Theo đó, những hình ảnh về "mây sóng thần" được ghi nhận tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Vinh và huyện Nghi Lộc. Vùng mây "lạ" xuất hiện ngay trước thời điểm siêu bão Yagi đổ bộ càng khiến nhiều người xôn xao, thậm chí lo ngại.
Hình ảnh "mây sóng thần" được người dân chia sẻ sáng 6/9 |
Hiện tượng tương tự cũng từng xuất hiện tại Bình Dương hôm 31/8. Vùng mây này có hình phễu, di chuyển nhanh từ thấp lên cao sau đó mưa lớn xuất hiện. Thời điểm trước khi ghi nhận hiện tượng này, tại Bình Dương và lân cận như TP.HCM, Đồng Nai có nhiều cơn mưa to và gió mạnh.
Hình ảnh "mây sóng thần" trên bầu trời Bình Dương hôm 31/9 (Ảnh: M.Tuấn) |
Trả lời báo chí, ThS Lê Thị Xuân Lan - Chuyên gia dự báo Khí tượng Thủy văn cho biết: "Đám mây này là mây giông (mây vũ tích). Loại mây này có nhiều hình dạng, trong hình chiều 31/8 là một dạng rất mạnh với hình phễu và chuẩn bị xoáy lại. Chân mây thấp, dạng dày đặc và cách mặt đất chỉ khoảng vài trăm mét".
Đây cũng chính là hiện tượng mây xuất hiện sáng nay ở Nghệ An. Mây vũ tích là những khối mây tích dầy và đặc, có độ phát triển lớn, dữ dội theo chiều thẳng đứng, nhô lên thành hình những trái núi và những ngọn tháp cao đến hàng km. Mây vũ tích gây mưa lớn, mưa rào to kèm giông sấm chớp. Đây là loại mây nguy hiểm sinh ra mưa lớn và sấm sét ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của con người. Dựa theo hình dạng của nó, vùng mây này được nhiều người gọi là "mây sóng thần".
Trao đổi với báo Thanh niên sáng 6/9, ông Vũ Thế Hoàng, Chủ tịch Hội Thiên văn Hà Nội cho biết loại mây này xuất hiện là do sự bất thường của khí quyển và hình thành do hơi nước từ các dòng khí mạnh thổi từ dưới lên.
"Có thể khẳng định, những đám mây xuất hiện như hình ảnh trên là do dải mây gây mưa của siêu bão Yagi đang di chuyển trên Biển Đông ảnh hưởng đến đất liền. Dải mây gây mưa này hiện đã bao trùm hết miền Trung", ông Vũ Thế Hoàng cho biết.
Vùng mây "lạ" trên bầu trời Nghệ An khiến nhiều người lo lắng |
Liên quan tới diễn biến siêu bão Yagi, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, sáng nay 6/9, trung tâm cũng nhận hình ảnh về dải mây này do nhiều người dân cung cấp. Đây là ảnh hưởng của hoàn lưu siêu bão số 3 (siêu bão Yogi).
Cũng theo cơ quan khí tượng, 22 giờ ngày 5/9, tại trạm Văn Lý (Nam Định) đã ghi nhận gió mạnh cấp 9, giật 10 trong cơn giông. Đây là cơn giông trước khi bão đổ bộ.
Theo cơ quan khí tượng, siêu bão Yagi xác lập nhiều kỷ lục với những cột mốc đặc biệt như:
Đây là cơn bão mạnh nhất năm 2024 trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương (tính đến thời điểm hiện tại).
Là cơn bão tăng cấp độ nhanh nhất từ trước đến nay trong lịch sử khí tượng Việt Nam (48 tiếng).
Lần thứ 3 trong lịch sử cấp độ rủi ro thiên tai Cấp độ 4 (Màu đỏ) được ban hành và cũng lần đầu tiên trong lịch sử cấp độ 4 được sử dụng ở Vịnh Bắc Bộ.
Top 3 siêu bão đạt cấp 16 trở lên khi hoạt động trên biển Đông.
Giá trị khí áp tại tâm bão giảm xuống thấp nhất trong vòng hơn nửa thế kỷ qua trong lịch sử quan trắc bão của khí tượng Việt Nam.
Có thể thấy rằng đến thời điểm này bão Yagi đã đạt trạng thái mạnh nhất của một cơn bão nhiệt đới khi mà các điều kiện mô trường quá thuận lợi nuôi dưỡng cho sự phát triển của nó.
Trước mắt bão sẽ vẫn tiếp tục di chuyển hướng về phía vịnh Bắc Bộ với cường độ hầu như ít thay đổi tuy nhiên khi vượt qua đảo Hải Nam thì cường độ bão có sự suy yếu đáng kể từ cấp 15-16 giật cấp 18-19 giảm còn cấp 13-14 giật cấp 16. Bão sẽ tiếp tục suy yếu khi đi sâu hơn vào Vịnh Bắc Bộ và hướng về đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định.
Bà chủ và các bảo mẫu của Mái ấm Hoa Hồng khai gì khi làm việc với công an?
Làm việc với cơ quan chức năng, các bảo mẫu thừa nhận hành vi hành hạ trẻ em đang được nuôi dưỡng tại mái ấm Hoa Hồng.