Lỗ mẹ đẻ lỗ con, ví điện tử Việt Nam vẫn gắng gượng để thâu tóm thị trường 22 tỷ USD

Thị trường ví điện tử Việt Nam có dư địa lên đến 22 tỷ USD vào năm 2025 nhưng cần cái giá phải trả lớn không kém để có được người dùng.

Các nhãn dán và bảng quảng cáo đầy màu sắc của các ví điện tử phổ biến được dán khắp các cửa hàng và quán ẩm thực tại trung tâm Hà Nội và TP.HCM. Đây không còn là hình ảnh quá xa lạ đối với người Việt thành thị trong suốt thời gian qua, nhất là giai đoạn dịch COVID-19.

Khách hàng không chỉ chú ý vào mã QR nằm chi chít hay các màu sắc nhận diện ấn tượng của các ví, mà còn dán mắt vào dòng chữ “giảm giá 30%”, “hoàn tiền đến 50%”, “quẹt ví tích điểm thưởng”,… to tướng trên các bảng quảng cáo.

Trung bình một hàng quán tại Hà Nội và TP.HCM có ít nhất 5 ví điện tử hiện diện. Ảnh: Tech In Asia
Trung bình một hàng quán tại Hà Nội và TP.HCM có ít nhất 5 ví điện tử hiện diện. Ảnh: Tech In Asia

34 ví điện tử được cấp phép

Tờ Tech In Asia so sánh, khác với Trung Quốc, thị trưởng tỷ dân là một cuộc chiến giữa AliPay của Alibaba hoặc WeChat Pay của Tencent, và thậm chí những người ăn xin ở Trung Quốc đôi khi còn không dùng tiền mặt, thị trường Việt Nam lại là một ẩn số khác hoàn toàn.

Thị trường thanh toán trực tuyến tại Việt Nam bùng nổ chậm hơn Trung Quốc khoảng 10 năm nhưng tốc đố tăng trưởng lại đáng kinh ngạc. Đến nay, Việt Nam đã có trên dưới 34 ví điện tử để người dùng lựa chọn. Các công ty fintech đang đốt hàng triệu USD mỗi tháng để khiến người tiêu dùng quên đi tiền mặt và chọn ví điện tử của họ trong số hàng chục sự lựa chọn khác.

Tech In Asia nhận xét: “Các công ty đang đặt cược vào thị trường gần 100 triệu dân, chờ đợi một cuộc cách mạng thanh toán kỹ thuật số giống Trung Quốc bùng nổ tại Việt Nam. Họ cũng đang tìm cách kiếm tiền từ dữ liệu của khách hàng để bán các sản phẩm tài chính được cá nhân hóa khác”.

Theo ước tính của công ty tư vấn tập trung vào châu Á YCP Solidiance, tổng giá trị giao dịch thông qua ví điện tử dự kiến sẽ tăng lên 22 tỷ USD vào năm 2025 từ mức 9 tỷ USD hiện tại. Hiện tại, thanh toán kỹ thuật số chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lĩnh vực fintech của Việt Nam.

Đến nay Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho 37 tổ chức trung gian thanh toán, trong đó có 34 ví điện tử. Tính đến hết quý I, Việt Nam đang có 13 triệu tài khoản ví điện tử được kích hoạt, sử dụng với tổng số dư ví vào khoảng 1.360 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ví điện tử chỉ là một mẫu nhỏ về những gì các công ty fintech có thể cung cấp cho người dùng và thu lợi từ họ. Ngành công nghiệp này có thể “đào vàng” bằng cách cung cấp các sản phẩm tài chính cho hàng triệu người dùng trong giai đoạn chuyển đổi kỹ thuật số đầu tiên của Việt Nam.

Còn 69% dung lượng thị trường để thâu tóm

Tech In Asia tin rằng các công ty thanh toán trực tuyến có lý do để trông cậy vào cú bùng nổ của thị trường.

Trước hết, dân số Việt Nam đang đông nhưng người trẻ là chủ yếu, cơ cấu “dân số vàng” là tiền đề cho ví điện tử lan rộng. Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong những nước sử dụng điện thoại thông minh phát triển nhanh nhất trong khu vực. Theo báo cáo của Google công bố năm 2019, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam đã tăng gấp đôi kể từ năm 2014, đạt khoảng 51 triệu người dùng.

Lượng người được tiếp cận dịch vụ ngân hàng của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở Đông Nam Á. Với 69% dân số vẫn chưa tiếp cận được với các ngân hàng, đây là mảnh đất đầy màu mỡ cho các fintech nhảy vào thâu tóm người dùng.

69% dân số Việt Nam chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng là thị trường rất lớn cho thanh toán điện tử. Ảnh: Tất Đạt
69% dân số Việt Nam chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng là thị trường rất lớn cho thanh toán điện tử . Ảnh: Tất Đạt

Giống như Trung Quốc một thập kỷ trước, Việt Nam có thể đang trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng thanh toán kỹ thuật số. Huy Phạm, giảng viên tài chính của Đại học RMIT, tin rằng giai đoạn này được đặt ra “một cuộc chạy đua vũ trang của những người chơi ví điện tử” trong nước. “Sự cạnh tranh trong thị trường này khá gay gắt và chỉ tạo ra một cơ hội nhỏ cho những người mới tham gia để đạt được sức hút lớn”, ông nói thêm.

Lĩnh vực fintech của Việt Nam, đặc biệt là mảng thanh toán điện tử, đã thu hút một lượng lớn sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài. Năm ngoái, Momo và VNPay đã có hai thương vụ lớn, đưa họ vào hàng ngũ những công ty có giá trị cao nhất trong khu vực, theo báo cáo Đầu tư Công nghệ Đông Nam Á H1 2020 của Cento Ventures.

Đại dịch COVID-19 lại như “tiền trên trời rơi xuống” với lĩnh vực ví điện tử. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong quý I/2020 có khoảng 225,6 triệu giao dịch được thực hiện thông qua ví điện tử với giá trị giao dịch 77.700 tỷ đồng.

Cái giá phải trả để có được người dùng

Tuy nhiên, tiền mặt vẫn là “vua” ở Việt Nam, chiếm khoảng 80% giao dịch trong nước, theo nhiều ước tính của các bên liên quan. Tỷ lệ không dùng tiền mặt thấp hơn nhiều so với mục tiêu đầy tham vọng của Chính phủ là đạt được 90% giao dịch không dùng tiền mặt vào năm nay.

Gần đây, ví điện tử GrabPay công bố, tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab (với các dịch vụ gọi xe, đồ ăn, giao hàng…) chiếm tỷ lệ 43%. Trong đó, dịch vụ GrabMart chiếm tới 70% giao dịch không dùng tiền mặt trên nền tảng gọi xe này. Chỉ tính riêng trong tháng 3, số người lần đầu tiên thanh toán không tiền mặt quá ví Moca trên nền tảng Grab tăng tới 22,5% so với trước đó.

Ví điện tử Momo cũng cho biết, riêng đợt dịch COVID-19, số người dùng mới của ví điện tử này đã tăng 30-40%. Tính đến hiện nay, lượng người dùng ví MoMo đạt 20 triệu tài khoản, gấp 40 lần so với thời điểm ra mắt thị trường cách đây 5 năm.

Ví điện tử tại Việt Nam dùng tiền khuyến mãi để mua trải nghiệm người dùng. Ảnh: Tất Đạt
Ví điện tử tại Việt Nam dùng tiền khuyến mãi để mua trải nghiệm người dùng. Ảnh: Tất Đạt

Tuy nhiên, để đạt được các con số tăng trưởng ấn tượng trên, các ví điện tử tại Việt Nam phải “trầy trật” trong cuộc chơi “ đốt tiền như giấy”. Để mua trải nghiệm của người dùng và “giáo dục” khách hàng, các ví điện tử đua nhau tung chương trình khuyến mãi, hoàn tiền, tặng điểm thưởng.

Thử dùng ví điện tử Momo ghé mua trà sữa của một thương hiệu có tiếng, dù phải trả gần 150.000 đồng cho ba ly trà sữa, phóng viên vẫn được ví này hoàn tiền về gần 50.000 đồng, tức 30% về tài khoản ví.

Tuy nhiên, “đốt tiền” chưa hẳn đã giàu. Nhiều công ty chủ quản của các ví điện tử liên tục lận đận trong bài toán tìm kiếm điểm hoà vốn, chưa nói đến việc thu lợi nhuận. Đây là được nhiều doanh nghiệp fintech xem là cái giá mặc định phải trả.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service), sở hữu “ông hoàng” ví điện tử Momo, trong 4 năm gần đây chưa hề có lãi, thậm chí lỗ nặng. Khoản lỗ sau thuế hàng năm cứ ngày càng sâu thêm.

Các năm 2016 và 2017, Momo báo lỗ lần lượt là 146,8 tỷ đồng và 242,7 tỷ đồng. Khoản lỗ ngày càng tăng trong 2 năm gần đây. Đỉnh điểm là vào năm 2019, doanh nghiệp này báo lỗ 853,9 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với năm trước.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương