Ngay khi thấy bác hàng xóm sang xông nhà, con tôi buột miệng nói 1 câu khiến bố mẹ tái mặt, mới đầu xuân đã phải rối rít xin lỗi

Tình huống bất ngờ khiến cả chủ cả khách đều ngượng chín mặt.

Tết đến xuân về là dịp vui nhất trong năm. Đây là dịp gia đình quây quần, đoàn viên, mọi người gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, dịp vui có thể mất vui nếu như người lớn không chú ý dạy trẻ những phép tắc cư xử.

Một phụ huynh tên M. (Nam Định) chia sẻ, gia đình chị đã bị một pha muối mặt ngay dịp đầu năm mới vì câu nói buột miệng của con trai. Chuyện là đêm giao thừa năm nay, vợ chồng chị M. nhờ anh hàng xóm tên Th. sang xông nhà giúp vì hợp tuổi. Chẳng ngờ ngay khi thấy bác hàng xóm vào nhà chơi, con trai chị liền buột miệng nói: "Ôi bác này mừng tuổi có 20 nghìn, thế là dông cả năm, bị mừng tuổi ít mất rồi".

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Câu nói của con khiến cả vợ chồng chị M. và hàng xóm đều tái mặt, ngượng nghịu. Chị vội rối rít xin lỗi bác Th. còn người hàng xóm cũng rút 100 nghìn ra nói chữa ngượng: "Thế năm nay bác mừng hẳn 100 nghìn để lấy vía cho Tôm (con trai chị M.) được mừng tuổi nhiều nhé". Dù sau đó, hai bên đều nói cười liên tục với nhau nhưng bầu không khí ngượng ngùng thấy rõ.

Thực tế, chuyện trẻ nhỏ so đo tiền lì xì, hoặc mở phong bao ngay trước mặt khách để xem được mừng bao nhiêu tiền không phải là chuyện hiếm. Từng có rất nhiều phụ huynh rơi phải tình cảnh muối mặt này. Để tránh tình cảnh khó xử ngày đầu năm, cha mẹ cần ghi nhớ, dạy con kỹ những điều sau:

Hãy dạy con sự tích và ý nghĩa của tục lì xì đầu năm mới

Lì xì là phong tục có từ rất lâu đời của người Á Đông, tượng trưng cho sự may mắn và tài lộc. Tục này bắt nguồn từ Trung Quốc. Tương truyền ở Đồng Hải xưa kia có một cây đào to, gốc cây là nơi trú ngụ của rất nhiều yêu quái. Chúng luôn muốn ra ngoài để gây hại nhưng luôn bị các thần tiên ở hạ giới canh giữ nên không thể thoát ra ngoài.

Tuy nhiên hàng năm các vị thần tiên đều phải về trời vào giao thừa. Điều này khiến yêu quái lộng hành, quấy rối giấc ngủ của trẻ em, khiến trẻ giật mình khóc thóc thét và bị sốt. Bố mẹ vì thế luôn phải thức cả đêm để canh giữ cho con.

Một lần có 8 vị tiên đi ngang qua nhà nọ, thấy tình cảnh liền hóa thành những đồng tiền nằm bên chỗ mấy đứa trẻ, cha mẹ chúng cũng đem gói những đồng tiền này vào tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái. Phép lạ này nhanh chóng lan truyền ra khắp nhân gian. Từ đó mỗi dịp Tết, người ta lại bỏ tiền vào trong những cái túi màu đỏ tặng trẻ con, để trẻ chóng lớn và khỏe mạnh hơn. Dần dần điều này hình thành nên tục lì xì đầu năm.

Phong bao lì xì mang rất nhiều ý nghĩa sâu xa và tốt đẹp. Phong bao là tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua, để tránh dẫn đến những xích mích không đáng có. Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm. Ngoài ra, đó cũng được coi là màu của niềm hy vọng và sự may mắn. 

Số tiền trong mỗi bao lì xì dù ít hay nhiều đều được coi là món quà tinh thần trong dịp đầu năm mới, có ý nghĩa biểu trưng cho một năm mới tốt đẹp và sung túc. Ý nghĩa của một chiếc bao lì xì không nằm ở số lượng là bao nhiêu mà chính là ở những thông điệp mà nó muốn gửi gắm tới người được nhận.

Dạy con biết cảm ơn khi nhận được tiền lì xì

Sau khi đã dạy con biết được ý nghĩa tục lì xì ngày Tết, bố mẹ cần dạy con cách ứng xử đúng đắn. Khi được lì xì, trẻ cần phải thể hiện sự biết ơn và lễ phép, đưa 2 tay ra nhận, sau đó nói lời cảm ơn. Cha mẹ có thể làm mẫu để trẻ tập theo những động tác đơn giản như đưa hai tay nhận lấy, khoanh tay nói lời cám ơn, gửi lời chúc sức khỏe, may mắn… Một đứa trẻ ngoan, biết cảm ơn chắc chắn sẽ khiến người lớn cảm thấy vui vẻ trong những ngày đầu xuân năm mới.

Dạy trẻ tuyệt đối không mở phong bao lì xì trước mặt khách

Trẻ nhỏ vì tò mò nên nhiều khi vô tư mở phong bao lì xì trước mặt. Không chỉ vậy nhiều trẻ còn ngơ ngác hỏi: "Sao chú/bác mừng ít thế?". Hành động xấu này chắc chắn sẽ làm cho khách cảm thấy khó chịu. 

Cha mẹ có thể dặn con là những đồng tiền này dùng để xua đuổi quỷ dữ khi con ngủ. Vì thế, con tuyệt đối không được xé bọc lì xì ra. Con có thể gửi mẹ cầm giúp hoặc cha mẹ chuẩn bị cho con một chiếc túi nhỏ để đựng phong bao lì xì. Khi trở về nhà, con cần cho tất cả những phong bao đó vào trong một chiếc túi và đặt dưới gối ngủ của con.

Quan trọng nhất, cha mẹ cần nhắc nhở con lì xì là phong tục tốt đẹp. Thứ quan trọng nhất là tấm lòng của người lớn, không phải số tiền ít/nhiều bên trong. 

Thanh Hương

Chưa đến Tết mà mẹ chồng đã lì xì con chị dâu món quà 'khủng' làm tôi chạnh lòng

Chưa đến Tết mà mẹ chồng đã lì xì con chị dâu món quà "khủng" làm tôi chạnh lòng

Nếu ông bà cứ đối xử thiên vị thế này, tôi sợ bọn trẻ sẽ mặc cảm, tự ti với mọi người xung quanh.