Loạt ngân hàng trả cổ tức, cổ đông sắp nhận 'cơn mưa tiền mặt'

Nhiều ngân hàng như VIB, TPBank, VPBAnk, ACB đã công bố phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm liền không chia cổ tức bằng hình thức này theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - mã chứng khoán: TPB) mới đây đã công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023.

Nhà băng này dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 25%, tương đương cổ đông sở hữu một cổ phiếu TPB sẽ nhận được 2.500 đồng. Nếu kế hoạch được cổ đông thông qua, TPBank sẽ chi trả cổ tức ngay trong quý I năm nay. Với hơn 1,58 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, nhà băng này sẽ phải chi xấp xỉ 4.000 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn đến năm 2021 sau khi trích lập các quỹ theo điều lệ ngân hàng.

Một số ngân hàng khác cũng đã lên kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt sau nhiều năm không thực hiện theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Loạt ngân hàng trả cổ tức, cổ đông sắp nhận 'cơn mưa tiền mặt' - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB - mã chứng khoán: VIB) cũng vừa thông qua phương án tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng số tiền gần 2.108 tỷ đồng với hơn 2,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian thực hiện chi trả tạm ứng cổ tức dự kiến ngày 3/3.

Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2022 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã chứng khoán: VPB), Chủ tịch ngân hàng - ông Ngô Chí Dũng - cũng đã thông báo về việc từ năm 2023, HĐQT sẽ trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm.

Nếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên VPBank tiến hành trả cổ tức đại trà bằng tiền mặt cho cổ đông hiện hữu kể từ khi lên sàn vào năm 2017. Trước đó, ngân hàng này mới chỉ trả cổ tức tiền mặt cho hơn 73 triệu cổ phần ưu đãi vào năm 2018 theo tỷ lệ 20%.

Còn tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - mã chứng khoán: ACB), kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022 được đại hội đồng cổ đông thông qua cũng có phương án chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% và 15% bằng cổ phiếu. Nếu kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, ngân hàng sẽ thực hiện chi trả trong năm 2023. ACB hiện có hơn 3,377 tỷ cổ phiếu lưu hành nên sẽ phải chi xấp xỉ 3.400 tỷ đồng để trả cổ tức nếu được thông qua.

Lần gần nhất ACB chi trả cổ tức bằng tiền mặt là vào năm 2015, với tỷ lệ 7%, tương ứng cổ đông sở hữu một cổ phiếu nhận được 700 đồng. Với gần 896 triệu cổ phần lưu hành khi đó, ACB khi đó đã chi hơn 627 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2014. Như vậy, sau 7 năm, cổ đông ACB mới có cơ hội nhận được cổ tức bằng tiền mặt.

Tương tự, Ngân Hàng TMCP Phát Triển Nhà TP.HCM (HDBank) cũng vừa công bố kế hoạch chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Với hơn 2,5 tỷ cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, dự kiến, HDBank sẽ phải chi khoảng 2.500 tỷ đồng để hoàn tất đợt chi trả cổ tức này. Ngoài ra, cổ đông của nhà băng cũng sẽ nhận được cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%.

Thực tế, không phải ngân hàng nào cũng đủ điều kiện để trả cổ tức. Đơn cử như Sacombank, năm ngoái ngân hàng này đạt 3.741 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nâng tổng lợi nhuận lũy kế tính tới cuối năm 2022 đạt 12.672 tỷ đồng. Tuy nhiên do đang thực hiện đề án tái cơ cấu nên Sacombank chưa thể trả cổ tức cho cổ đông suốt 7 năm qua.

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng vẫn đang còn những nhà băng phải đối mặt với nhiều khó khăn về chất lượng tài sản do nợ xấu tăng nhanh trở lại. Thực tế, kết thúc quý I/2023, dù lợi nhuận nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao với con số lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng kèm theo đó là mức nợ xấu cũng đang phình to, đi kèm với lãi phải thu tăng bất thường trên báo cáo tài chính.

Dù vậy, áp lực nợ xấu với ngành ngân hàng trong năm 2023 đang được kỳ vọng sẽ giảm bớt sau khi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chính thức được ban hành vào cuối tháng 4 vừa qua. Tỷ lệ nợ xấu năm 2023 có thể không tăng cao như ước tính ban đầu do khách hàng gặp khó khăn có thể được ngân hàng xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Việc loạt nhà băng dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm được giới chuyên gia cho là tín hiệu đáng mừng cho các cổ đông ngân hàng do những năm gần đây, các ngân hàng hầu hết đều trả cổ tức bằng cổ phiếu để nâng cao năng lực vốn, phục vụ việc mở rộng kinh doanh, tập trung nguồn lực hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, theo Dân trí.

3 năm gần nhất, chỉ có BIDV, Vietcombank và VietinBank được phép trả cổ tức bằng tiền mặt theo yêu cầu của Bộ Tài chính, song các nhà băng này thường xuyên đề xuất giữ lại lợi nhuận để tăng vốn.

Theo ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần AzFin Việt Nam - tổ chức chuyên về tài chính - việc Ngân hàng Nhà nước chưa cho phép các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân trả cổ tức tiền từ vài năm nay nhằm mục đích củng cố hơn sức mạnh của các ngân hàng này nói riêng của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam nói chung. "Điều này góp phần không nhỏ giúp cho các ngân hàng vượt qua giai đoạn kém thanh khoản do tác động của thị trường trái phiếu năm 2022", ông nói.

Theo ông Phục, về điều kiện và năng lực để trả cổ tức tiền, nhiều ngân hàng đã đủ, thậm chí vượt tiêu chuẩn về an toàn vốn cũng như một số tiêu chuẩn khác của BASEL III... Tuy nhiên, khi so sánh với các nước trong khu vực, hệ số an toàn vốn vẫn tương đối mỏng, cần bổ sung thêm vốn chủ sở hữu, làm dày hơn an toàn vốn.

Ông đánh giá Ngân hàng Nhà nước sẽ nới dần việc trả cổ tức tiền mặt, chứ chưa thể cho trả mạnh tay. Ông nhận định năm nay một số ngân hàng sẽ được trả cổ tức tiền mặt nhưng tỷ lệ sẽ không cao. "Để trả cổ tức cao hơn với diện rộng hơn, có thể phải đến 2025", ông nói.

(Tổng hợp)

AN LY