Nghịch lý: GenZ vung tiền vào hàng hiệu để xoa dịu nỗi tuyệt vọng “không thể thoát nghèo”

Suy nghĩ “có tiết kiệm cũng không giàu nổi” khiến GenZ rơi vào vòng xoáy tiêu dùng trả thù.

"Thắt lưng buộc bụng", chi tiêu ở mức tối thiểu, tiết kiệm ở mức tối đa là những gì mà chúng ta thường nghĩ tới, dù có sẵn sàng hay không cũng buộc phải thực hiện. Đây dường như là cách duy nhất để rút ngắn thời gian "chôn chân" trong những khó khăn tài chính.

Sự thật tưởng chừng hiển nhiên này lại không đúng với một bộ phận người trẻ, đặc biệt là GenZ. Thay vì tiết kiệm, giảm chi, họ vung tiền cho những món đồ xa xỉ để đổi lấy cảm giác thỏa mãn tức thời, dù sau đó chẳng có tiền để trả nợ, mua đồ ăn hay đóng học phí.

Tiêu dùng trả thù - Hành vi mua sắm được thôi thúc bởi suy nghĩ "tiết kiệm cũng chỉ như muối bỏ bể"

Trong một thoáng tuyệt vọng, Nia Holland (24 tuổi) đã quyết định sẽ vét sạch khoản tiền tiết kiệm 3300 USD cùng 1 phần tiền trợ cấp từ công việc nghiên cứu sinh ở trường Đại học, để mua một chiếc túi xách Chanel cổ điển.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sau một thời gian dài chi tiêu dè sẻn, Nia Holland nhận ra dù có tiếp tục sống như vậy thêm vài thập kỷ nữa, cô cũng không có đủ tiền để mua một căn nhà ở New York. Suy nghĩ này khiến Nia Holland cảm thấy việc tiết kiệm là quá vô nghĩa. Đó là lý do cô bạn 24 tuổi này quyết định chốt đơn chiếc túi Chanel trong chưa đầy 30 phút.

Giống như Nia Holland, Adrian Siega (26 tuổi) cũng vừa mới dùng toàn bộ số tiền trong quỹ khẩn cấp để mua một chiếc túi xách Burberry. Năm 2019, Siega rời quê hương Philippines để chuyển tới New York. Chàng trai này ôm giấc mộng có thể học đại học ở New York, sau đó ở lại thành phố này làm việc và mua một căn nhà. Tuy nhiên, sau 4 năm ở xứ cờ hoa, Siega tin rằng mục tiêu duy nhất mà mình có thể thực hiện được chỉ là học và tốt nghiệp một trường đại học ở New York. Việc mua nhà và định cư ở thành phố xa hoa, đắt đỏ này là quá sức với Siega. Hiện tại, Siega vẫn phải xin tiền bố mẹ để đóng học phí và trang trải chi phí sinh hoạt.

Nia Holland và Adrian Siega chỉ là 2 trong số hàng ngàn GenZ đang rơi vào vòng xoáy tiêu dùng trả thù.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Báo cáo của công ty tài chính Credit Karma cho thấy 27% GenZ nước Mỹ thừa nhận họ đã đốt sạch tiền tiết kiệm vào việc mua những món đồ xa xỉ - chủ yếu là túi xách.

Credit Karma cho biết nguyên nhân của hành vi tiêu dùng trả thù này đến từ việc chi phí sống và học tập ở các thành phố lớn quá cao, khiến người trẻ tuyệt vọng đến mức tin rằng dù họ có tiết kiệm cả đời, cũng không thể thoát cảnh ở thuê hay sự đeo bám của những khoản nợ sinh viên.

Giải pháp nào để thoát khỏi vòng xoáy tiêu dùng trả thù?Nhìn nhận thực trạng tiêu dùng trả thù của một bộ phận người trẻ, Ryan Derousseau - Chuyên gia Tâm lý học Tài chính cho biết: "Mọi lời khuyên hay các kế hoạch tiết kiệm, kiểm soát chi tiêu đều không có nhiều tác dụng trong việc giúp một người thoát khỏi vòng xoáy tiêu dùng trả thù, vì thứ đang hủy hoại sức khỏe tài chính của họ là sự tuyệt vọng chứ không phải việc thiếu kiến thức, kỹ năng tiết kiệm".

Theo quan điểm của Ryan Derousseau, một người đang mải miết chạy theo xu hướng tiêu dùng trả thù hoàn toàn không phải là người không biết tiết kiệm. Thậm chí, họ còn là người rất giỏi tiết kiệm và kiểm soát chi tiêu thì mới có đủ tiền để mua những món đồ xa xỉ.

"Cách duy nhất để chấm dứt việc tiêu dùng trả thù là tìm tới sự hỗ trợ chuyên nghiệp của các chuyên gia tâm lý và chuyên gia tài chính - Những người có đủ chuyên môn và đủ thành công, đủ giàu có để xoa dịu cảm giác tuyệt vọng về tiền bạc của bạn, mà không khiến bạn phải rước cả núi đồ hiệu về nhà" - Ryan Derousseau chia sẻ và tiết lộ thêm một sự thật đáng buồn: Phần lớn mọi người chỉ tìm tới các sự trợ giúp chuyên nghiệp khi bản thân họ đã trở thành một con nợ, và đang mất dần khả năng trả nợ.

Theo Bloomberg, Psychology Today

Ngọc Linh

Đầu năm thất nghiệp, cả năm rong chơi và cuối năm gánh nợ, GenZ khẳng định: 'Năm nay vẫn lãi'

Đầu năm thất nghiệp, cả năm rong chơi và cuối năm gánh nợ, GenZ khẳng định: "Năm nay vẫn lãi"

Một năm không “để dư được đồng nào” và còn có thêm vài khoản nợ, nhờ đâu mà bạn trẻ này tự tin thốt lên 2 từ “có lãi”?