Mở lại 6 đường bay quốc tế sẽ thực hiện như thế nào?

2 mốc mở lại đường bay quốc tế là 15/9 mở lại đường bay Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan. Ngày 22/9 mở lại đường bay tới Lào, Campuchia.

Hàng tuần sẽ có khoảng 5.000 khách nhập cảnh Việt Nam

Theo phương án Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ về việc mở lại các đường bay quốc tế, ngày 15/9 sẽ mở lại đường bay quốc tế với Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan;  ngày 22/9 dự kiến mở lại đường bay tới Lào, Campuchia.

Về quy định kiểm dịch, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá trên cơ sở năng lực cách ly của các địa phương để đưa ra tần suất bay. Các chuyến bay phân bổ đều các ngày trong tuần, hạn chế tối đa trường hợp có 2 chuyến bay hạ cánh cùng ngày tại 1 điểm. Dự kiến có khoảng 5.000 khách sẽ nhập cảnh trong tháng 9.

6 đường bay quốc tế sẽ được khôi phục từ 15/9, Vietnam Airlines/Pacific Airlines và Vietjet được chỉ định thực hiện các chuyến bay này. Ảnh: TT
6 đường bay quốc tế sẽ được khôi phục từ 15/9, Vietnam Airlines/Pacific Airlines và Vietjet được chỉ định thực hiện các chuyến bay này. Ảnh: TT

Theo đó, từ 15/9, đường bay Hà Nội-Tokyo sẽ khai thác với tần suất một chuyến/tuần/chiều cho Hà Nội và Tokyo. Đường bay TP.HCM -Tokyo cũng sẽ khai thác với tần suất một chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên.

Vietnam Airlines/Pacific Airlines được chỉ định phối hợp khai thác linh hoạt đường bay Hà Nội-Tokyo bằng tàu bay Boeing B787 (343 ghế) vào ngày thứ Ba hàng tuần.

 Vietjet Air được chỉ định khai thác đường bay TP.HCM-Tokyo bằng tàu bay Airbus A321 (240 ghế) vào ngày thứ Ba hàng tuần.

Số lượng hành khách từ Nhật Bản đến Việt Nam cách ly tối đa tại Hà Nội và TP.HCM là 560 khách/tuần.

Với đường bay đến Hàn Quốc, Bộ Giao thông Vận tải chỉ định Vietnam Airlines/Pacific Airlines khai thác đường bay Hà Nội-Seoul, với với tần suất một chuyến/tuần bằng tàu bay Boeing B787.

Vietjet sẽ khai thác đường bay TP.HCM-Seoul bằng tàu bay Airbus A321.

Số lượng khách từ Hàn Quốc đến Việt Nam cách ly tối đa tại Hà Nội và TP.HCM là 650 khách/tuần.

Đối với đường bay đến Trung Quốc, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất mở lại đường bay TP.HCM -Quảng Châu với tần suất một chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên. Phía Việt Nam chỉ định Vietnam Airlines/Pacific Airlines khai thác linh hoạt bằng tàu Boeing B787 (343 ghế).

Phía Trung Quốc chỉ định một hãng hàng không khai thác bằng tàu Airbus A320 tối đa 200 ghế. Số lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam cách ly tại TP.HCM tối đa 540 người/tuần.

Khách du lịch, các đối tượng ngoài quy định sẽ chưa áp dụng trong đợt mở lại các đường bay quốc tế sau ngày 15/9. Ảnh: TT
Khách du lịch, các đối tượng ngoài quy định sẽ chưa áp dụng trong đợt mở lại các đường bay quốc tế sau ngày 15/9. Ảnh: TT

Đường bay đến Đài Bắc (Đài Loan) sẽ do Vietnam Airlines/Pacific Airlines khai thác tại đầu TP.HCM bằng tàu bay Boeing B787, còn Vietjet sẽ khai thác đầu Hà Nội bằng tàu bay Airbus A320.

Dự kiến số khách từ Đài Loan đến Việt Nam cách ly tối đa tại Hà Nội là 620 khách/tuần; tại TP.HCM là 700 khách/tuần.

Từ 22/9, đường bay đến Lào và Campuchia được đề xuất nối lại với tần suất một tuần/chuyến. Đường bay này sẽ do Vietnam Airlines khai thác bằng máy bay A321.

Như vậy với kế hoạch khai thác này, Cục Hàng không dự kiến số lượng hành khách nhập cảnh hàng tuần khoảng gần 5.000 người, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM.

Tất cả hành khách nhập cảnh phải tuân thủ yêu cầu kiểm dịch y tế bắt buộc theo quy định. Danh sách phòng xét nghiệm real-time PCR do Việt Nam phê duyệt. Người nước ngoài phải chịu toàn bộ chi phí xét nghiệm để được nhập cảnh vào Việt Nam. Công dân Việt Nam được miễn phí xét nghiệm.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết đối tượng được kiến nghị ưu tiên khi mở lại 6 đường bay này gồm các nhà ngoại giao, hoạt động công vụ, công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài có nhu cầu về nước, công dân Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, các chuyên gia nước ngoài đang thực hiện các dự án tại Việt Nam mới được. Như vậy, khách du lịch, các đối tượng khác sẽ chưa áp dụng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường thông tin thêm các phương án kiểm soát dịch, cách ly với hành khách nhập cảnh đã được bàn bạc rất kỹ lưỡng, để bảo đảm an toàn cho người dân. Quân đội vẫn vai trò quan trọng trong việc cách ly. Bộ Y tế đã ban hành một loạt quy trình hướng dẫn cách ly từ gia đình, công xưởng, nhà máy, trường học, nơi công cộng…

Chuyên gia nước ngoài sẽ thực hiện cách ly ra sao?

Về quy định cách ly, theo phương án đề xuất, công dân Việt Nam sau khi làm thủ tục nhập cảnh phải cách ly tập trung 14 ngày và xét nghiệm ít nhất 2 lần âm tính trong thời gian cách ly.

Tất cả hành khách nhập cảnh phải tuân thủ yêu cầu kiểm dịch y tế bắt buộc theo quy định. Người Việt Nam về nước được cách ly y tế 14 ngày, được miễn phí xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Tiền phong
Tất cả hành khách nhập cảnh phải tuân thủ yêu cầu kiểm dịch y tế bắt buộc theo quy định. Người Việt Nam về nước được cách ly y tế 14 ngày, được miễn phí xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Tiền phong

Người nước ngoài là chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà đầu tư, nhân viên các dự án trọng điểm nhập cảnh vào Việt Nam có thời hạn trên 14 ngày, sau khi làm thủ tục nhập cảnh sẽ phải thực hiện cách ly theo quy định về hỗ trợ người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia, lao động kỹ thuật... nhập cảnh vào Việt Nam làm việc.

Trả lời tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 4/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tham mưu Thủ tướng quyết định vấn đề mở lại đường bay quốc tế.

Việc mở 6 đường bay thương mại quốc tế theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải là trên nguyên tắc là mở đường bay tới các nước đã kiểm soát bệnh tốt và tương đồng với Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

“Trên tinh thần thực hiện mục tiêu kép đảm bảo vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, chúng ta mở lại các đường bay một cách cẩn trọng, mở dần, từng bước và đúc kết kinh nghiệm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong điều kiện ta kiểm soát dịch tốt, nhưng chưa có vaccine thì ta chưa thể nói trước được. Ngoài chuyên gia, lao động, các cơ quan ngoại giao, người dân du lịch… Việt Nam sẽ phải tính toán đối tượng và tần suất bay. Chúng ta vừa làm vừa thí điểm sau đó mới nâng tần suất. 

Về cách ly khi nhập cảnh như thế nào cho hợp lý cũng là vấn đề cần phải tính toán. Ví dụ như khách chỉ đến Việt Nam 5 ngày mà phải cách ly 14 ngày thì sẽ không ai sang.

Theo phương án đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, từ 15/9, dự kiến mỗi tuần sẽ có khoảng 5.000 khách nhập cảnh vào Việt Nam. Ảnh Báo Nhân dân
Theo phương án đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, từ 15/9, dự kiến mỗi tuần sẽ có khoảng 5.000 khách nhập cảnh vào Việt Nam. Ảnh Báo Nhân dân

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn chứng Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh vừa rồi đã quyết định cho việc nhập cảnh với 1 trường hợp để thấy rằng chúng ta phải thực hiện theo tình hình thực tế chứ không máy móc. Đó là một Phó Chủ tịch của Tập đoàn Samsung sang Việt Nam 5 ngày. Nếu chúng ta đặt vấn đề cách ly 14 ngày thì không hợp lý. Theo đó, quy định vị này phải ở khách sạn, ngày thứ nhất xét nghiệm âm tính, ngày thứ hai mới để họ thực hiện các hoạt động công vụ theo lịch trình.

Trong quá trình này vẫn bảo đảm các giải pháp về phòng, chống dịch (đeo khẩu trang, không tiếp xúc gần…).

Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh khi “mở cửa bầu trời” vẫn phải được xem xét rất cẩn trọng. Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ, ngành sẽ phải báo cáo Thủ tướng để có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan chức năng về việc cách ly hành khách sau khi mở lại đường bay quốc tế.

Người nhập cảnh vào Việt Nam phải đóng phí cách ly 

Về phương án thu phí cách ly, xét nghiệm với khách nước ngoài, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết từ 1/9/2020, tất cả các trường hợp thực hiện cách ly phải tự chi trả chi phí. Riêng vấn đề khám, chữa bệnh sẽ thực hiện chi trả theo Khoản 2, Điều 48 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Thực chất thời gian qua, nhiều gia đình Việt Nam từ nước ngoài về cũng có nhu cầu được ở nơi cách ly có dịch vụ tốt hơn. Thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện cho các khu cách ly, khách sạn, nơi lưu trú, vừa để tạo việc làm cho các doanh nghiệp, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn nói thêm với khách nước ngoài, các chuyên gia ở tại khách sạn thì sẽ phải trả dịch vụ khách sạn theo quy định về mức chi phí thoả thuận giữa người cách ly và người cung cấp dịch vụ. Bộ Tài chính đang phối hợp Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng đưa ra mức thu phí trong thời gian tới, để bảo đảm mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

H.LINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương