Một mùa Hạ đỏ lửa

Xứ mình, độ này đã được coi là mùa Thu (năm nay Tiết Lập thu rơi vào đúng ngày 9/8/2019 tức ngày 9 tháng Bảy âm lịch) nhưng ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, cuối tháng 8 vẫn còn là những ngày cuối cùng của mùa Hạ. Tính theo cách phân mùa khí tượng, mùa Hạ phương Tây bắt đầu vào ngày 1/6 và kết thúc vào ngày 31/8 mỗi năm. Và những ngày cuối Hạ này quả thật là những ngày “đỏ lửa” thực sự dù cho thế giới ta đang sống hôm nay biến động liên tục và khó lường.

Ngay từ những ngày đầu tiên của tháng Sáu, những ngày khởi đầu mùa Hạ, WMO (Tổ chức khí tượng thế giới) đã phải dùng ba tiếng “chưa từng thấy” để nói về những đám cháy ở phương Bắc. Được cho là có nguyên nhân từ sét, những đám cháy rừng xứ tuyết bắt đầu xảy ra ở nhiều khu vực cận Bắc cực.

Ở Nga, gần 20 khu vực trong tổng số 49 khu vực xảy ra nạn cháy khiến gió đưa khói bụi về cả Novosibirsk, thủ phủ của vùng Siberia. Còn ở Alaska, 400 vụ cháy đã được ghi nhận, gây thiệt hại tới 2,06 triệu héc ta.

Đám cháy dài ngày ở Sisimiut khiến khí hậu trở nên khô, nóng bất thường
Đám cháy dài ngày ở Sisimiut khiến khí hậu trở nên khô, nóng bất thường

Trong khi tại Greenland, đám cháy dài ngày ở Sisimiut đã khiến khí hậu trở nên khô, nóng bất thường và kéo theo hiện tượng băng tan. Ước tính, lượng băng tan ở Greenland mùa Hạ này lên tới 440 tỷ tấn và lượng nước ấy đủ sức nhấn cả một vùng rộng lớn như Hy Lạp hay bang Pennsylvania của Mỹ trong một trận lụt với cao độ nước lên tới 35 cm.

Đọc những con số thống kê ấy, anh Bèn tưởng tượng rằng giả sử có một quốc đảo nào đó bỗng dưng bị nước biển nhấn chìm chẳng hạn. Lúc đó, trong hoàn cảnh thảm họa ấy, dân cư của quốc đảo ấy sẽ di cư về đâu? Quốc gia nào sẽ mở cánh cửa để đón họ? Hay là khi đó sẽ có một thảm họa di cư khác kế tiếp thảm họa tự nhiên tưởng tượng kia? Loài người vốn dĩ đã ích kỷ, và cái ích kỷ ấy lại được cộng hưởng thêm dưới màu sắc của những chủ nghĩa kỳ dị kiểu như chủ nghĩa quốc gia, dân tộc cực đoan. Trong khi đó, từ nguyên sơ, con người được tạo ra trên mặt đất này vốn dĩ đã có quyền tự do dịch chuyển, lựa chọn nơi để sống cho dù họ có sống trong một quần thể như bộ lạc hay thị tộc đi chăng nữa.

Trong cái tưởng tượng miên man về sự biến mất của một vùng đất bởi một cơn hồng thủy bất ngờ, anh Bèn lòng vòng nhớ đến những trận “đỏ lửa” khác ở nước Mỹ. Không hiểu sao những vụ xả súng lại xảy ra với một mật độ dày đặc đến thế trong mùa Hạ này.

Chỉ ngay sau vụ xả súng ở siêu thị Walmart, El Paso, bang Texas, một loạt các vụ khác đã diễn ra đến mức anh Bèn không còn đủ kiên nhẫn để đánh số thứ tự chúng nữa. Vẫn biết là ở Mỹ không năm nào không xảy ra những vụ xả súng và chuyện đưa ra điều luật cấm sử dụng súng ở Mỹ là việc cực khó bởi nó gắn liền với một quyền hiến định của người dân kể từ những ngày lập quốc và sở hữu súng đã trở thành một thứ “văn hoá Mỹ” mà người ta khó có thể từ bỏ một sớm một chiều.

Ngoài ra, ở phía đối lập với tác hại (là các vụ xả súng điển hình), quyền sở hữu và sử dụng súng thực tế cũng mang lại những lợi ích nhất định cho công dân Mỹ nói riêng và nước Mỹ nói chung.

Tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng ở siêu thị Walmart.
Tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng ở siêu thị Walmart.

Thực tế, vụ ở El Paso nó khiến con người ta rúng động cũng bởi vì hậu quả nó để lại quá kinh khủng so với rất nhiều vụ khác chứ không phải vì xả súng là một hiện tượng lâu lắm mới xảy ra một lần. Đơn cử, từ ngày vụ El Paso (ngày 3/8) cho tới cuối tháng 8 thôi, trên khắp nước Mỹ có đến hơn 20 vụ xả súng khác với số thương vong dưới 10 người.

Song, có một điều rất kinh khủng là chỉ đúng một ngày sau khi xảy ra vụ xả súng ở El Paso thôi, ở Dayton, Ohio đã có một vụ khác với số nạn nhân cũng không hề thua kém (10 người chết, 27 người bị thương so với 22 người chết 24 người bị thương ở El Paso). Và cái kỳ lạ nhất của hai vụ thảm sát kế tiếp nhau này chính là dường như kẻ thủ ác vụ sau đã dùng hành vi tương tự để đáp trả lại kẻ thủ ác của vụ trước.

Tất cả, cuối cùng, đọng lại chỉ là hai chữ “thù hận” và dã man thay, cái thù hận ấy lại được trút lên chính những con người mà họ chưa từng quen biết, chưa từng liên quan, chưa từng dây dưa, dính dáng để đủ cho một mâu thuẫn nhỏ ra đời.

Nếu như thủ phạm của vụ El Paso, Patrick Crusius, là một thanh niên 21 tuổi có thái độ thù ghét rất nặng nề dành cho người Hispanic (gốc TBN) và người nhập cư thì ngược lại, Connor Stephen Betts, thủ phạm của vụ Dayton một ngày sau đó lại là một thanh niên có thiên hướng cực tả. Thậm chí, trước khi ra tay, Betts còn thể hiện thái độ ủng hộ những dòng twitter yêu cầu thắt chặt điều luật kiểm soát sử dụng súng, những dòng twitter lên án Patrick Crusius là kẻ khủng bố và cả những dòng twitter lên án chủ nghĩa “da trắng thượng đẳng”.

Bản thân Betts cũng là một người chống Donald Trump và ủng hộ đối thủ chính trị của Trump là bà Elizabeth Warren, một ứng viên tiềm năng trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ 2020. Vậy thì, phải chăng là đúng theo tinh thần cái câu “lấy lửa diệt lửa”, Betts đã chống lại thái độ hằn thù của Crusius bằng một thái độ hằn thù khác?

Trong nỗi băn khoăn khó có thể bao giờ dứt về sự hằn thù mà loài người đeo mang như một bản án, anh Bèn nghĩ về hình ảnh thoáng qua một lần mà đọng lại rất lâu từ một trang báo. Đó là một người đàn ông, có lẽ đã ở vào tuổi 60 tới 70, mặc chemise xanh và quần jeans, đang quỳ trước cây thập giá và những bông hoa tưởng niệm.

Người đàn ông ấy tên là Antonio Basco, có vợ là nạn nhân đã tử vong trong vụ xả súng ở El Paso. Vợ ông, bà Margie Reckard, đã không thể cùng ông đi đến tận cùng kế hoạch của họ. Antonio Basco đã lên mạng xã hội mời gọi mọi người tới dự tang lễ của vợ mình với một lý do rất đơn giản “vì tôi không còn một gia đình nào cả”.

Vụ xả súng El Paso đã tước đi người vợ, người thân duy nhất của Antonio Basco 
Vụ xả súng El Paso đã tước đi người vợ, người thân duy nhất của Antonio Basco 

Trong lời bộc bạch của mình, Antonio Basco đã nói rằng “Lần đầu tiên tôi gặp nàng, nàng như một thiên thần và tới giờ nàng vẫn là một thiên thần. Bạn không cần phải nói chuyện với nàng, chỉ cần nhìn nàng thôi, nhìn vào cái cách nàng thể hiện, bạn sẽ nhận ra điều đó. Lần đầu tôi gặp nàng, tình cảm đã nảy nở từ cái nhìn đầu tiên, và chúng tôi ở bên nhau từ đó. Kế hoạch của chúng tôi là sống cùng nhau trọn đời, và chết bên nhau”.

Tự dưng, anh Bèn thấy văng vẳng lời hát của Lê Uyên Phương ngày nào, một thứ mà có ai đó sẽ nói là sên sến nhưng rõ rệt nhất là nó hiện lên ở khoảnh khắc Basco nói về vợ mình. “Giấc mơ xưa khăn phủ vành sô. Có yêu nhau ngọt ngào tìm nhau. Chết bên nhau thật là hồn nhiên”. Cái mộng ước chết bên nhau, tưởng như là mộng ước lãng mạn của những kẻ mộng mơ kiểu Romeo và Juliet hoá ra lại không phải thứ mộng ước tầm thường và bình thường. Được sống bên nhau đã khó. Được chết bên nhau còn khó ngàn lần.

Và Basco cùng Reckard đã sống bên nhau 22 năm kể từ ngày cưới, nhưng bà ấy đã ra đi một mình, và tức tưởi, khi ông ấy “không còn một gia đình nào khác”. Cái “không gia đình” ấy không được lý giải, nhưng nó không phải là thứ “không gia đình” của Hector Malot. Và nhà tang lễ hạt Perches đã viết lên facebook của họ rằng “Ông ấy chẳng còn gia đình nào khác nữa. Hãy mang tới cho ông ấy và vợ ông ấy chút tình yêu-thương của El Paso”. Để rồi đã có hàng chục ngàn lượt chia sẻ cho dòng facebook giản đơn đó và cũng có rất nhiều người lạ đã đến đưa tiễn Reckard, đến để mang theo tình yêu-thương El Paso (El Paso Love), thứ vũ khí duy nhất có thể chống lại hận thù.

Và khi dòng người cúi đầu trong những lễ tang của những nạn nhân El Paso thì thủ phạm Patrick Crusius đã khai với cảnh sát rằng hắn chỉ muốn nhắm vào người Mễ Tây Cơ. Anh Bèn bỗng dưng liên hệ điều đó tới rất nhiều vụ xung đột giữa công dân Mỹ với người Mễ nhập cư suốt thời gian qua.

Xung đột kiểu đó dày đặc hơn kể từ khi ông Trump lên làm tổng thống Mỹ và liệu rằng, có tác động nào giữa chính sách của ông với những hành vi đó hay không? Không hiểu, không biết, anh Bèn không dám nói bởi anh Bèn chỉ ở một góc này thôi, làm sao thấu nổi những gì xảy ra ở trời Âu, xứ Mỹ.

Nhưng cũng chỉ ở những ngày giữa mùa Hạ này thôi, rất nhiều kênh truyền thông đã đưa hình ảnh ấn tượng ở biên giới Mỹ - Mexico. Đó là những chiếc bập bênh, màu HỒNG, xuyên giữa hàng rào biên giới hai nước. Một đầu bập bênh là Mỹ, một đầu còn lại là Mexico và tờ Daily Mail đã giật cái tít rất thú vị rằng “Giờ chơi không biên giới”. Những chiếc bập bênh HỒNG ấy là tác phẩm của những nghệ sỹ với thông điệp đưa ra rất rõ ràng là giữa trẻ em với nhau thì không hề có biên giới, không có rào cản, kể cả thứ rào cản tự nhiên nhất là ngôn ngữ nói.

Nhưng có lẽ, ý nghĩa lớn nhất của những chiếc bập bênh phải nằm ở chỗ một hành động ở phía Mỹ (hoặc Mexico) sẽ lập tức tạo ra hệ quả của nó ở phía ngược lại. Không hiểu, những chính trị gia, đặc biệt là những chính trị gia có tầm vóc quyết định bàn cờ toàn cầu, có nhận ra bài học ấy? Và mỉa mai thay, Donald Trump lại là người được coi là ứng cử viên cho Nobel Hòa bình, nếu như ông và Kim Jong Un gần nhau hơn nữa để giải quyết đẹp đẽ vấn đề của bán đảo Triều Tiên.

Nhắc đến Á châu, anh Bèn vẫn phải quay về Hong Kong, nơi cái nhiệt của mùa Hạ vẫn còn kéo dài với những cuộc biểu tình, tuần hành không dứt. Thậm chí, đã có những đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát nổi chìm đủ cả. Người Hong Kong đòi hỏi gì, có lẽ chúng ta cũng đã rõ qua những gì báo chí viết. Nhưng có lẽ, người Hong Kong không chỉ đòi hỏi xoay quanh dự luật dẫn độ đơn thuần khi họ dâng cao biểu ngữ “hãy để Hong Kong là Hong Kong”. Họ không muốn thuộc về một nơi họ cảm thấy không thể thuộc về bằng tư tưởng, văn hoá và lý trí.

Biểu tình ở Hong Kong
Biểu tình ở Hong Kong

Chính quyền Bắc Kinh thậm chí đã điều quân đội đến sát bên Hong Kong, như một động thái để hù dọa. Nhưng nó chỉ khiến loài người rợn mình nhớ đến Thiên An Môn mà thôi và nếu họ biến Hong Kong thành một Thiên An Môn thứ hai, họ sẽ mất hết trong khi thực tế, họ lại đang muốn được rất nhiều. Câu chuyện Hong Kong bao giờ mới có thể kết thúc? Khó ai có thể trả lời câu hỏi đó bởi bản chất của biểu tình Hong Kong khác rất xa các cuộc biểu tình trên thế giới ở thời đại này mà đơn cử là của những người jaune gillets ở Pháp.

Song, đọng lại từ câu chuyện mùa Hạ đỏ lửa ở Hong Kong hôm nay là một điểm sáng đáng chú ý nhất: CEO của Cathay Pacific. Ông, Rupert Hogg, khi được phía Trung Quốc yêu cầu cung cấp danh tính của những nhân viên Cathay Pacific đã nghỉ việc để đi biểu tình, đã đơn giản nộp một tờ giấy với duy nhất một cái tên: Tên của chính mình. Và sau đó, ông nộp đơn xin từ

Hành động tất nhiên là khác, bản chất sự việc tất nhiên là khác, bối cảnh cũng tất nhiên là khác, nhưng Rupert Hogg cứ làm anh Bèn nghĩ đến bộ phim có tên “Danh sách của Schindler”. Có những cái tên như vô vàn cái tên khác trong đời sống này, nhưng chính người sống dưới cái tên ấy đã khiến nó có ý nghĩa vô cùng, chỉ bằng một hành động, đặc biệt là hành động ấy đến từ yêu-thương và vượt qua nỗi sợ hãi trong thời đại của những hận thù.

Và thời đại chúng ta đang sống, thời đại mà ở giữa mùa Hạ đỏ lửa này, trong một đám cưới ở thủ đô Kabul, một kẻ vô danh nào đó đã ôm bom bước chân vào hôn trường để giật tung quả bom khiến 63 người chết, cái hận thù có khác gì với thời đại của cuộc thế chiến thứ II hay không? Anh Bèn chỉ biết mượn lời của Đức Giáo hoàng Francis trên tờ Stampa số ra đúng ngày 9/8 vừa rồi để trả lời.

Vâng, hôm ấy, giữa mùa Hạ đỏ lửa 2019, ngài cảnh tỉnh rằng “Tôi thực sự âu lo về chủ nghĩa quốc gia và dân tộc bởi những điều chúng ta được nghe hôm nay rất tương đồng với những gì Hitler đã nói năm 1934”.

Anh Bèn

Những vụ cháy rừng lớn trên thế giới trong thời gian qua

Những vụ cháy rừng lớn trên thế giới trong thời gian qua

Rừng nhiệt đới Amazon không phải là "nạn nhân" duy nhất của các cuộc hỏa hoạn. Cùng nhìn lại các vụ cháy rừng lớn trên thế giới trong thời gian gần đây.