"Mạch ngầm" âm nhạc phản chiến

Âm nhạc phản chiến đã tạo nên những ấn tượng trực tiếp và mạnh mẽ đến những người yêu chuộng hòa bình và chống lại chiến tranh.

Nhạc phản chiến là dòng nhạc được sáng tác ra nhằm bày tỏ thái độ phản đối, không tán thành chiến tranh từ phía các nhạc sĩ, đôi khi là để ủng hộ chủ nghĩa hòa bình. Bài hát thể hiện qua những giai từ phê phán trực tiếp chiến tranh hay bày tỏ thái độ chán ghét chiến tranh, và cả những đồng cảm sẻ chia cùng những nạn nhân của chiến tranh.

Dòng nhạc phản chiến trong một số trường hợp có thể bị chính quyền cấm biểu diễn, và cũng không hiếm khi bị từ chối tại các kênh truyền hình, kênh âm nhạc độc lập.

Nhiều nhạc sĩ đã thành công với những ca khúc phản chiến như Blowin' in the Wind của Bob Dylan. Năm 1962, ca khúc Blowin’ in the wind nổi tiếng của Bob Dylan ra đời trong 10 phút khi Bob Dylan ngồi uống cà phê ở New York. Lời ca từ: Bao nhiêu đạn dược phải rơi/Mới đến ngày im tiếng súng/Bạn thử nghe câu trả lời/Tiếng thầm bay trong gió thổi/Bao nhiêu mạng người phải chịu thác oan/Hẳn mới hiểu ra quá nhiều người chết?... được giới trẻ Mỹ thời đó rất ngưỡng mộ. 

Sinh năm 1941 tại Minnesota (Mỹ), Bob Dylan - tên thật là Robert Allen Zimmerman - xuất thân trong một gia đình gốc Do Thái từ Đông u di cư sang Mỹ vào những năm đầu của thế kỷ 20. Năm 8 tuổi Bob Dylan học đàn piano, rồi tự học guitar, chơi harmonica vì mê mẩn các nghệ sĩ nhạc blue và nhạc đồng quê như: Hank Williams, Muddy Waters, John Lee Hooker… Đĩa nhựa ghi âm các ca khúc đầu tiên của Bob Dylan phát hành năm 1962. Ông sử dụng ca từ không hoa mỹ, bóng bẩy nhưng đầy triết lý và ẩn dụ trong hàng loạt ca khúc.

Bob Dylan
Bob Dylan

Ông tạo ra làn sóng nhạc counterculture (văn hóa đối lập), thách thức với thể loại pop thông dụng. Album Modern times phát hành ngày 28.8.2006 đã đưa Bob Dylan trở thành ca sĩ lớn tuổi nhất (65 tuổi) giành vị trí số 1 trên bảng xếp hạng Billboard. Bob Dylan được tạp chí Time (Mỹ) bầu chọn là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Năm 2004, Bob Dylan được xếp ở vị trí thứ 2 bên cạnh nhóm nhạc huyền thoại The Beatles trong danh sách 100 nghệ sĩ xuất sắc nhất mọi thời đại của tạp chí Rolling Stone.

Năm 1963, Bob Dylan tiếp tục thu âm ca khúc gây tiếng vang The Times They Are A-Changin. Bài hát được viết vào năm 1963, ngay trước khi trào lưu phản đối sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam bắt đầu lan rộng. Bài hát có giai điệu đơn giản trên nền nhạc guitar acoustic của Dylan và tiếng kèn harmonica.

Trong bài hát có đoạn “There’s a battle outside/ and it’s ragin’/ it’ll soon shake your windows/ rattle your walls” (Tạm dịch: “Có một cuộc chiến ở ngoài kia/ và nó thật dữ dội/ nó sẽ khiến những cánh cửa và bức tường ngôi nhà bạn rung lên bần bật”). Hay: “Come mothers and fathers/ throughout the land/ and don’t criticize/ what you can’t understand/ your sons and daughters are beyond your command”. (“Các ông bố bà mẹ trên khắp đất nước này hãy đến và xem/ và đừng chỉ trích những gì mà mình không biết/ những người con của các vị đã không còn nằm trong sự chỉ bảo của các vị nữa rồi”). 

Lời ca thể hiện sự thất vọng, và giận dữ khi chứng kiến một thế hệ thanh niên trẻ tuổi trên khắp mọi miền tổ quốc đã phải rời xa cha mẹ mình để tham gia vào một cuộc chiến tranh phi nghĩa.

Một bài hát phản chiến khác cũng gây tiếng vang đó là Give Peace a Chance của John Lennon cựu thành viên nhóm nhạc huyền thoại The Beatles. Bài hát đã trở thành giai điệu chính của phong trào phản chiến tại Mỹ những năm 70 và "Where Have All the Flowers Gone?". Give Peace a Chance được John Lennon viết tại Montreal, Canada, ra mắt dưới dạng single năm 1969 với sự thể hiện của ban nhạc Plastic Ono Band do John Lennon và vợ là Yoko Ono thành lập, sau đó nhanh chóng nổi tiếng trong phong trào phản chiến những năm 70.

John Lennon
John Lennon

Give Peace a Chance từng giữ hạng thứ 2 trên bảng xếp hạng UK Singles Chart của Anh và thứ 14 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 của Mỹ.

Ca khúc được sáng tác trong thời kì John Lennon và Yoko Ono tiến hành chiến dịch "Bed-Ins for Peace" (biểu tình trên giường) trong tuần trăng mật của họ, nhằm phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Điệp khúc "tất cả những gì chúng tôi đang nói, là hãy cho hòa bình một cơ hội" của Give Peace A Chance đã đi vào lòng người, rồi lan truyền từ người này sang người khác.

Sau này, Give Peace A Chance đã được rất nhiều nghệ sĩ trên thế giới biểu diễn lại, trong đó có những tên tuổi đình đám như các thành viên The Beatles, Yoko Ono, U2, Aerosmith, Elton John, Madona, Stevie Wonder…

Dù toàn bộ ca từ rất đơn giản nhưng ca khúc đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất vào những năm 1960. Hàng trăm con người đã cùng vỗ tay theo nhịp thể hiện mong muốn chiến tranh chấm dứt và ủng hộ hòa bình ở Việt Nam tại khách sạn Montreal (nơi ghi hình video này).

Một ca khúc phản chiến khác cũng có tầm ảnh hưởng rất lớn đó là War (What Is It Good For?) (Chiến tranh thì tốt cho điều gì?) của ca sỹ nhạc soul Edwin Starr. War (What Is It Good For?) đã đưa người nghe đến với sự khủng khiếp của cuộc chiến tranh mà nhà cầm quyền Mỹ tiến hành ở Việt Nam bằng những giai điệu đơn giản dễ nhớ nhưng cũng rất đanh thép.

Tại Việt Nam, cuộc chiến tranh Việt Nam tạo cảm hứng mạnh mẽ cho những tên tuổi lớn. Từ  những năm 1960, một số nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực âm nhạc đã lên tiếng chống lại cuộc chiến tranh tại Việt Nam của Mỹ, đồng thời ca ngợi hòa bình và tình yêu. Các nghệ sĩ âm nhạc nổi tiếng đã bắt đầu thu âm các bài hát phản kháng lại chiến tranh và dần dần trở thành một phương thức đấu tranh kiểu mới.

Một số cái tên ghí dấu ấn như Phạm Duy (với Tâm caTâm phẫn ca và những ca khúc phản chiến khác), Trịnh Công Sơn (với những dòng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn), Miên Đức Thắng với tập nhạc Từ đồng hoang ở miền Nam...

Trong đó nổi bật nhất là Phạm Duy và Trịnh Công Sơn, với nhiều ca khúc được phổ biến sâu rộng trong giới thanh niên, và trong số đó có những bài bị cấm đoán bởi cả hai phía chính quyền.

Âm nhạc phản chiến đã tạo nên những ấn tượng trực tiếp và mạnh mẽ đến những người yêu chuộng hòa bình và chống lại chiến tranh. 

Thanh Mai