Lo ngại trái cây không rõ nguồn gốc: Tổng cục Quản lý thị trường đề xuất dán nhãn cho nông sản

Trái cây trên thị trường hiện nay ngày càng tràn lan, khó phân biệt được thật giả. Do đó, Tổng cục Quản lý thị trường đề xuất dán nhãn cho nông sản.

Không chỉ diễn ra tại các chợ tự phát, đầu mối hay truyền thống mà ngay cả các siêu thị cũng gặp phải tình trạng trên. Cùng một loại trái cây nhưng lại ghi xuất xứ từ các nước khác nhau và bán với giá khác nhau. Trước những thông tin trái cây Trung Quốc gắn mác Mỹ, Pháp… bán trên thị trường, người tiêu dùng đang băn khoăn về những sản phẩm trái cây nhập khẩu đang được bày bán trong siêu thị bởi nguồn gốc, xuất xứ cũng như giá thành.

Tổng cục Quản lý thị trường đề xuất dán nhãn cho nông sản
Tổng cục Quản lý thị trường đề xuất dán nhãn cho nông sản

“Nho Mỹ đỏ trong siêu thị ngoài niêm yết giá của siêu thị, trên bao bì chẳng có nhãn hàng hóa nào để người mua phân biệt. Nho đựng trong khay xốp bọc lớp nilon mỏng, thú thật nhìn loại này với loại bán ngoài chợ tôi không thấy khác nhau là mấy, mà ở chợ lại rẻ hơn những 50.000 đồng/kg", chị Vũ Thị Thu Hạnh, Đội Cấn, Hà Nội băn khoăn.

Chỉ tính riêng tại Hà Nội đã có trên 30 siêu thị và trung tâm thương mại, việc kiểm tra của lực lượng chức năng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đấy là chưa kể, Hà Nội còn rất nhiều cửa hàng tiện ích, siêu thị mini bán trái cây “ngoại”, việc kiểm tra còn rất hạn chế. Thế nên, người tiêu dùng chỉ biết tin tưởng vào người bán và nhãn hàng hóa ghi trên bao bì.

Và có lẽ, loại trái cây mà nhiều người dân rất quen thuộc tại Việt Nam đều biết có nguồn từ Trung Quốc. Một số loại đã được bán quá tràn lan ngoài các lề đường, tuy nhiên khi hỏi về nguồn gốc thì người bán đều gắn mác châu Âu, Mỹ.

Theo ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, trái cây nằm trong nhóm mặt hàng thực phẩm mà lực lượng quản lý thị trường phải thường xuyên kiểm tra. Thực tế kiểm tra cũng có hiện tượng trái cây ghi sai nguồn gốc xuất xứ.

Trước thực trạng trên, trong buổi làm việc ngày 7/8/2019 giữa Bộ trưởng Trần Tuấn Anh với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) về quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đã đề xuất gắn nhãn hàng hóa cho hàng nông sản.

     Ông Trần Hữu Linh đề xuất, xem xét sửa Nghị định 43/2017 về nhãn hàng hóa, trong đó bắt buộc hàng nông sản phải dán nhãn.

 Ông Trần Hữu Linh đề xuất, xem xét sửa Nghị định 43/2017 về nhãn hàng hóa, trong đó bắt buộc hàng nông sản phải dán nhãn.

Cụ thể, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, qua buổi làm việc với Cục Quản lý thị trường TP.HCM, tại chợ đầu mối Thủ Đức nhập 80 tấn nông sản/ngày, trong đó 20% là nông sản nhập khẩu. Hiện nay, theo quy định của Việt Nam, nông sản không phải ghi nhãn, xuất xứ dẫn đến việc trộn lẫn sản phẩm hàng hóa.

Trong khi đó, các quốc gia phát triển như Úc, Nhật Bản, New zealand... nông sản của họ được dán nhãn để bảo vệ thương hiệu hàng hóa. Những nước còn lại, đặc biệt là Trung Quốc, Việt Nam không dán nhãn. Vì vậy người tiêu dùng không biết đâu là táo Việt Nam, đâu là táo Trung Quốc hay táo New zealand... Do đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đề xuất, lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục Xuất nhập khẩu kiến nghị với Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét sửa Nghị định 43/2017 về nhãn hàng hóa. Trong đó, đề xuất dán nhãn cho mặt hàng nông sản.

Ông Vũ Thành Trung, đại diện một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu trái cây cho rằng, việc dán nhãn cho nông sản, đặc biệt là trái cây rất khó thực hiện. "Vì tính chất mặt hàng nông sản đặc thù, ví dụ dán nhãn theo thùng thì khi bán lẻ người tiêu dùng cũng không biết nguồn gốc thật sự của hàng hóa, còn nếu dán nhãn lên từng trái táo, trái kiwi, cherry... thì rất tốn kém", ông Trung bày tỏ. 

Hiện tại, theo quy định tại Nghị định 43 về nhãn hàng hóa, phạm vi điều chỉnh chỉ quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa nhập khẩu. Hàng hóa là thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng thì không phải ghi nhãn.

PHƯỢNG LÊ (t/h)

theo Tin 24h