quýt, trong tiếng Trung sẽ đồng cam với từ "giàu có", "may mắn" cùng với bao lì xì khi ghé thăm nhà người thân, bạn bè,... trong hai tuần đầu năm mới như một lời chúc đến với gia chủ.

Hàn Quốc

Lì xì Tết, phong tục đẹp của người Việt Nam (bài Tết) - Ảnh 6.

Phong tục lì xì trong tiếng Hàn gọi là "Sabae". Khi tết đến, trẻ em sẽ mặc trang phục truyền thống của người Hàn là Hanbok và thực hiện nghi lễ cúi lạy các bậc tiền bối để thể hiện sự biết ơn sinh thành, dưỡng dục. Sau đó, những đứa trẻ sẽ bắt đầu nhận lì xì cùng chúc tốt đẹp trong ngày đầu năm mới.

Phong tục Sabae của người Hàn cũng đa dạng hơn, không dừng lại ở tiền mà còn là vàng, trang sức, đá quý hoặc những túi quà được trang trí bắt mắt. Người lớn sẽ trao nhau những món quà là đặc sản của Hàn Quốc như nhân sâm, rượu Soju và chuẩn bị những món quà bánh tết và nước để tiếp đãi những đứa trẻ khi đến nhà.

Nhật Bản

Lì xì Tết, phong tục đẹp của người Việt Nam (bài Tết) - Ảnh 7.

Phong tục lì xì trong tiếng Nhật gọi là "Otoshidama". Đặc biệt, giá trị của phong bào lì xì phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ em và mối quan hệ trong gia đình. Khác với màu đỏ ở các quốc gia khác, bao lì xì ở Nhật sẽ có màu trắng và ghi tên của người nhận sau đó được dán kín, vì đơn giản người Nhật chuộng sự đơn giản. Điều này cũng sẽ là sự tôn trọng giữa người gửi và người nhận với nhau, kín đáo và không so sánh giúp lan tỏa thông điệp an lành và may mắn cho cả năm hạnh phúc hơn.

Khi người Nhật đủ 20 tuổi theo tuổi trưởng thành của Nhật Bản sẽ không còn được nhận lì xì nữa mà sẽ bắt đầu trao lì xì cho các bạn trẻ nhỏ hơn.

Người Hoa ở Singapore

Lì xì Tết, phong tục đẹp của người Việt Nam (bài Tết) - Ảnh 8.

Phong bao lì xì sẽ có màu đỏ với những đồng tiền mới với mệnh giá 2 đến 20 đô Sing được gửi đến con cháu, ông bà, cha mẹ trong gia đình với lời chúc may mắn cho ngày đầu năm mới cùng những bữa ăn sum vầy bên gia đình. Đa dạng hơn, ngoài tiền mặt, người dân ở đây còn lì xì bằng ngân phiếu, vàng, voucher, vé xe tháng,..

Đài Loan

Lì xì Tết, phong tục đẹp của người Việt Nam (bài Tết) - Ảnh 9.

Người Đài Loan sẽ dùng số tiền chẵn và phải là tiền trong bao lì xì với ý nghĩa cho sự cát tường và mới mẻ cho một ngày đầu năm mới - khác với Việt Nam sử dụng số tiền lẻ cho sự dư dả cả năm.

Malaysia

Lì xì Tết, phong tục đẹp của người Việt Nam (bài Tết) - Ảnh 10.

Tục lì xì sẽ khác một chút so với các nước khác khi diễn ra vào ngày 11/8 hằng năm vào dịp lễ Tết Eidal – Fitr của người Hồi giáo.

Các phong bao lì xì có màu xanh lá cây - màu truyền thống gắn liền với tín ngưỡng của các nước Hồi giáo tặng cho các vị khách đến tham nhà vào dịp này.

(Tổng hợp)

AN LY