"Mẹ lười quá bố nhỉ" - Câu nói của con trai khiến mẹ thảng thốt, nếu cứ yêu thương sai cách, bạn chỉ tạo ra 1 đứa trẻ vô ơn

Bi kịch lớn nhất của một gia đình là cha mẹ vất vả nhưng không nuôi dạy được đứa con biết ơn.

Một vụ việc xảy ra ở Quảng Đông, Trung Quốc mới đây đã khiến nhiều bậc cha mẹ phải suy nghĩ. Theo đó, một bé trai đã phàn nàn với bố: "Mẹ lười quá bố nhỉ". Người bố nghe xong kể lại với vợ mình, khiến chị thảng thốt, rơm rớm nước mắt, không tin vào tai mình.

Đến khi ăn cơm, không nhịn được nữa, chị hỏi con và cậu bé đáp như sau: 

- Sao con lại nói với bố là mẹ lười?

- Vì mẹ hay nhờ bố lấy hộ đồ này đồ kia.

- Chỉ vì việc đó thôi hả?

- Mẹ còn sai bố phơi quần áo, rót nước, lau nhà,...

- Mẹ không thể nhờ bố những việc này à?

- Không, bố phải đi làm mà, mẹ có đi làm đâu!

Nghe thấy những câu này, chị gái của cậu bé quay sang chất vấn: "Thế món cánh gà mà em đang ăn thì ai làm hả? Cánh gà ở đâu ra?". Cậu em trai đáp: "Gà mua bằng tiền của bố!". 

Cậu con trai không hề nghĩ tới công lao chăm sóc cả gia đình của người mẹ
Cậu con trai không hề nghĩ tới công lao chăm sóc cả gia đình của người mẹ

Hoá ra, cậu con trai luôn cho rằng, bố đi làm vất vả còn mẹ đã không đi làm, chỉ ở nhà mà còn hay sai vặt bố. Những lời nói của đứa con đã làm tổn thương sâu sắc trái tim người mẹ.

Chị không hiểu tại sao con trai mình lại có ý nghĩ như vậy. Vì chăm sóc gia đình, ngay cả thời gian đi mua sắm với bạn bè, chị cũng không có; thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc sắc đẹp bản thân cũng không có nốt. Nhưng con trai chị không nhìn ra sự vất vả của mẹ.  

Người mẹ đã chia sẻ câu chuyện của gia đình nên mạng xã hội. Rất nhiều cư dân mạng đã để lại bình luận. Hầu hết các ý kiến đều chỉ ra, người mẹ này đã nuôi dạy con sai cách hoàn toàn:

"Bạn phải phân biệt rõ ràng giữa "phục vụ" và "chăm sóc" con cái. Từ câu nói của con bạn, tôi có thể chắc chắn rằng, bạn đang "phục vụ" con bạn, và con "phục vụ" quá mức, để đến mức đứa trẻ trở nên vô ơn, không biết ơn công sức của mẹ". 

Có những đứa trẻ coi sự chăm sóc của mẹ là điều đương nhiên... 

Suy cho cùng, nhiều bà mẹ thường cưng chiều con cái quá mức. Không hề nói quá khi cho rằng, nhiều bà mẹ đang... "đội con lên đầu", không muốn con chịu một chút thiệt thòi nào. Khi một đứa trẻ đã quen với sự nuông chiều, bao bọc của mẹ dành cho mình và không được dạy cách trân trọng công lao của mẹ, trẻ sẽ cảm thấy rằng mọi việc mẹ làm cho mình đều là đương nhiên!

Nhà Giáo dục Anton Makarenko từng nói: "Nuông chiều quá mức, dù là một cảm xúc tuyệt vời nhưng sẽ hủy hoại con cái"Hay nhà Triết học Jean-Jacques Rousseau cũng bày tỏ ý kiến: "Bạn có biết phương pháp nào sẽ khiến con bạn trở thành một người khốn khổ không? Chính là "vâng lời" nó". 

Đằng sau mỗi đứa trẻ có vấn đề đều là một bậc cha mẹ có vấn đề. Cha mẹ cho đi một cách mù quáng sẽ chỉ khiến ham muốn của con cái trở nên vô hạn. Cha mẹ chiều chuộng quá mức sẽ là thảm họa đối với chính con cái.

Bi kịch lớn nhất của một gia đình là cha mẹ vất vả nhưng không nuôi dạy được đứa con biết ơn. Còn điều may mắn nhất của một gia đình không phải là nuôi dạy những đứa con có triển vọng mà là có được những đứa con biết ơn.

Mỗi đứa trẻ sinh ra đều là một tờ giấy trắng, cha mẹ chính là người tô điểm, vẽ lên những nét đầu tiên. Tờ giấy trắng đó về sau có hoạ tiết, màu sắc như nào đều phụ thuộc vào cha mẹ. 

Để con biết ơn, trước hết cha mẹ phải làm gương cho con. Mỗi lời nói, việc làm của cha mẹ đều có vai trò quan trọng đối với sự trưởng thành của trẻ. Chúng ta không "lải nhải" suốt ngày về việc mình đã hy sinh, vất vả như thế nào để nuôi con, vì điều đó có thể gây phản tác dụng, khiến con bị áp lực, cảm thấy gánh nặng, nhưng chúng ta cũng phải cho con biết, cha mẹ đã nuôi con như nào, dành tâm huyết ra sao để con khôn lớn nên người.

Điều đó sẽ gieo vào lòng những hạt giống biết ơn, yêu thương, khiến con nỗ lực học hỏi, rèn luyện để không phụ tấm lòng mẹ cha. 

Thanh Hương