Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực

Chuyên gia cho rằng các bên cần phải gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh, kêu gọi Trung Quốc sửa đổi hoặc chấm dứt ngay lập tức luật này.

Luật Hải cảnh mới ban hành gần đây của Trung Quốc cho phép lực lượng hải cảnh (cảnh sát biển) Trung Quốc sử dụng vũ khí đối với tàu nước ngoài trong trường hợp cần thiết đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi. Đặc biệt là trong bối cảnh  các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông dự kiến hoàn thành cuối năm 2021.

Theo các chuyên gia động thái này gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực, vi phạm luật pháp quốc tế, cản trở các cuộc đàm phán COC và làm gia tăng vòng xoáy căng thẳng ở Biển Đông.

Tàu Hải cảnh 3901 của Trung Quốc. Ảnh: CGC.
Tàu Hải cảnh 3901 của Trung Quốc. Ảnh: CGC.

Aristyo Rizka Darmawan, chuyên gia an ninh hàng hải của Đại học Indonesia cho rằng, việc quyền ban hành các luật lệ và thực thi những luật này trên lãnh thổ của mình là điều bình thường nhưng chủ quyền đó chỉ giới hạn trong lãnh thổ của quốc gia đó, không được vượt ra ngoài các ranh giới đã được quy định theo luật pháp quốc tế. 

Trong khi đó, Luật Hải cảnh của Trung Quốc lại cho phép "thực hiện tất cả biện pháp cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí khi chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước này bị các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài xâm phạm trái phép trên biển".

Chuyên gia Rizka Darmawan cho rằng luật này đã đi ngược lại các nghĩa vụ và quy phạm luật quốc tế. Ông nêu ra cụ thể là: 

Thứ nhất, một trong những quy tắc quan trọng nhất được đề cập trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế nói chung là sử dụng các vùng biển, đại dương một cách hòa bình và không dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế. Tất cả các bên tham gia phải duy trì nguyên tắc này và không sử dụng bất cứ biện pháp nào ngoài những biện pháp hợp pháp đã được nêu trong luật pháp quốc tế.

Thứ hai, có một số quy định được nêu rõ trong UNCLOS liên quan đến vùng biển chồng lấn chưa được phân định. Điều 74(3) đối với vùng đặc quyền kinh tế và điều 83(3) đối với thềm lục địa của UNCLOS yêu cầu, trong giai đoạn chưa phân định biển, các quốc gia, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, phải nỗ lực hết sức mình để đạt được sự dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn mà không làm phương hại hay cản trở việc đạt được thoả thuận phân định cuối cùng. "Các dàn xếp tạm thời” là giải pháp tối ưu mà Công ước yêu cầu các quốc gia phải nỗ lực hết sức để đạt được trong khi chưa thống nhất về một thoả thuận phân định vùng biển chồng lấn.

Thứ 3, Trung Quốc cho rằng cách làm này “phù hợp với chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán” dường như ngầm ám chỉ yêu sách “đường 9 đoạn” mà nước này tự vẽ ra ở Biển Đông. Trong khi, yêu sách nói trên đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ năm 2016 vì trái với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Như vậy các biện pháp mà Trung Quốc thực hiện nhằm thực thi luật pháp của nước này tại những vùng lãnh thổ mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền nhưng không được luật pháp quốc tế công nhận, đều là bất hợp pháp.

Ngoài ra, Luật Hải cảnh này còn cản trở các cuộc đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc để duy trì hòa bình và an ninh ở Biển Đông. COC phải bảo rằng các bên liên quan không được đe dọa sử dụng vũ lực với các bên khác khi giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Dễ dàng nhận thấy rằng Trung Quốc hoàn toàn không có thiện chí đàm phán COC.

Theo ông Rizka Darmawan, Luật Hải cảnh của Trung Quốc đã  gia tăng căng thẳng với các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Bên cạnh đó còn khiến quan hệ Mỹ-Trung trở nên xấu hơn, có thể sẽ khiến tình hình leo thang căng thẳng, thậm chí dẫn đến một cuộc xung đột trên Biển Đông. Do đó các quốc gia có chủ quyền trên Biển Đông và những quốc gia khác lo ngại về luật Hải cảnh mới của Trung Quốc cần phải có phản ứng mạnh mẽ. 

Thanh Mai

Tại sao Triều Tiên sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản hơn 10.000 tỷ USD nhưng vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới?

Tại sao Triều Tiên sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản hơn 10.000 tỷ USD nhưng vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới?

Nắm giữ hơn 200 loại khoáng sản trị giá 10.000 tỷ USD nhưng Triều Tiên chưa khai thác tốt nguồn tài nguyên do hạn chế chuyên môn và cơ sở hạ tầng.