Một tỉnh ở Việt Nam ghi nhận nhiệt độ nóng kỷ lục tới 42 độ C, cảnh báo rủi ro thiên tai do nắng nóng cấp 1

Tại trạm Yên Châu, Sơn La đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất ngày lên tới 42,2 độ C - nhiệt độ cao kỷ lục từ đầu mùa nắng cho đến nay.

Mới đây vào ngày 14/4, theo thông tin từ VTV, tại trạm Yên Châu, Sơn La đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất ngày lên tới 42,2 độ C. Đây là ngày nắng nóng nhất kể từ đầu mùa nắng đến nay. Ngày 14/4 cũng trở thành ngày có nhiệt độ cao thứ 2 trong tháng 4 tại khu vực này, chỉ kém mức nhiệt lịch sử tháng 4 năm ngoái 0,2 độ C. Biến đổi khí hậu đang khiến thời tiết ở nơi đây ngày một nóng hơn. 

Chưa đầy 1 thập kỷ, các giá trị lịch sử trong tháng 4 liên tiếp bị xô đổ. Tháng 4 nóng nhất trong lịch sử xuất hiện vào năm 2023 (42,4 độ C), năm nóng thứ 3 là năm 2019 (41,4 độ C), năm nóng thứ 4 là năm 2017 (41 độ C).

Yên Châu, Sơn La là 1 trong những tâm nóng ở miền Bắc. Nguyên nhân là địa hình lòng chảo, núi cao khiến hiệu ứng gió phơn hoạt động mạnh. Gió tây nam từ vùng thấp phía Tây thổi qua các dãy núi trở thành gió khô nóng. Cộng với địa chất nhiều đá vôi hấp thụ nhiệt, càng làm cho không khí trở nên nóng rát và nhiệt độ tăng cao.

Ngoài Yên Châu, trong ngày 14/4, một số nơi khác cũng có nhiệt độ cao trên 40 độ như Sông Mã (Sơn La) 41 độ C, Mường Lay (Điện Biên) 40 độ C, Tương Dương (Nghệ An) 40,3 độ C. Dự báo nắng nóng ở Tây Bắc Bộ và miền Trung sẽ còn gia tăng cường độ và kéo dài, ít nhất là đến cuối tuần tới.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Vào ngày 15/4, khu vực Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình; khu vực vùng núi phía Tây của Bắc Trung Bộ và khu vực Trung Trung Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 38 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-50%. Khu vực Nam Trung Bộ có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trên 35 độ.

Ngày 16/4, khu vực Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ, có nơi trên 39 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 35-40%. Khu vực Lào Cai, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 38 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 40-45%.

Ngày 15-16/04, khu vực Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ, có nơi trên 38 độ, độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-45%; khu vực Tây Nguyên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-45%.

Cùng với đó, Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia cũng cảnh báo. do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.  

Nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định trong một tháng tới, áp thấp nóng phía tây hoạt động mạnh dần, nắng nóng diễn ra nhiều hơn tại Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ.

Mùa mưa ở Tây Nguyên - Nam Bộ chưa có dấu hiệu bắt đầu. Khu vực này sẽ còn xuất hiện nhiều ngày nắng nóng.

Nhiệt độ trung bình cả nước cao hơn trung bình nhiều năm từ 1 - 2 độ C, riêng phía Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có nơi cao hơn từ 2 - 3 độ C.

Lượng mưa có thể thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 40mm. Đặc biệt, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến thấp hơn từ 40 - 80mm.

PV (t/h)

Chung nỗi khổ với miền Bắc Việt Nam, người dân Hong Kong (Trung Quốc) cũng than ngắn thở dài với 'quái vật thời tiết' đáng sợ: Nồm ẩm

Chung nỗi khổ với miền Bắc Việt Nam, người dân Hong Kong (Trung Quốc) cũng than ngắn thở dài với "quái vật thời tiết" đáng sợ: Nồm ẩm

Không chỉ có miền Bắc Việt Nam hứng chịu sự hoành hành của "quái vật thời tiết" nồm, mà Hong Kong (Trung Quốc) cũng vậy.