Mất bao nhiêu tiền nếu mua cổ phiếu HDBank ngay khi mới niêm yết?

Nhà đầu tư sẽ phải mất ngay 30% tài sản trên sàn chứng khoán chỉ trong hơn hai năm nếu đầu tư vào cổ phiếu HDBank ngay ngày đầu niêm yết.

Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào ngày 5/1/2018, với mã HDB.

Với giá đóng cửa phiên đầu phiên là 39.600 đồng/cổ phiếu, nếu bỏ 10 triệu đồng vào mã HDB, nhà đầu tư có được khoảng 253 cổ phiếu. Đến nay, số tiền còn lại trên sàn chứng khoán sẽ chưa tới 7 triệu đồng, tức nhà đầu tư đã mất đi hơn 30% tài sản chỉ trong hơn hai năm qua.

Từ tháng 3/2019 đến nay, mã HDB hầu như hiếm khi vượt được vùng giá 30.000 đồng/cổ phiếu. Có thời điểm, cổ phiếu HDB tuột về khoảng 17.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, hồi cuối tháng 3/2020, có lúc HDB sắp chạm đáy 16.000 đồng/cổ phiếu.

Nhưng trong tuần qua, mã HDB đã tăng 10 phiên liên tiếp, từ 24.400 đồng lên 27.400 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng 12,3%. Nguyên nhân là do hoạt động có hiệu quả của HDBank trong thời gian gần đây. Dựa trên báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020, bộ phận phân tích của công ty chứng khoán Maybank Kim Eng Việt Nam (MBKE), nhận xét: “HDBank tăng trưởng như chưa từng có dịch COVID-19”.

Hiện tại, cổ phiếu HDB đang là mã có thị giá cao thứ ba trong nhóm ngân hàng, và thứ 16 nếu tính chung cả rổ VN30.

HDBank được biết đến là nhà băng nằm trong top đầu với chiến lược phát triển tập trung vào các mảng bán lẻ và SME, đang có tốc độ tăng trưởng cao, với chất lượng tài sản vượt trội, giá trị vốn hóa trong nhóm dẫn đầu ngành ngân hàng và thị trường chứng khoán.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, thu nhập lãi thuần của HDBank tăng 30% đạt 5.663 tỷ đồng, lãi trước thuế 2.907 tỷ đồng, tăng 32%, tương đương 51% kế hoạch cả năm. Đến cuối tháng 6/2020, tổng tài sản của HDBank ở mức 242.445 tỷ đồng, cao hơn 6% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 10%, lên 160.371 tỷ đồng.

HDBank là một trong những ngân hàng mạnh về bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh: HDBank
HDBank là một trong những ngân hàng mạnh về bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh: HDBank

Riêng trong quý II/2020, HDBank ghi nhận thu nhập lãi thuần 2.780 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. 

Chất lượng tài sản của HDBank được đánh giá thuộc nhóm tốt nhất toàn ngành, với tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ ở mức 1,1%. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở mức 21%, thuộc nhóm ngân hàng có an toàn vốn và thanh khoản cao nhất.

Công ty tài chính HD Saison cũng duy trì tăng trưởng ổn định trong quý II/2020 vừa qua, đóng góp 8,4% vào tổng dư nợ của ngân hàng hợp nhất. Dù không có thông tin đầy đủ, nhưng phía Công ty chứng khoán HSC ước tính thu nhập lãi thuần của HD Saigon tăng 14,9% so với cùng kỳ, đóng góp 32,9% vào thu nhập lãi thuần hợp nhất của HDBank. Tổng thu nhập từ hoạt động đạt khoảng 1.067 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ.

Đà tăng trưởng của HDBank dự kiến vẫn còn kéo dài khi ngân hàng này vừa nâng quy mô hoạt động lên gần 300 điểm giao dịch ngân hàng. Hệ thống điểm giao dịch tài chính tiêu dùng của HD Saison được mở rộng lên hơn 18.000 điểm, chiếm vị trí số 1 thị trường về hệ thống kênh phân phối.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương