Vào ngày 7/3, trên trang web đảng Nước Nga Thống nhất, Thư ký Hội đồng chung của đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền, ông Andrei Turchak đã đề xuất quốc hữu hoá các nhà máy của các công ty ngừng hoạt động tại nước này, cho rằng việc ngừng hoạt động này là "cuộc chiến" chống lại công dân Nga.
Ông Turchak cho biết: "Chúng tôi sẽ không khoan nhượng và chúng tôi sẽ bảo vệ người dân của mình. Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa cứng rắn, hành động phù hợp với quy luật chiến tranh". Trong thông báo mới ngày 9/3, Đảng Nước Nga Thống nhất cũng bổ sung rằng ủy ban về hoạt động xây dựng luật hiện đang ủng hộ một dự luật cho phép các công ty có hơn 25% vốn do người nước ngoài sở hữu từ "các quốc gia không thân thiện" sẽ bị đưa vào quản lý tài sản bên ngoài để “ngăn chặn phá sản và ngăn tác động tới thị trường việc làm”.
Theo dự luật được đề xuất, các công ty đã thông báo rời khỏi Nga có thể từ chối thi hành quốc hữu hoá tài sản nếu trong vòng 5 ngày họ tiếp tục hoạt động hoặc bán cổ phần, với điều kiện doanh nghiệp và nhân viên vẫn ở lại. Nếu không, một tòa án sẽ chỉ định một cơ quan quản lý tạm thời trong ba tháng, sau đó cổ phần của tổ chức mới sẽ được đưa ra đấu giá và tổ chức cũ sẽ được thanh lý.
Kể từ thời điểm Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine, nhiều công ty và tập đoàn phương Tây đã tuyên bố tạm ngừng hoạt động hoặc hoàn toàn rút khỏi việc làm ăn với quốc gia này để hưởng ứng các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây, đồng thời phản đối chiến tranh.
Trong số đó, một số công ty đã tuyên bố cắt đứt hoàn toàn quan hệ làm ăn với Nga bao gồm các công ty dầu khí BP, Shell, Exxon Mobil. Tính tới thời điểm hiện tại, hơn 200 doanh nghiệp nước ngoài đã ngưng hoạt động tại Nga, chủ yếu là trong lĩnh vực tài chính và năng lượng. Trong một diễn biến mới nhất, các công ty dịch vụ và hàng tiêu dùng như Nestle (NESN.S), Philip Morris (PM.N) và nhà sản xuất trò chơi điện tử Sony (6758.T) đã tham gia vào danh sách các công ty đa quốc gia rút lui khỏi Nga.
Trước đó 1 ngày, McDonald’s – gã khổng lồ thức ăn nhanh có tới 850 địa điểm ở Nga – đã tuyên bố sẽ ngừng làm ăn tại đây, dù việc này khiến hãng tiêu tốn khoảng 50 triệu USD mỗi tháng cho đến khi mở lại các nhà hàng.
Các công ty nhà hàng khác của Mỹ, bao gồm Starbucks, Yum Brands và Papa John’s, cũng như công ty nước giải khát Coca-Cola cũng tuyên bố sẽ ngưng hoạt động tại Nga.
Ngày 9/3, Đảng cầm quyền của Nga cho biết một uỷ ban chính phủ đã phê duyệt bước đầu tiên hướng tới việc quốc hữu hóa tài sản của các công ty nước ngoài rời khỏi đất nước sau các lệnh trừng phạt kinh tế.
Tổng Hợp