Lời của rau dưa

Mong một ngày nào đó, bữa ăn của người Việt ngày thường hay ngày lễ trân trọng rau dưa như món chính mà thịt cá chỉ là thứ thêm vào cho ngon.

Sinh ra Tết có lẽ là để cứu vãn cái cảm giác một năm trời dài quá, 365 ngày đằng đẵng, phải có dấu nhấn, phải có phím cách, để có lúc dừng lại một đôi lần mà tự làm mới mình bằng những hy vọng cho một khởi đầu chuỗi ngày tháng vẫn biết là lặp đi lặp lại cho hết một đời người

Kiểu gì cũng có người nghĩ thế

Tuy nhiên, nghĩ gì thì nghĩ, giải thích Tết vì sao sinh ra kiểu gì thì tùy, Tết đến vẫn là hân hoan và đầm ấm. Tết đến vẫn là yêu thương và sum vầy, là nhung nhớ, là ân cần, là hạnh phúc và cả là trách nhiệm.

Mà đi cùng tất cả những điều ấy, Tết với dân tộc coi trọng ẩm thực như dân tộc chúng ta, đương nhiên còn là mâm cao cỗ đầy nữa. Chẳng tránh được, “số cô không giàu thì nghèo, ngày 30 Tết thịt treo trong nhà…”, kiểu gì cũng phải ăm ắp nào giò chả, nào gà ri gà thiến, nào bò một nắng, nào cá trắm đen kho, một tủ đầy ắp những đồ tươi sống, rồi cả đồ khô, lạp sườn, xúc xích, thịt gác bếp, thịt muối Iberico, cánh ngỗng Nga, gan ngỗng Pháp v..v, liệt kê ra không thể xuể, miền núi xuống, miền biển lên, nhập khẩu về, nhà tự làm…

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

Bà nội trợ nào dũng cảm lắm cũng không dám để tủ lạnh trống rỗng mấy ngày Tết. Thành thử, cứ Tết, giữa ngút ngàn protein các loại, bỗng dưng thèm trên mâm một đĩa rau thật xanh hay một đĩa dưa chua óng vàng, thì là chuyện chẳng có gì lạ.

Lạ chỉ là cái sự thèm rau, thèm dưa ấy bỗng nhiên trở nên lạ lùng như thể lâu quá rồi chưa được ăn rau… Lâu quá ấy có khi chỉ mới đôi ba bữa. Cái cảnh đĩa nem đĩa giò chẳng ai động đũa, mà đĩa bắp cải luộc chấm mắm dầm thêm quả trứng luộc hay đĩa rau sống chấm sốt cà chua thì hết vèo vèo ngay lập tức hầu như ở khắp mọi nhà.

Thế nên, nghe như một nghịch lý, Tết là lúc rau dưa cất lời.

Một đĩa dưa muối có khi cứu cả một mâm cỗ Tết

Rau dưa cả năm chẳng ngày nào không có, “sớm trưa dưa muối cho qua bữa”…, thơ cụ Nguyễn Khuyến, rau dưa là món bình thường trên mỗi mâm cơm gia đình nghèo. Tất nhiên mỗi thời một khác. Phân hóa giàu nghèo từ lâu không phải cơm có thịt, cơm toàn rau, mà là thịt gì và rau gì. Không giàu thì rau, thịt mua chợ, có tiền muốn chăm lo sức khỏe gia đình thì rau sạch, rau hữu cơ, thịt hữu cơ… Rau hữu cơ tính cùng cân lạng có khi đắt còn hơn cả thịt, nên không thể nói ăn rau là nghèo.

Một đĩa hành, dưa muối đôi khi cứu cả mâm cỗ Tết (Ảnh minh họa: internet).
Một đĩa hành, dưa muối đôi khi cứu cả mâm cỗ Tết (Ảnh minh họa: internet).

Nhưng mà không phải lúc nói chuyện giàu hay nghèo, rau đắt thịt rẻ hay ngược lại, vấn đề chỉ là ăn rau trong Tết thôi. Chẳng biết khi nào rau được đàng hoàng công nhận là món chính trong Tết cổ truyền như giò, nem, măng, bóng… hay đại loại. Bao giờ trong các bức ảnh chụp cỗ Tết truyền thống có thêm đĩa rau, đĩa dưa?

Thật ra trong câu đối các cụ ngày xưa thống kê những món cần cho ngày Tết: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ (vế sau bỏ pháo rồi thì cây nêu cũng chẳng cần nhắc), dưa hành được nhắc trân trọng lắm. Mà dưa hành xưa đến giờ vẫn là món không thể thiếu.

Vào đầu tháng chạp, cây hành củ đã già, khi khắp chợ bán hành củ đã cắt bỏ hết dọc, lớp vỏ ngoài đã héo, thì lập tức người ta nghĩ ngay đến lọ dưa hành. Cải bẹ xanh cũng già, trời thì hanh hao, thế là dưa cải muối nén cũng được các bà nội trợ nghĩ đến. Rồi su hào muối, đu đủ xanh, cà rốt, dưa leo, củ cải sấy hoặc phơi nắng để làm dưa món… Cuối năm chính là mùa nhiều loại rau củ đủ già để trở thành dưa. Và trước khi nghĩ đến việc gói bánh chưng hay gói giò, người ta thường nghĩ đến nén vại dưa, muối vại hành. Thế mà rau dưa mãi vẫn cứ là món phụ trong mâm cỗ Tết.

Rau dưa tự nó cũng đã ngon

Không biết các quốc gia khác có nhiều loại dưa muối như ở Việt Nam không? Về nguyên tắc, các loại rau củ, hoa quả trên đời đều có thể ngâm muối, cho lên men và trở thành dưa. Nhưng đúng là rau dưa Việt Nam phong phú không thể tả nổi. Hành muối, kiệu muối là quá phổ biến. Mà hành cũng nhiều loại, hành trắng, hành tím. Dưa cải bao nhiêu loại, cải bẹ, cải ngồng, cải sen, cải củ, cải bắp.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Từ cực Bắc đến cực Nam, từ củ cải muối đến bồn bồn chua ngọt. (Riêng củ cải có đến hơn chục cách muối, không kể các kiểu muối củ cải được coi là của Trung, Nhật, Hàn). Chỉ riêng thứ gọi là dưa góp của miền Bắc hay dưa món của Huế thôi, đủ cả su hào cà rốt, đu đủ xanh, súp lơ, hành tỏi… Chưa kể thêm dưa chuột muối, ngồng tỏi muối, phong phú vô cùng các loại dưa mà Tết nào cũng gặp. Các loại dưa muối, lần nữa xin nhắc lại, là món cứu cả mâm cỗ Tết.

Chỉ có điều, nó chẳng thể là món có thể ăn một cách tùy tiện. Các nhà khoa học về ẩm thực luôn nhắc nhở rằng, mặc dù dưa muối có đem lại lợi ích cho sức khỏe với nhiều chất chống oxy hóa lành mạnh, có thể chống lại một số loại ung thư. Nhưng do chứa hàm lượng muối quá cao, nên không tốt cho tim mạch và có nguy cơ làm tăng các bệnh về dạ dày.

Biết để tránh những rủi ro có thể khi đưa một thứ thức ăn vào miệng. Ăn rau dưa cũng phải ăn đúng cách. Nhưng cứ hình dung rau dưa trên mâm được coi trọng như nó cần phải có, thì chắc hẳn nền nông nghiệp xanh của chúng ta có thêm động lực để thúc đẩy, sức khỏe người Việt được nâng cao.

Người viết bài này chẳng mong gì hơn là một ngày nào đó, bữa ăn của người Việt ngày thường cũng như ngày lễ trân trọng rau dưa như món chính mà thịt cá chỉ là thứ thêm vào cho rau dưa thêm ngon.

Hà Phạm

Chân thành… trong bếp

Chân thành… trong bếp

Chân thành trong bếp thì sẽ chân thành ở bất cứ đâu. Cứ vụng dại mà chân thành, trước khi thức ăn cuốn ta đi trong một xã hội công nghiệp.