Một người ở TP. HCM trốn cách ly đi thăm người thân

Lực lượng chức năng phát hiện một trường hợp vi phạm quy định cách ly đã di chuyển đến phà Cát Lái để thăm người thân.

Ngày 8/1, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết bộ đội biên phòng tại cảng Cát Lái TP.HCM đã phát hiện một trường hợp vi phạm quy định cách ly đã đi xe máy đến phà Cát Lái và thuê ghe chở để di chuyển đến thăm người thân là thuyền viên trên tàu đang neo đậu tại cảng, theo Zing.

Qua công tác điều tra, lực lượng chức năng cho biết, đây là tàu chở hàng đi từ Philipines đến cảng Cát Lái vào ngày 31/12/2020. 

Lực lượng chức năng đã nhanh chóng đưa trường hợp trên đến cách ly tập trung đủ 14 ngày tại quận 9 và lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời, thuyền viên tiếp xúc với người này cũng được lấy mẫu xét nghiệm. Hiện cả hai có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Bộ đội biên phòng đã tìm ra người lái ghe và đang điều tra, xử lý theo quy định. Thuyền trưởng tàu chở hàng trên cũng bị xử lý vì vi phạm quy định cách ly đã ký cam kết. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Qua trường hợp trên cho thấy, việc kiểm tra, giám sát quy định phòng chống dịch tại các cảng biển cần được thực hiện chặt chẽ hơn. 

HCDC khuyến cáo tình hình COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam luôn hiện hữu từ những người nhập cảnh.

Đối với đường biển, theo quy định hiện nay, thuyền viên trên tàu từ nước ngoài nhập cảng không được lên bờ. Không cho phép người trên bờ tiếp xúc với thuyền viên trên tàu. Việc xếp dỡ hàng hóa chủ yếu được thực hiện cơ giới hóa. Nếu công nhân ở bờ có lên tàu làm việc thì phải được cấp phép của bộ đội biên phòng, phải mặc đồ bảo hộ phòng dịch và không được phép tiếp xúc với thuyền viên. Bộ đội biên phòng được phân công giám sát quy định này.

Mức phạt với hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP được quy định như sau:

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

  • Không tổ chức cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
  • Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu…

Theo khoản 1 Công văn 45/TANDTC-PC, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.

Cụ thể, mức phạt áp dụng cho người không tuân thủ cách ly làm lây lan dịch bệnh theo quy định của Điều 240 là phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 - 05 năm.

Ngoài ra, tùy thuộc vào hậu quả của hành vi trốn cách ly , người phạm tội có thể bị phạt tù từ 05 - 10 năm khi dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết 01 người.

Trường hợp dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 10 - 12 năm.

Hình phạt bổ sung của tội này là phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

Lưu ý: Nếu bị xử lý hình sự, Cơ quan có thẩm quyền tố tụng là Tòa án sẽ dựa trên các quy định của pháp luật để đưa ra hình phạt phù hợp.

(Tổng hợp)

HOÀNG ANH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương