“Một chút mặt trời trong nước lạnh”

Chị vẫn là bông hoa giữa rừng hoa. Đôi mắt to, khi ngước lên vừa tự tin vừa mang ấn tượng nghiêm khắc và khi cúi xuống thật nhân hậu, bao dung.

Trong số các bạn tôi, không ít người bỏ dạy học đi làm quan. Một số bạn bỏ trường, bỏ lớp đi viết văn, làm báo. Từ quê, các bạn lần lượt ra chốn phồn hoa đô hội. Không phải chỉ một lần, những người bạn hỏi tôi: tại sao mi ở lại chốn quê nhà? Sao sống được với một hành trình đều đặn và cũ kỹ? Sao bằng lòng với sự đơn điệu và lặn sâu xuống đáy? Với tôi, phải giải thích ngọn ngành điều đó thật không dễ chút nào. Nhưng cứ biết, tôi vẫn sống, vẫn đang được là mình.

Những đêm khuya khoắt, tôi chấm bài học trò bằng tai. Khi Cao Minh nhả chữ “hồn mùa ngây ngất trầm vương” trong “Bến xuân” là dừng lại, buông bút đỏ, nhìn ra. Ngoài vườn, hoa hồng trắng rung cánh thoảng hương trong gió đêm nhẹ nhàng. Có thể, ngay đêm trước tôi đã ôm ngực suốt mấy tiếng đồng hồ chống lại cái đau dội lên từ trái tim. Đã hơn 20 năm qua như thế.

Ở đây, trong không gian trường học, với riêng tôi, ba mùa đi qua chậm. Thiên hạ ngó vào, bên trên nhìn xuống, phía dưới nhìn lên. Cả một khoảng trời màu xám, tôi tự nhủ, vẫn phải tìm ra ánh sáng mặt trời. Của riêng mình. Một chút mặt trời trong nước lạnh. Như văn sĩ Pháp Francoise Sagan đã viết. Phải biết biến ngày lê thê thành mùa lễ hội. Tôi ngộ ra điều đó từ chị, người đàn bà đẹp tưởng chỉ có ở chốn phồn hoa, ngờ đâu lại hiện diện nơi quê nhà.

Chị có mặt ở đâu là ở đó không gian bỗng bừng sáng. Ánh sáng ở nụ cười trên gương mặt của người đàn bà gần chạm tuổi 60 mà như không tuổi. Ánh sáng còn tỏa ra ở chiếc áo dài chị mặc luôn tạo một nét đẹp rất mới, không bao giờ lặp lại. Những nguồn ánh sáng ấy luôn soi vào nhau, hòa trộn với nhau. Khi xuất hiện trước đám đông, bao giờ cũng là áo dài, chị luôn đem đến cảm giác hội hè cho những người bạn “chiều nay em ra phố về”.

Thành phố Thái Bình nhỏ như bàn tay, một tiếng thở dài ở đầu cầu Bo, khu Quang Trung còn nghe thấy thì những người trong giới ai cũng biết chị. Đó cũng là người đàn bà đam mê áo dài Việt nhất mà tôi biết. Người Thái Bình chúng tôi tự hào rằng có hai tỉnh Thái Bình. Một Thái Bình nằm trọn trong vòng ôm ngọt ngào của dòng sông Mẹ, tức sông Hồng (đi ra khỏi Thái Bình là phải qua sông) và Thái Bình thứ hai hòa tan trong 63 tỉnh thành còn lại. Ở nơi nào trên đất nước này, từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau mà không có người Thái Bình hỡi các bạn dấu yêu?

Nhân vật bài viết, Vũ Thị Tho
Nhân vật bài viết, Vũ Thị Tho

Người Thái Bình đi tới chân trời góc biển nào cũng mang theo quê hương của họ. Không phải chị Hai Năm Tấn như ai đó hằng nghĩ. Càng không phải chất lúa, chất quê như người ta vẫn lười nhác theo một lối phổ quan cũ. Tôi hoài vọng cái thị xã xưa, nay là thành phố ấy vì nhiều lý do. Nhưng rõ nhất: thành phố bé nhỏ này có chị. Ở đây, chị và thành phố như là một đồng dạng. Nửa bên kia là hội nhập, nửa bên này là bản lĩnh, là tâm thế kiên cường mang bản sắc. Dịu dàng, khiêm cung mà kiêu hãnh. Và đôi khi nghiêng xuống một mảnh tâm hồn hoàn toàn Việt. Tôi biết chị khi chị còn là nữ sinh khoa Văn của thủ phủ A7, nơi gốc nhãn cọc còi dưới chân ký túc xá của trường “Sư phạm Mẹ” ngước nhìn lên một khung trời viễn mộng. Chị học khóa 32 (1982-1986), trước tôi ba khóa. Lúc ấy tóc ngắn kiểu Sài Gòn 67, da căng nhẵn, mắt ngời sáng, chị là một bông hoa giữa rừng hoa. Tôi không biết gì về chị hơn là một hình ảnh đó. Chỉ tới sau này, khi đã bước ra đời sống, những lần đi chấm thi, chúng tôi gặp nhau, trong một không gian của những ngày oi ả hạ, lũ ve sầu còn ngân điệu ủ ê sốt ruột trên những tán cây chẳng đủ tỏa bóng mát sân trường. Chị vẫn là một bông hoa giữa rừng hoa. Đôi mắt to, khi ngước nhìn lên vừa tự tin vừa mang ấn tượng nghiêm khắc và khi cúi nhìn xuống thật nhân hậu, bao dung. Giữa muôn vàn sắc màu và kiểu dáng, chị thướt tha những bước đi thong thả rất hoàng cung với một phiến áo dài màu cẩm thạch. Người ta nói bây giờ chị đẹp hơn xưa, hơn cả thời tóc xõa vai mềm, chân bước đi xôn xao mà trái tim thiếu nữ đầy kiêu hãnh.

Về kênh yêu, chị ngừng phát sóng ở tập một và truyền hình trực tiếp ở tập hai. Tập một là ký, là kịch, là văn xuôi nhầm lẫn dấu câu, mở ngoặc đóng ngoặc lung tung và chẳng có xuống hàng. Tập hai là thơ, thơ trữ tình, thơ truyền thống mà cũng rất hiện đại. Anh Hạnh – chồng chị rất yêu thơ và chính anh là bài thơ đẹp nhất của chị rồi. Ở đâu và lúc nào họ cũng có nhau. Tôi đã thấy anh đến đón chị và hôn người đàn bà của đời mình ngay trên bậc cửa. Người đàn bà ấy vừa ôm gọn truyền thống vào lòng vừa nở nụ cười trẻ trung, hiện đại ra phía phố xá ngoài kia. Giữa những sắc màu xanh đỏ của váy áo, giữa những son phấn phù phiếm của phụ nữ đời thường, chất truyền thống của chị là “em rất thật em” lặng lẽ đan áo len, váy len cho mình, cho bạn bè khi “thu đã thật thu”. Vẻ truyền thống là tủ áo hơn 200 bộ áo dài Việt, chị gọi tên bốn mùa. Xuân cho màu ngọc bích đủ thanh nhã và sang trọng, hạ bùng cháy sắc đỏ tâm điểm của đám đông, thu nồng nàn màu hoàng cúc, đông kiêu hãnh những gam trầm. Và hoa văn của những sắc màu trên áo là tùy theo cung bậc cảm xúc. Anh góp vào chất truyền thống của chị bằng cách vẫn thích đọc báo giấy, vẫn trân quý từng dòng thư viết tay bằng bút mực, bút bi xưa, từng trang sách ố vàng màu thời gian cũ kỹ.

Vé vào đời không có màu đỏ mà là màu xanh. Người đàn bà với những bộ áo dài ấy cũng là người đàn bà của gia đình, chế biến những món ăn tuyệt khéo. Đã có đôi lần tôi ngồi nghe anh Hạnh đọc thơ và nhìn ngắm đám bạn bè váy áo của chị xúm xít quanh những chiếc túi xách đẹp mà trầm trồ. Ừ váy nào túi đó. Còn chị vào bếp thật nhanh với những món ngon đem ra chiêu đãi kịp thời. Rồi bạn bè của chị từ Hà Nội về, từ Sài Gòn kéo ra. Chỉ nhìn thấy đã xôn xao, muốn đi, muốn gặp... chị mang cả khung trời A7 xưa cùng bạn bè lớp cũ về Thái Bình tụ hội. Và anh Hạnh chị Tho đồng sáng tạo trong vai trò hướng dẫn viên cho những “khách du lịch” có xuất xứ hội tụ từ khu Đồng Xa, Dịch Vọng ngày trước, bây giờ đi thăm thú thành phố Thái Bình nhỏ bé và yên tĩnh. Anh đi với chị đến mọi không gian, từ hội thơ của thành phố đến hội Kiều học của Thái Bình. Không mượn diễn đàn để xuất bản tác phẩm như một số người, anh chị đến để nghe và ra về giữa lòng phố xôn xao gió, bạt ngàn xe cộ. Anh Hạnh và chị Tho luôn tay trong tay như thế đã nhiều năm.

Giới nghiên cứu khoa học đã khẳng định rằng: con người chúng ta thường chết khi 28 tuổi. Các vĩ nhân thường chết trẻ hơn thế nữa. Người bình thường chết từ năm 28 tuổi vì đó cũng là năm chúng ta giã từ những ước mơ, thỏa hiệp với đời cơm áo và “chuyển bến”. Từ năm 29 tuổi trở đi, chúng ta bắt đầu sống một đời sống khác. Đó là áo cơm, gia đình và  mọi trách nhiệm kéo chúng ta xuống sát mặt đất. Có bao giờ chúng ta ngẩng đầu lên, nhìn lên bầu trời, dẫu là để tìm “một chút mặt trời trong nước lạnh”?

Bây giờ, qua tuổi 55, chị làm cô giáo ở nhà. Hợp tác xã giáo dục để lại phía sau. Học trò tìm đến cô Tho để có điểm 9 môn Văn và tíu tít quanh người đàn bà đẹp. Thế là chả bao giờ biết hưu. Vẫn đan len, vẫn tung tăng mọi nẻo đường ngày cuối tuần hay mùa lễ hội. Lại áo dài chụp ảnh đăng Facebook.

Biết chị để hiểu. Phần chìm trong sâu thẳm, qua rất nhiều thăng trầm của đời sống, đủ để mỗi cá nhân thấu hơn là thấy những dư ảnh cuộc đời. Đó không chỉ là sự lựa chọn cách sống cho riêng mình mà còn là dám đấu tranh và đấu tranh đến cùng để bảo vệ cách sống ấy. Gần 30 năm trước, khi xung quanh còn tồn tại rất nhiều u mê và đồng phục trong cách nghĩ, người đàn bà dịu dàng và quyết liệt ấy đã phá tung hàng rào định kiến, bước ra vùng ánh sáng và tìm được hạnh phúc cho mình.

Khánh Văn

Chốn bừa bộn của bạn tôi

Chốn bừa bộn của bạn tôi

Rồi chị sẽ lại cầm cọ và khi vẽ, lòng nhẹ bởi bao ý nghĩ nỗi niềm cuốn siết lấy mình bỗng dần rời buông, cho chị những thảnh thơi hiếm có.