Mỗi ngày có gần 300 doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể

Dù có gần 99.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, cả nước vẫn ghi nhận tổng cộng hơn 78.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể trong 9 tháng đầu năm.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 9 tháng đầu năm 2020, tình hình hoạt động doanh nghiệp vẫn còn khá ảm đạm. Nhưng theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh, các doanh nghiệp đang dafn lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý cuối năm.

Gần 99.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 9/2020, cả nước có 10.300 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 203.300 tỷ đồng và số lao động khoảng 83.000 người. Các con số trên lần lượt giảm 23,1% về số doanh nghiệp, giảm 29,6% về vốn đăng ký và giảm 13,8% về số lao động so với tháng trước.

Trong tháng, cả nước ghi nhận 4.568 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động , giảm 4,3% so với tháng trước, nhưng lại tăng 89,3% so với cùng kỳ năm 2019. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm đi, theo Tổng cục Thống kê, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tháng 9 năm nay trùng với tháng 7 âm lịch nên người dân có tâm lý hạn chế khởi sự kinh doanh.

Tính chung 9 tháng, cả nước có gần 99.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.428,5 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động là 777.000 lao động. Các chỉ tiêu lần lượt giảm 3,2% về số doanh nghiệp, tăng 10,7% về vốn đăng ký và giảm 16,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, còn có 34.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25,5% so với 9 tháng năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên 133.600 doanh nghiệp, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tháng có 14.800 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Theo khu vực kinh tế, 9 tháng năm nay, khu vực công nghiệp và xây dựng có số doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất với 29.700 doanh nghiệp, tăng 7,8%. Số doanh nghiệp thành lập mới của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 31,1% với 1.949 doanh nghiệp.

Trong khi đó, khu vực dịch vụ tiếp tục là nơi các doanh nhân “chưa dám đụng tới” khi số doanh nghiệp thành lập mới giảm 8,7% so với cùng kỳ. Tuy vậy, số lượng thực tế của khu vực dịch vụ lại cao nhất với 67.300 doanh nghiệp thành lập mới.

So sánh cụ thể các ngành, nghề, Tổng cục Thống kê chỉ rõ các ngành có số doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh gồm bán buôn, bán lẻ , sửa chữa ô tô, xe máy, xây dựng, công nghiệp chế biến - chế tạo, khoa học công nghệ, quảng cáo, du lịch , kinh doanh bất động sản , vận tải, dịch vụ lưu trú và ăn uống , thông tin truyền thông, giáo dục và đào tạo,…

Hơn 78.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể

Tuy nhiên, tình hình giải thể và tạm dừng kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục tăng. Ước tính có 3.269 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 9/2020, tăng 114,9% so với tháng 9/2020. Cả nước có 4.097 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể , tăng 50,8% so với cùng kỳ

Đáng chú ý, Tổng cục còn ghi nhận 1.736 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 22,6% so với tháng 8 và tăng 14,1% so với tháng 9/2019.

Tính chung trong 9 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38.600 doanh nghiệp, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước. Cả nước có 27.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, con số này giảm 2,4%. Nhích nhẹ 0,1% là gần 12.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Như vậy, trung bình mỗi ngày, cả nước có 286 doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể hoặc hoàn tất thủ tục giải thể.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn dưới 10 tỷ đồng vẫn là nhóm chịu nhiều tổn thương trong thời gian qua. Số liệu thống kê chỉ rõ, cả nước có 10.700 doanh nghiệp nhỏ giải thể, trong khi chỉ có 192 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng hoàn tất thủ tục. Nhưng về tỷ lệ, số doanh nghiệp nhỏ giải thể đã giảm 1,4% so với cùng kỳ, trong khi số doanh nghiệp lớn giải thể lại tăng 15,7%.

Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực nhất định. Cụ thể, cả nước có gần 4.700 doanh nghiệp giải thể là doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.333 doanh nghiệp. Xây dựng có 1.008 doanh nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp giải thể còn tập trung ở các ngành như khoa học, công nghệ, quảng cáo, kinh doanh bất động sản, dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch, vận tải, giáo dục, thông tin truyền thông,…

81% doanh nghiệp ổn định và tốt hơn trong quý IV/2020

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến - chế tạo trong quý III/2020 cho thấy, có 32,2% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2020 tốt hơn quý II/2020. Trong khi đó, có khoảng 31,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 35,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Về dự kiến quý IV/2020 so với quý III/2020, có 45,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên. Trong khi 19% doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

  81% doanh nghiệp Việt Nam lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2020. Ảnh: Bloomberg

81% doanh nghiệp Việt Nam lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2020. Ảnh: Bloomberg

Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lạc quan nhất với 82,8% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2020 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2020. Tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước cũng không quá chênh lệch, lần lượt là 81,7% và 80,2%.

Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý III/2020, có 54,1% doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, 51,6% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp làm tình trạng sản xuất kinh doanh gặp khó. 35% số doanh nghiệp cho biết đang gặp khó khăn về tài chính. 29,4% doanh nghiệp cảm thấy khó vì nhu cầu thị trường quốc tế thấp. Các doanh nghiệp còn nêu ra các lý do như thiếu nguyên, nhiên, vật liệu, không tuyển được lao động theo yêu cầu và lãi suất vay vốn cao… ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về đơn đặt hàng, có 30,9% số doanh nghiệp được khảo sát có đơn đặt hàng quý III/2020 cao hơn quý II/2020. Tỷ lệ khá tương đồng, 30,6% doanh nghiệp cho biết có đơn đặt hàng giảm. Xu hướng quý kế tiếp được 43,2% doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng. Các doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm chỉ chiếm 17,7%.

Về đơn đặt hàng xuất khẩu, có 26,5% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới của quý III/2020 so với quý II/2020 cao hơn hẳn. Tuy vậy, vẫn có đến 32,6% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm. Doanh nghiệp cả nước lạc quan hơn với quý cuối năm khi có 35,6% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới. Trong khi có 20,4% số doanh nghiệp dự kiến giảm đơn hàng xuất khẩu.

TIỂU GU

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương