Lợi dụng dịch corona để bán “Thẻ diệt khuẩn”

Chỉ cần gõ lên google cụm từ "thẻ diệt khuẩn", "thẻ chống virus corona" là sẽ thấy vô số kết quả hiện về nhưng thật hư như thế nào?

Lợi dụng tâm lý hoang mang, lo lắng của người dân về dịch Covid-19, trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo) đã rao bán thẻ đeo kháng khuẩn xuất xứ từ Nhật Bản, Nga… như “bùa” hộ mệnh, với công dụng bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus, vi khuẩn, trong đó có virus gây ra dịch Covid-19.

Chỉ cần gõ lên google cụm từ "thẻ diệt khuẩn", "thẻ chống virus corona" là bạn sẽ thấy vô số kết quả hiện về. Loại thẻ kháng khuẩn này được quảng cáo có tác dụng ngăn ngừa đến 99.99% sự truyền nhiễm của virus, nấm mốc, vi khuẩn, thông qua đường hô hấp và không khí. Ngoài ra, thẻ này còn có tác dụng diệt khuẩn, khử mùi, chống ẩm mốc, phòng cảm lạnh, chống cảm cúm với người có sức đề kháng kém như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai đặc biệt đeo thẻ có thể chống virus corona. Theo lời quảng cáo, thẻ này được các y tá, bác sĩ trong bệnh viện tại Nhật Bản tin dùng.

Thẻ đeo kháng khuẩn được chào bán trên mạng. 
Thẻ đeo kháng khuẩn được chào bán trên mạng. 

Hàng loạt những loại thẻ có giá cả dao động khác nhau từ vài trăm nghìn đến tiền triệu và có hạn sử dụng đến một vài tháng. Trước những lời quảng cáo “có cánh”, không ít người đã tin và chi bội tiền để mua những tấm thẻ này về đeo vào người mỗi ngày và yên tâm rằng mình đã có “tấm bùa” phòng chống virus corona mới Covid-19.

Rất nhiều người, đặc biệt là các phụ huynh có con nhỏ đã lùng sục tìm mua loại thẻ kháng khuẩn này cho con đeo đi học. Tuy nhiên, hầu hết là họ chỉ nghe quảng cáo chứ không biết thực hư tác dụng của thẻ kháng khuẩn như thế nào.

Thẻ kháng khuẩn được chào bán. 
Thẻ kháng khuẩn được chào bán. 

BS Trương Hữu Khanh (Trưởng Khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) khẳng định, hiện nay chẳng có cách phòng chống dịch do virus corona mới Covid-19 nào thần kỳ đến vậy. Người dân cẩn thận và phòng dịch theo các biện pháp phòng tránh nhiễm corona từ WHO cũng như Bộ Y tế. Hiện nay cũng chưa có bất cứ một quốc gia nào trên thế giới ghi nhận chức năng của loại thẻ có chức năng diệt khuẩn, chống virus corona Covid-19. Do đó, người dân càng nên cảnh giác, không tự ý mua về với tâm lý huyễn hoặc sản phẩm giúp phòng chống dịch hiệu quả”.

Cận cảnh thẻ kháng khuẩn. 
Cận cảnh thẻ kháng khuẩn. 

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) khẳng định, hiện Bộ Y tế không cấp phép nhập khẩu, lưu hành cho thẻ kháng khuẩn diệt virus. Do đó, người dân không nên tin vào những quảng cáo “thổi phồng” công dụng sản phẩm này trên mạng xã hội để tránh “tiền mất, tật mang”.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương), virus corona chủng mới gây ra dịch Covid-19 lây lan chủ yếu ở giọt bắn của người bệnh khi tiếp xúc, khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi. Tốc độ của một giọt bắn khi ta hắt hơi khoảng 35m/s (120km/h), nên nếu người bình thường đứng trực tiếp trước mặt một người bệnh đang ho hay hắt hơi, thì không có “lớp bảo vệ vô hình” hay thẻ kháng khuẩn nào ngăn được, chỉ có những lớp màng che kín như khẩu trang y tế mới hy vọng cản được các giọt bắn này.

Lợi dụng dịch corona để bán “Thẻ diệt khuẩn”

Thêm vào đó, một tỷ lệ rất lớn số ca lây nhiễm bệnh được nghiên cứu, đó là việc dịch tiết của người bệnh bám lên bề mặt khi người bình thường vô tình chạm phải dịch tiết này từ bàn tay rồi vô tình đưa lên mũi, miệng. Do đó, biện pháp bảo vệ khỏi nguy cơ lây bệnh là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc bằng dung dịch rửa tay diệt khuẩn.

PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, hiện Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chưa có khuyến cáo về phương pháp phòng bệnh bằng loại thẻ kháng khuẩn. Cơ quan y tế của Việt Nam cũng chưa nhận được thông tin chính thức từ các nhà khoa học hay chuyên gia phòng bệnh truyền nhiễm, chống dịch của các tổ chức quốc tế về việc đeo thẻ kháng khuẩn giúp phòng dịch bệnh. Hiện tại, cũng chưa có quốc gia nào khuyên người dân sử dụng thẻ kháng khuẩn để phòng Covid-19. Ngay tại Nhật Bản cũng không có khuyến cáo sử dụng thẻ kháng khuẩn để ngăn ngừa dịch này.

VIÊN VIÊN (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương