Ngành thép rơi vào chu kỳ đi xuống, hàng loạt doanh nghiệp báo lỗ

Ngành thép đang rơi vào giai đoạn rất khó khăn của chu kỳ đi xuống, những bất ổn địa chính trị trên thế giới đi kèm với tình hình suy thoái toàn cầu, khiến bức tranh kinh doanh chung xám màu.

Bức tranh kinh doanh quý 3/2022 đã cho thấy các doanh nghiệp ngành thép đã khó khăn trong suốt giai đoạn vừa qua, đúng như lời của tỷ phú Trần Đình Long nói hồi tháng 4 năm nay.

"Mọi người sẽ thấy kết quả kinh doanh thê thảm như thế nào vì ngành thép không thuận lợi", lời chia sẻ của ông Trần Đình Long, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra hồi tháng 4.

Cụ thể, quý 3, Thép Vicasa - Vnsteel (VCA) đạt doanh thu hơn 477 tỷ đồng và lỗ gộp 9,9 tỷ đồng. Sản lượng tiêu thụ và giá thép đồng loạt giảm là nguyên nhân dẫn tới kết quả ảm đạm này. Trong kỳ, nhiều khoản chi phí tăng mạnh, với chi phí tài chính tăng 44%, chi phí bán hàng hàng tăng 108%.

Sau cùng, doanh nghiệp thép này báo lỗ ròng 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 2 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ nặng nhất của Công ty kể từ năm 2009. Kết quả ảm đạm của quý 3 khiến VCA lỗ ròng 13 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ lãi 42 tỷ đồng.

Ngành thép rơi vào chu kỳ đi xuống, hàng loạt doanh nghiệp báo lỗ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

"Ảnh hưởng chiến tranh giữa Nga và Ukraina, chính sách zero-COVID của Trung Quốc và tình hình lạm phát toàn cầu tác động đến ngành thép, xây dựng trong nước. Bên cạnh đó, ngân hàng siết room tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản làm giảm nhu cầu sử dụng thép", ông Huỳnh Công Du, Tổng Giám đốc Thép Vicasa, lý giải về nguyên nhân doanh nghiệp thua lỗ.

Trong khi đó, Thép Thủ Đức - VNSteel (TDS) cũng chìm đắm trong thua lỗ do lượng tiêu thụ ảm đạm cùng với tồn kho giá cao. Công ty ghi nhận doanh thu thuần quý 3 đạt 412 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế gần 22 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức lỗ 643 triệu đồng cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý thua lỗ nhiều nhất của Công ty kể từ khi cổ phần hoá (năm 2008).

Cả Thép Vicasa và Thép Thủ Đức đều có điểm chung là hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản, với tỉ lệ lần lượt là 71% (377 tỷ đồng) và 85% (420 tỷ đồng). Cả hai doanh nghiệp cũng phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho với số tiền 3,3 tỷ đồng và 7,5 tỷ đồng.

Gang Thép Thái Nguyên (Tisco, TIS) cũng có kết quả kinh doanh quý 3 ảm đạm khi ghi nhận doanh thu thuần hơn 2.600 tỷ đồng và lãi gộp 45 tỷ đồng, giảm lần lượt 15% và 76% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ, sản lượng tiêu thụ của Tisco giảm mạnh còn 21.895 tấn tương ứng giảm 11,4% so với cùng kỳ. Sản lượng giảm cùng với giá bán thép giảm đã kéo biên lợi nhuận của Tisco chỉ còn 1,7% trong quý 3 vừa qua trong khi đó cùng kỳ năm ngoái là 6%.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh, Tisco báo lỗ sau thuế 25 tỷ đồng trong khi năm ngoái lãi 10 tỷ đồng. Nếu không tính tới khoản thu nhập khác, công ty này đã lỗ hơn 38 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh thép. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần hơn 9.500 tỷ đồng và lãi ròng 7 tỷ đồng, giảm tương ứng 1% và 93% so với cùng kỳ.

Mặc dù không đến mức thua lỗ nhưng Thép Mê Lin (MEL) cũng báo lãi tiêu biến chỉ còn 964 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 18,7 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, Thép Mê Lin báo lãi 13,2 tỷ đồng trong khi năm ngoái con số này là 57,5 tỷ đồng.

Gần đây Thép Pomina (POM) vừa phải thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao (BF), đồng thời phải chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên.

Ban lãnh đạo Thép Pomina cho biết, doanh nghiệp đã bị thiệt hại nặng do các tác động tiêu cực từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina đã đẩy giá dầu cùng các loại hàng hóa leo thang, trong khi giá trị các sản phẩm từ thép, phôi thép lại giảm mạnh. Điều này cũng cho thấy doanh nghiệp có thể ghi nhận kết quả không mấy tốt đẹp.

Công ty đầu ngành như Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng không tránh khỏi chu kỳ đi xuống. Báo cáo bán hàng giai đoạn tháng 7-9 chỉ đạt 1,71 triệu tấn thành phẩm, thấp hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hòa Phát lý giải nhu cầu thị trường chung thấp trong tháng 9, kết hợp với mưa bão diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ thép xây dựng gặp khó khăn.

Theo một ước tính sơ bộ của SSI Research, lợi nhuận của Hòa Phát trong kỳ này có thể đạt khoảng 2.100 tỷ đồng, giảm 80% so với mức đỉnh của quý III/2021 do giá bán thép giảm và giá than cốc đầu vào tăng cao, cùng một khoản lỗ chênh lệch tỷ giá.

Thực tế, ngành thép đang rơi vào giai đoạn rất khó khăn của chu kỳ đi xuống, những bất ổn địa chính trị trên thế giới đi kèm với tình hình suy thoái toàn cầu khiến bức tranh kinh doanh chung xám màu.

Số liệu từ Hiệp hội thép Việt Nam cho thấy sản lượng sản xuất tháng 9 vẫn tăng gần 2% nhưng sản lượng bán hàng lại sụt giảm gần 10% so với cùng kỳ. Điều đó càng làm tăng chênh lệch cung cầu và cạnh tranh khốc liệt hơn, theo Zing.

Tổng lượng bán hàng trong 3 quý đầu năm ghi nhận hơn 23,25 tấn thành phẩm sản xuất, giảm gần 5,1% so với cùng kỳ. Trong khi sản lượng bán hàng đạt gần 21,3 triệu tấn, giảm hơn 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chuyên gia của S&P Global dự báo giá thép châu Á khó bứt phá trong quý IV/2022 do nhu cầu thấp và chi phí năng lượng tăng cao. Đặc biệt, nhu cầu thép từ các lĩnh vực bất động sản và sản xuất của Trung Quốc, thị trường trọng điểm trong khu vực, vẫn yếu cho đến cuối năm bất chấp có một số hỗ trợ.

(Tổng hợp)

AN LY