Lo virus corona bùng phát, người dân tranh thủ vét thực phẩm

Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhiều bà nội trợ lo lắng về những ngày sắp tới dịch bệnh không biết tiếp diễn đến đâu nên đã nhanh chóng dự trữ sẵn nguồn lương thực cho gia đình, khiến nhiều mặt hàng thực phẩm tại siêu thị tiêu thụ mạnh.

Chỉ vừa đến siêu thị, chị Nguyễn Hồng Hoa (Quan Hoa, Cầu Giấy) phải thở dài dài vì chỉ còn vớt lại vài món rau củ trên kệ. 

"Đang dịch viêm phổi Vũ Hán nên tôi muốn mua thực phẩm trữ vài ngày ăn dần, khỏi phải ra quán. Thịt còn, nhưng rau thì...", chị Hoa chia sẻ trên Vnexpress.

Một nhân viên siêu thị cho hay, rau củ vừa mới về lúc sáng đã nhanh chóng được nhiều người đến mua nên hàng nhanh hết.

Cũng theo các nhân viên này, từ hôm 1/2, khi Việt Nam công bố dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (nCoV) gây ra, hiện tượng người dân đến mua thực phẩm với số lượng lớn để tích trữ bắt đầu xảy ra. 

Các kệ rau, củ ở siêu thị trên phố Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy lúc 13h ngày 3/2.
Các kệ rau, củ ở siêu thị trên phố Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy lúc 13h ngày 3/2.

Nhiều người đến siêu thị phải tay không trở về vì không còn thực phẩm tươi để mua, muốn tìm mua ăn trong ngày cũng khó.

"Tôi tính mua ít bánh mì và đồ ăn trong vài ngày tới, nhưng đi qua ba siêu thị, chỗ nào cũng hết rau, hết thịt", anh Minh Hoàng ở phố Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân chia sẻ.

Chị Nguyễn Kiều Trang, nhân viên khối văn phòng của một trường mầm non ở Cầu Giấy xin về sớm để vào siêu thị gần công ty mua đồ ăn. "Giờ TV, báo chí, Facebook rồi cả ở cơ quan, chỗ nào cũng ra rả khuyến cáo tránh chỗ đông người, nên từ mai, nhà tôi sẽ chỉ ăn cơm tự nấu", chị nói.

Mua thực phẩm ăn trong ngày, dù có dịch hay không, là "chủ trương nhất quán" gia đình anh Lê Nguyên, 28 tuổi, ở phố Trương Định, Hoàng Mai luôn tuân thủ. 

Hai vợ chồng cùng làm việc trong ngành y, nên trừ khi bận lịch trực, còn lại, mỗi sáng, vợ anh đều dậy từ 5 giờ đi chợ, để được thực phẩm tươi ngon.

"Chúng tôi không có ý định tích trữ, vì để thực phẩm trong tủ lâu không tốt cho sức khỏe. Hơn nữa, đang lúc dịch viêm phổi, ai cũng gom hết đồ ăn, thực phẩm sẽ khan hiếm, sẽ tăng giá, xã hội lại thêm một mối lo", anh nói. 

Song song với việc người dân đổ xô đi mua thực phẩm dự trữ, các mặt hàng y tế như khẩu trang, nước rửa tay cũng đang trong tình trạng khan hàng, nhiều cửa hàng thuốc phải treo bảng báo hết hàng bán. 

Nhiều người đổ xô tìm mua khẩu trang, nước rửa tay dự trữ. Ảnh: Q.T.
Nhiều người đổ xô tìm mua khẩu trang, nước rửa tay dự trữ. Ảnh: Q.T.
Cửa hàng tại chợ thuốc Hapulico (Thanh Xuân, Hà Nội) thông báo
Cửa hàng tại chợ thuốc Hapulico (Thanh Xuân, Hà Nội) thông báo "không bán khẩu trang". Ảnh: Anh Tú.
Kệ khẩu trang hết sạch tại một hiệu quốc ở quận 2. Ảnh: Hà Bùi.
Kệ khẩu trang hết sạch tại một hiệu quốc ở quận 2. Ảnh: Hà Bùi.

Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát tại Vũ Hán từ tháng 12/2019, sau đó lan ra toàn bộ 31 tỉnh thành Trung Quốc. Tính đến ngày 4/2, Thế giới đã có 20.626 người mắc, 426 người tử vong, trong đó Trung Quốc 425 người tử vong, Phillippines có 01 trường hợp tử vong. Việt nam có 8 người mắc nCoV.

Trước đó, vào ngày  31/1, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Hiện ngoài Trung Quốc, 24 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận có bệnh nhân nhiễm nCoV.

Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhiều bà nội trợ lo lắng về những ngày tháng sắp tới dịch bệnh không biết tiếp diễn đến đâu nên đã nhanh chóng dự trữ sẵn nguồn lương thực cho gia đình, khiến nhiều mặt hàng thực phẩm tại siêu thị tiêu thụ mạnh.

TRÚC BÌNH (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương