"Nên mua bảo hiểm khi còn trẻ và còn khỏe" là lời khuyên mà có lẽ tất cả chúng ta đều đã nghe đến mòn cả tai. Đành rằng bảo hiểm là thứ nên mua từ khi chưa có nhu cầu sử dụng, chứ tới lúc ốm đau bệnh tật mới lật đật tìm mua thì quá muộn rồi, nhưng không phải lúc nào quyết định mua bảo hiểm cũng là điều đúng đắn.
Hà Chi - Cô bạn 25 tuổi mà chúng tôi có cơ hội trò chuyện là một trong số ít những người cảm thấy hối hận vì quyết định mua bảo hiểm cách đây hơn 1 năm.
Hà Chi |
"Trong nhóm bạn thân của mình có 1 người bán bảo hiểm. Bạn tư vấn cho mình rất tận tình và có tâm nên mình quyết định ký hợp đồng bảo hiểm trị giá 18 triệu/năm, thời hạn 15 năm. Lúc đó, mình mới đi làm được hơn 6 tháng, lương được 9 triệu/tháng. Ngoài ra mình không có khoản thu nhập nào khác.
Đến giờ nghĩ lại mình vẫn cảm thấy quyết định mua bảo hiểm khi ấy có phần hơi bồng bột, gọi là hối hận cũng không sai" - Hà Chi chia sẻ và cho biết thêm cô không hề bị bạn thân "lợi dụng" để chạy sale.
Sở dĩ, cảm giác hối hận của Hà Chi xuất phát từ việc cô bạn không hề suy nghĩ kỹ, cũng không có khoản tiết kiệm nào trước khi đặt bút ký vào hợp đồng bảo hiểm. Từ trải nghiệm có phần không được mỹ mãn lắm của mình sau khi mua bảo hiểm, Hà Chi khẳng định chắc nịch rằng không nên mua bảo hiểm khi còn quá trẻ, vì 2 lý do sau.
1 - Nên ưu tiên tiết kiệm trước khi mua bảo hiểm
Đến nay, Hà Chi vẫn không có khoản tiền tiết kiệm nào vì với mức lương 9 triệu/tháng, tiền tiết kiệm chỉ dùng để… đóng phí bảo hiểm.
"Mình may mắn vẫn còn việc làm và vẫn còn 1 nguồn thu nhập ổn định là 9 triệu/tháng. Nhưng giờ giả sử mình bị vào danh sách cắt giảm nhân sự, đồng nghĩa với việc thất nghiệp, thì mình "toang" luôn vì không có 1 khoản tiết kiệm nào cả.
Lương mình được có 9 triệu/tháng, trừ đi tiền thuê nhà và tiền di chuyển, ăn uống, mỗi tháng mình chỉ dư được 2 triệu là căng đét. Cứ đến hạn đóng phí bảo hiểm là mình stress kinh khủng, chẳng biết kiếm đâu ra 1 cục tiền 18 triệu. Bố mẹ mình có bảo sẽ cho mình khoản tiền này nhưng mình vẫn thấy không thoải mái hơn là mấy, vì đi làm rồi, mình cũng không muốn để bố mẹ phải cho mình tiền" - Hà Chi bộc bạch.
Khi đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm, Hà Chi có khoảng 6 triệu tiền tiết kiệm. Bố mẹ cho cô bạn thêm 12 triệu để đóng kỳ đầu tiên. Lúc đó, Hà Chi cảm thấy "khá ok" với việc này. Tuy nhiên sau khi đã tự lập và suy nghĩ trưởng thành hơn, cô bạn không còn muốn như vậy nữa.
Kết cục, mua bảo hiểm trở thành áp lực lẫn gánh nặng tài chính với Hà Chi kể từ đó cho đến giờ. Cô bạn không có tiền để đi học thêm, cũng không dám đi du lịch chỉ vì khoản phí bảo hiểm đè lên vai.
2 - Có thẻ BHYT là đã đủ yên tâm rồi!
"Bản thân mình trộm vía khá khỏe, rất ít khi ốm vặt nên việc có bảo hiểm nhân thọ vào năm 23 tuổi là không thực sự cần thiết. Đến thẻ BHYT mà công ty đóng cho mình, đến giờ này là được gần 2 năm rồi, mình cũng chưa dùng bao giờ" - Hà Chi chia sẻ.
Theo quan điểm của Hà Chi, nếu bản thân khỏe mạnh và trong gia đình không có ai mắc bệnh hiểm nghèo, có tính di truyền như ung thư chẳng hạn, thì việc mua bảo hiểm nhân thọ từ khi mới đi làm là không cần thiết.
Tóm lại
Hà Chi quyết định không hủy hợp đồng bảo hiểm và vẫn tiếp tục đóng vì suy cho cùng, việc này vẫn là cần thiết về lâu về dài. Tuy nhiên, nếu được chọn lại, cô bạn cho biết chắc chắn sẽ không mua bảo hiểm khi bản thân chưa có tiền tiết kiệm.
"Mình nghĩ khi còn trẻ, mới đi làm và lương chưa cao thì quan trọng nhất là tiết kiệm chứ không phải là mua bảo hiểm. Phải có đủ tiền để tự tin sống trong vòng 3-6 tháng nếu không may thất nghiệp, rồi có tiền để đi học thêm kiến thức để đa dạng hóa thu nhập. Đó mới là lúc nên mua bảo hiểm" - Hà Chi khẳng định.
Nhiều khoản lãi đậm, bảo hiểm phi nhân thọ sống khỏe
Ngược chiều với khối bảo hiểm nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2023.