Vì học lực yếu nên hết lớp 9, tôi đã nghỉ rồi học nghề làm tóc. Tôi vẫn luôn khắc ghi câu nói của cô giáo chủ nhiệm năm cuối cấp 2: "Nghề nào cũng cao quý cả, chỉ cần các em sống đàng hoàng, tử tế và dịu dàng với cuộc đời, đó đã là điều trân quý". Và 20 năm nay, tôi luôn tự hào vì đôi tay mình đã làm được biết bao kiểu tóc đẹp, giúp nhiều người phụ nữ nâng tầm nhan sắc. Nhờ chăm chỉ, khéo tiết kiệm nên hiện tại, tôi có 1 tiệm tóc lớn, vừa làm tóc vừa nhận học viên. Kinh tế trong nhà cũng dư dả và thoải mái.
3 năm trước, tôi kết hôn. Chồng tôi là thạc sĩ, đang giảng dạy ở trường cao đẳng trong tỉnh nhà. Khi yêu nhau, chúng tôi cho rằng học vấn không phải là điều quá to tát. Nhưng cưới rồi, sự chênh lệch học thức trở thành điều khiến chúng tôi tranh cãi, mâu thuẫn nhau. Chồng luôn mang tư tưởng tôi là người ít học, chỉ là thợ làm tóc thì chẳng hiểu nhiều về xã hội. Còn anh học cao nên biết rộng hiểu sâu về mọi mặt và là người nắm quyền quyết định trong nhà. Trong mọi cuộc tranh cãi, anh luôn giở cao giọng học hành của mình để hạ thấp vợ, buộc tôi luôn là người thua. Vì muốn nhà cửa êm ấm, tôi thường nhẫn nhịn chịu đựng tính gia trưởng, coi thường vợ của chồng. Nhiều lúc cũng ấm ức, cũng khóc nhưng tôi đều tự an ủi bản thân; đúng theo kiểu "khóc tự lau, đau tự chịu".
Chồng dạy con học, nhân đó chê bai, coi thường vợ. (Ảnh minh họa) |
Hôm qua, chồng tôi dạy con học tiếng Anh dù thằng bé mới hơn 2 tuổi. Anh còn mua nhiều sách về đọc cho con nghe, bắt con nhận biết cờ của các nước trên thế giới. Tôi phản đối thì chồng bảo tôi không am hiểu gì về chuyện học hành thì đừng lên tiếng, kẻo bị người ta chê cười. Thấy con còn nhỏ mà bị bố ép học, tôi xót lắm mà không thể làm gì. Thằng bé ham chơi, có mấy từ cơ bản cũng không nói được. Chồng tôi bực mình, gắt gỏng lên: "Sao mà dốt thế, giống hệt mẹ mày". Sau đó, anh còn chê bai đôi tay tôi nhăn nheo, xấu xí, nứt nẻ như tay bà già.
Tôi sững người, nhìn đôi tay đầy vết chai sạn mà cay mắt. Dịp giáp Tết, tôi làm tóc liên tục nên các đầu ngón tay bị khô, đau rát và nứt nẻ, chảy máu. Dù vậy, tôi vẫn cố gắng làm để kiếm tiền, dù có khi đau đến đâu. Đồ đạc trong nhà, quần áo chồng con đang mặc cũng mua từ tiền tôi làm ra. Ấy vậy mà chồng vẫn không nhìn ra sự vất vả của vợ, ngược lại còn chê bai tôi nặng nề. Phải làm sao để thay đổi suy nghĩ, thái độ của chồng tôi về vợ đây?
Sáng mùng 1 đi chúc Tết họ hàng thì bị mỉa mai "tịt đẻ", lời mẹ chồng sau đó khiến con dâu sướng rơn
Có một người mẹ chồng yêu thương và thấu hiểu con dâu thì chuyện gì cũng dễ giải quyết.