Nên bỏ đi hình thức trao giấy khen để không còn học sinh nào phải bị tổn thương

Theo kiến nghị của giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, Bộ GD&ĐT nên bỏ đi hình thức trao giấy khen để không còn học sinh nào phải bị tổn thương.

Mới đây một bức ảnh về lớp học có các em học sinh được nhận giấy khen nhưng chỉ duy nhất một em thì không có giấy khen được lan truyền rộng rãi trên MXH, từ đó làm nổ ra một cuộc tranh cãi gay gắt và khiến nhiều chuyên gia, giáo viên không khỏi băn khoăn, trăn trở. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT - khẳng định: “Bức ảnh nếu có thật, giáo viên đang làm sai hướng dẫn và sai quan điểm của Bộ GD&ĐT trong đánh giá học sinh. Đó là không được so sánh học sinh này với học sinh khác". 

Nhà trường không nên phê bình, nhắc nhở mà cần gặp riêng vì đây là độ tuổi khá nhạy cảm, và quan trọng là hành động này thể hiện nghiệp vụ, lương tâm nghề nghiệp của giáo viên.

Bức ảnh cả lớp được nhận giấy khen còn 1 em thì không lan truyền MXH. 
Bức ảnh cả lớp được nhận giấy khen còn 1 em thì không lan truyền MXH. 

Ông Tài cũng cho biết không chỉ có giấy khen mà còn nhiều hình thức khác để động viên, khích lệ, biểu dương thành tích học tập của các em. Việc lạm dụng giấy khen hay khen thưởng không đúng thực tế đã được Bộ GD&ĐT quan tâm chỉ đạo để có điều chỉnh.

Theo ông Tài, cách tiếp cận đánh giá học sinh như thời gian vừa qua sẽ được thực hiện mạnh mẽ hơn. Bộ GD&ĐT cũng đang dự thảo thông tư mới về đánh giá học sinh tiểu học. Hình thức khen thưởng trong dự thảo thông tư này nhận được nhiều ý kiến đồng thuận.

Sau khi chứng kiến bức ảnh nam sinh không được nhận giấy khen trong khi cả lớp đều có,  PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp, khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, đã có thư ngỏ gửi đến em học sinh này. 

Trong thư ông bày tỏ sự ngạc nhiên, nếu bức ảnh đó là thật thì chứng minh nhà trường chưa làm cho học sinh học giỏi theo đúng nghĩa thực chất. Ông mong em nam sinh không mang tâm lý tự ti hay so sánh mình với những bạn được giấy khen, mà nên cố gắng, chăm chỉ trong năm học tới.

"Em cũng nên nói với cha mẹ rằng cha mẹ đừng buồn phiền, lo lắng khi em không có giấy khen. Hãy hứa với cha mẹ em sẽ cố gắng học tập tốt, nhưng không phải vì tờ giấy khen", ông nhắn nhủ.

TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng trẻ không cần giấy khen mà là chứng nhận đã hoàn thành năm học bằng các hình thức như album ảnh, thư viết tay của giáo viên, ấn tượng của giáo viên về các em học sinh hoặc lời nhắc nhở cần cố gắng hơn. 

Bà Hương nhận định, việc trao giấy khen cho các em học sinh tiểu học ngày càng mất đi ý nghĩ, nhiều trẻ còn cảm thấy không thích nhưng nếu không được nhận thì sẽ bị tự ti, tổn thương. Bà Hương cho rằng, giấy khén đã là vật lỗi thời của giáo dục tiểu học sau khi Thông tư 22 được áp dụng. 

"Ngày xưa, trẻ cá biệt chỉ có cô giáo biết, bạn học có thể cũng 'hơi hơi biết', thì ngày nay, cả thế giới tỏ tường thông qua những bức ảnh chụp lớp nhận giấy khen đăng trên mạng xã hội. Trẻ bị cho là cá biệt, khi không được cầm mảnh giấy to như tờ A4 mà các bạn đều có. Bị phơi bày mọi thứ khiến các em mất hết sự thoải mái, vui vẻ và biến ngày tổng kết thành ngày đen tối", bà Hương nói.

Theo kiến nghị của bà Hương, Bộ GD&ĐT nên bỏ đi hình thức này để không còn học sinh nào phải tổn thương như thế.

Thanh Mai

Nhiều trẻ ở Hà Nội nhập viện vì xuất hiện triệu chứng của bệnh tay chân miệng

Nhiều trẻ ở Hà Nội nhập viện vì xuất hiện triệu chứng của bệnh tay chân miệng

Theo khuyến cáo của bác sĩ Quý, cần hết sức đề phòng để không xảy ra đợt dịch tương tự năm 2013.