Mỹ phản đối trước mắt bằng việc Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 27/5 không xác nhận Hong Kong có "quyền tự chủ cao", một quyết định có thể mở đường cho các biện pháp trừng phạt, như rút "quy chế thương mại đặc biệt" của Hong Kong.
Thị trường chứng khoán Hong Kong liên tục sụt giảm những ngày qua, sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh mới tại đặc khu này. |
Bà Elizabeth Economy, Giám đốc nghiên cứu về châu Á của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho rằng "chúng ta sẽ thấy hồi kết của Hong Kong với tư cách là một trung tâm tài chính ngang hàng với New York và London. Cá nhân tôi nghĩ rằng đó là điều mà Bắc Kinh sẵn sàng hy sinh".
Khi trả lời phỏng vấn báo South China Morning Post, giới chuyên gia Mỹ nhận định nếu Washington rút "quy chế thương mại đặc biệt" của Hong Kong, chính các doanh nghiệp Mỹ tại đặc khu và người dân Hong Kong sẽ chịu thiệt hơn chính quyền Trung Quốc đại lục.
Nhà nghiên cứu Nicholas Lardy đặt câu hỏi: Tại sao Mỹ muốn trừng phạt người dân Hong Kong vì những việc làm của chính phủ Bắc Kinh? Theo ông, quyết định trừng phạt Trung Quốc “sẽ tác động vô cùng tiêu cực đến các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Hong Kong” và đến người dân ở đặc khu hành chính.
Tương tự, Richard Bush, thành viên của cơ quan tư vấn Brookings Institution, cũng cho rằng chính "người dân Hong Kong sẽ bị tác hại về nhiều mặt" và càng cho Bắc Kinh có cớ để cáo buộc Mỹ can thiệp vào nội tình Hong Kong.
Theo giới phân tích, tùy theo cấp độ nghiêm trọng trong các biện pháp trừng phạt của Washington, khoảng 1.200 doanh nghiệp Mỹ tại Hong Kong sẽ phải đối mặt với những điều kiện thương mại khó khăn hơn, hoặc chi phí cho khả năng dời trụ sở, cũng như nguy cơ các nhà lãnh đạo bị đưa sang Trung Quốc đại lục mà không cần tuân thủ luật của đặc khu hành chính.