Rửa tay thường xuyên và tiêm vắc-xin là hai biện pháp quan trọng giúp phòng tránh bệnh cúm. Tuy nhiên, nếu không may mắc bệnh, việc nghỉ ngơi đầy đủ, bổ sung các thực phẩm, đồ uống phù hợp có thể giúp rút ngắn thời gian hồi phục và hạn chế biến chứng.
Cúm tuy là bệnh nhẹ nhưng có thể biến chứng nặng, bao gồm viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, thậm chí đe dọa tính mạng ở những người có hệ miễn dịch yếu. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mới đây cho biết, bệnh viện đang điều trị cho 8 bệnh nhân mắc cúm. Một trong số đó đang phải đặt ECMO.
Theo Tiến sĩ Neha Vyas, chuyên gia y học gia đình tại Phòng khám Cleveland (Mỹ), lựa chọn thực phẩm và đồ uống đúng cách có thể tác động đáng kể đến quá trình phục hồi khi bị cúm. Để hỗ trợ cơ thể chiến đấu với virus, bạn có thể bổ sung 4 loại thức uống sau.
Người bị cúm nếu muốn nhanh khỏi, tránh biến chứng có thể bổ sung 4 thức uống này
1. Nước ấm: Vũ khí chống mất nước
Bổ sung đủ nước khi bị cúm là điều cần thiết, đặc biệt khi cơ thể mất nước do sốt, tiêu chảy hoặc nôn mửa. Theo Mayo Clinic, mất nước có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn, làm cơ thể mệt mỏi và kéo dài thời gian hồi phục.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng đồ uống ấm có tác dụng tốt hơn so với nước ở nhiệt độ phòng trong việc làm dịu triệu chứng cúm.
Một nghiên cứu cho thấy đồ uống nóng giúp giảm nhanh các triệu chứng sổ mũi, ho, hắt hơi, đau họng, ớn lạnh và mệt mỏi. Điều này có thể nhờ vào việc hơi nóng giúp kích thích tiết nước bọt và chất nhầy, làm dịu đường hô hấp. Ngoài ra, nước dùng gà, rau củ hoặc xương cũng là lựa chọn lý tưởng, giúp bổ sung dinh dưỡng và giảm đau họng.
2. Nước cam: Tăng cường đề kháng với vitamin C
Vitamin C nổi tiếng với khả năng tăng cường hệ miễn dịch và chống lại nhiễm trùng. Theo Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, vitamin C có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian của cảm lạnh, vốn có nhiều triệu chứng tương tự cúm. Nước cam là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, giúp cơ thể chống lại virus hiệu quả hơn.
Ngoài cam, bạn có thể bổ sung vitamin C từ các thực phẩm khác như bưởi, kiwi, ớt chuông, cải Brussels, dâu tây và cà chua. Tuy nhiên, nên tránh các loại nước cam đóng hộp có thêm đường, vì đường có thể làm suy giảm hệ miễn dịch.
3. Mật ong: Phương thuốc tự nhiên giúp giảm ho và đau họng
Mật ong từ lâu đã được sử dụng như một phương thuốc dân gian giúp làm dịu cổ họng. Một bài đánh giá trên BMJ Evidence-Based Medicine năm 2020 cho thấy mật ong có thể hiệu quả hơn cả thuốc không kê đơn trong việc giảm triệu chứng của cảm lạnh và cúm.
Mật ong có đặc tính kháng khuẩn, giúp chống lại nhiễm trùng đường hô hấp, đồng thời phủ một lớp bảo vệ lên cổ họng, giảm kích ứng và ho.
Bạn có thể sử dụng mật ong trực tiếp hoặc pha với nước ấm, chanh để tăng hiệu quả làm dịu cổ họng. Tuy nhiên, không nên cho trẻ dưới 1 tuổi sử dụng mật ong vì nguy cơ nhiễm khuẩn botulinum.
4. Trà nóng: Thần dược được người Việt tin dùng từ lâu
Trà nóng không chỉ giúp giữ ấm cơ thể mà còn chứa nhiều chất chống oxy hóa có lợi cho hệ miễn dịch.
Theo nghiên cứu, trà hoa cúc có đặc tính kháng khuẩn, trà bạc hà giúp làm dịu tiêu hóa, trong khi trà xanh giàu catechin có thể tăng cường tế bào miễn dịch T, giúp kiểm soát phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Người Việt từ lâu đã tin dùng trà gừng, trà chanh mật ong hay trà xanh như những phương thuốc tự nhiên để trị cảm lạnh, cúm. Hơi nước từ trà nóng giúp làm thông đường thở, trong khi các hợp chất chống viêm trong trà giúp giảm đau họng và tăng cường miễn dịch. Khi uống trà, bạn có thể thêm một chút mật ong để tăng hiệu quả giảm ho.
Bên cạnh việc nghỉ ngơi và tuân thủ các biện pháp y tế, bổ sung 4 thức uống trên có thể giúp người bị cúm nhanh hồi phục, tránh biến chứng. Hãy chọn đồ uống phù hợp với thể trạng của mình và tránh các loại có quá nhiều đường hoặc caffeine, vì chúng có thể làm mất nước, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh kết hợp với thói quen sinh hoạt khoa học sẽ giúp bạn phòng ngừa và vượt qua bệnh cúm một cách hiệu quả!
Ghi nhận thêm 1 ca tử vong ở Bình Định do nhiễm cúm A/H1
Nam bệnh nhân N.N.T (59 tuổi) ở xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ có triệu chứng khởi phát bệnh từ ngày 28/10 với triệu chứng sốt cao, ho, khạc đờm vàng...