Người bị tái dương tính COVID-19 sẽ không thể lây nhiễm cho cộng đồng?

Hiện tượng người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh dương tính lại khiến nhiều người lo lắng, đặt ra câu hỏi lớn đối với các nhà khoa học và bác sĩ điều trị.

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - người trực tiếp điều trị cho 2 trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam, cho rằng: "Hiện nay chúng ta chỉ mới hiểu được 70-80% về SARS-CoV-2 và những hiểu biết này thay đổi theo từng giai đoạn. Diễn biến dịch bệnh vẫn bất thường, nếu chủ quan chúng ta cũng có thể vỡ trận bất cứ lúc nào".

Trên thế giới đang ghi nhận các trường hợp bệnh nhân Covid-19 âm tính rồi dương tính trở lại sau điều trị. Ảnh minh họa
Trên thế giới đang ghi nhận các trường hợp bệnh nhân Covid-19 âm tính rồi dương tính trở lại sau điều trị. Ảnh minh họa

Virus corona chủng mới là gì?

Virus corona chủng mới là loại virus chưa từng được phát hiện, khác với các chủng corona đã từng biết trước đây thường gây ra bệnh nhẹ, giống như cảm lạnh thông thường (ngoại trừ SARS và MERS CoV). Virus corona chủng mới gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp - 2019 (COVID-19).

Theo ông Nguyễn Văn Kính, chuyên gia cao cấp, nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, COVID-19 khác với bệnh SARS 2003 và nhiều bệnh khác; bệnh SARS, MERS-CoV bệnh nhân khỏi là hết virus, virus cũng chỉ tồn tại một thời gian ngắn. 

"COVID-19 bản chất cũng là virus corona giống hai bệnh kể trên, nhưng tính đột biến của virus này đa dạng, không ổn định như SARS và MERS-CoV, thế giới cần nhiều thời gian để nghiên cứu về sinh bệnh học và miễn dịch của virus này"- ông Kính nói.

Và một trong những bất thường của COVID-19 là làn sóng tái dương tính ở bệnh nhân COVID-19 đã được công bố khỏi bệnh xuất hiện.

Hình ảnh phóng đại của COVID-19. Ảnh: CDC/Dr. Fred Murphy
Hình ảnh phóng đại của COVID-19. Ảnh: CDC/Dr. Fred Murphy

Thế nào là tái nhiễm COVID-19? Nguyên nhân do đâu?

Phân tích về ca bệnh 22, 60 tuổi, quốc tịch Anh được điều trị tại Đà Nẵng từ ngày 8 đến 27/3 đã khỏi bệnh, được ra viện nhưng dương tính trở lại sau khi được điều trị khỏi, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết, trường hợp này có thể là người lành mang trùng. “Người bị nhiễm virus khi hết bệnh, đa số thành người bình thường, không còn khả năng phát tán virus. Một số nhỏ có thể chuyển sang người lành mang trùng, không triệu chứng nhưng mang virus trong người”, BS Khanh cho hay.

Phân tích thế nào gọi là tái nhiễm, BS Khanh nhấn mạnh, tái nhiễm là khi người bệnh xuất hiện trở lại các triệu chứng đau họng, sốt, ho. Trường hợp người bệnh được lấy dịch phết họng và tìm thấy virus có nghĩa là họ từ người hết bệnh chuyển qua người lành mang trùng. Trường hợp này trong y văn có ghi nhận, nghĩa là sau khi hết bệnh, họ chưa đẩy hết virus ra ngoài và trở thành người mang trùng. Đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy virus đang thích nghi với con người.

Người lành mang trùng thường không có triệu chứng hoặc đã hết triệu chứng nhưng vẫn còn chứa virus trong mũi, họng.

Bệnh nhân tái dương tính kể quá trình được cách ly hàng tháng theo dõi COVID-19. Ảnh: Thanh Niên
Bệnh nhân tái dương tính kể quá trình được cách ly hàng tháng theo dõi COVID-19. Ảnh: Thanh Niên

Có rất nhiều lý do để sự tái nhiễm xảy ra trên cùng một người bệnh. Đến nay, nhiều quốc gia đã ghi nhận các ca dương tính trở lại. “Đó có thể là vì lượng virus trong cơ thể một người bệnh chưa được loại bỏ hoàn toàn. Hoặc cũng có trường hợp bệnh nhân đã loại bỏ hoàn toàn lượng virus nhưng lại bị lây nhiễm bởi một nguồn thứ cấp khác”, tiến sĩ Maria Van Kerkhove, nhà khoa học dẫn đầu của WHO về nghiên cứu COVID-19 nói. 

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết, họ đang phát triển một một công cụ test để phát hiện sự hiện diện của kháng thể Coronavirus. Qua đó, xác định xem một người có thể miễn dịch với căn bệnh này hay không. Bộ test này khác với test thông thường chỉ nhằm xác định các ca dương tính với virus Corona chứ không thể xác định được kháng thể đối với sự tái nhiễm bệnh, theo WHO.

Chuyên gia quốc tế giải thích về tái dương tính ở bệnh nhân COVID-19

Không chỉ ở Hàn Quốc, một số quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật, và Việt Nam cũng đã báo cáo về các trường hợp tái dương tính với COVID-19.

Tuy nhiên, Giáo sư Carol Shoshkes Reiss, khoa sinh học tại ĐH New York cho rằng cộng đồng khoa học hiện nay có chung quan điểm, dựa vào tất cả các thông tin đã biết về COVID-19 cho đến ngày hôm nay rằng những người đó không phải bị tái nhiễm mà là có kết quả dương tính giả.

Có nhiều ca bệnh đã hồi phục tại Hàn Quốc tái dương tính với COVID-19. Ảnh: Reuters
Có nhiều ca bệnh đã hồi phục tại Hàn Quốc tái dương tính với COVID-19. Ảnh: Reuters

Theo kết quả tổng hợp và phân tích các dữ liệu mới nhất hiện nay, các chuyên gia WHO nhận định nhiều khả năng cơ thể những bệnh nhân này đang trong quá trình đào thải nốt số virus còn sót lại trong phổi - một phần trong giai đoạn phục hồi.

Cũng liên quan đến hiện tượng tái dương tính, trong một bài phỏng vấn mới đây với hãng tin BBC (Anh), chuyên gia dịch tễ của WHO Maria Van Kerhove cũng giải thích về hiện tượng tế bào chết sau khi khỏi bệnh COVID-19.Các nghiên cứu chỉ ra rằng, cơ thể những người mắc COVID-19 sẽ tạo ra kháng thể bắt đầu từ khoảng một tuần hoặc lâu hơn sau khi nhiễm bệnh hoặc xuất hiện các triệu chứng bệnh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện vẫn chưa rõ liệu cơ thể có tạo ra khả năng miễn dịch đủ mạnh để không bị lây nhiễm trở lại hay không và hoặc nếu có, hệ miễn dịch này sẽ có tác dụng trong bao lâu.

Theo chuyên gia này, khi phổi bình phục trở lại, sẽ có nhiều tế bào chết xuất hiện trên các bộ phận của cơ quan hô hấp. Do đó, bệnh nhân vẫn có thể có kết quả xét nghiệm dương tính, song đây không phải là virus có thể lây nhiễm. Tuy nhiên, trong quá trình phục hồi, cơ thể có đủ khả năng miễn dịch để chống tái nhiễm hay không vẫn là vấn đề cần nghiên cứu sâu thêm.

Trước đó, bác sĩ Oh Myoung Don của Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul và đứng đầu Ủy ban Lâm sàng Trung ương về kiểm soát bệnh mới nổi Hàn Quốc, phát biểu trong một cuộc họp báo rằng phương pháp PCR có thể không phân biệt được giữa vật liệu di truyền (RNA hay DNA) của virus gây lây nhiễm với các mảnh của virus đã chết vốn có thể tồn tại một thời gian dài trong cơ thể người đã khỏi bệnh, theo báo The Korea Herald.

Bác sĩ Oh Myoung Don (bìa trái) cùng các quan chức khác của Hàn Quốc trong cuộc họp báo về tình hình các ca COVID-19 ở Hàn Quốc hôm 29/4. Ảnh: KTV
Bác sĩ Oh Myoung Don (bìa trái) cùng các quan chức khác của Hàn Quốc trong cuộc họp báo về tình hình các ca COVID-19 ở Hàn Quốc hôm 29/4. Ảnh: KTV

Ông Oh cho biết các xét nghiệm PCR không thể biết được virus còn sống hay đã chết, do đó có thể dẫn đến kết quả dương tính giả.

Giáo sư Carol Shoshkes Reiss, Khoa Sinh học tại Đại học New York giải thích thêm: “Mặc dù một người có thể hồi phục và không còn bị nhiễm nữa nhưng họ vẫn có thể mang trong người những đoạn nhỏ RNA của virus (không hoạt động) vốn sẽ cho kết quả dương tính trong các xét nghiệm đó (tức xét nghiệm PCR)”.

Giáo sư Reiss nói với trang Live Science rằng nguyên do là vì một khi virus đã bị tiêu diệt thì vẫn còn các tế bào đã bị virus tiêu diệt trước đó bên trong cơ thể con người và trong “đống rác thải” của các tế bào chết này có những mảnh vỡ còn sót lại của các phân tử virus không lây nhiễm. Để xác định liệu một người có đang mang hay không mang virus lây nhiễm hoặc bị tái nhiễm với COVID-19 hay không, giáo sư Reiss cho rằng cần phải làm thêm một loại xét nghiệm hoàn toàn khác. 

Ngoài ra, quá trình tạo ra COVID-19 mới chỉ xảy ra ở tế bào vật chủ và không xâm nhập vào nhân tế bào. Một số virus như HIV và đậu mùa có thể tự hợp nhất vào hệ gien của vật chủ bằng cách tiến vào nhân tế bào, nơi chúng có thể tồn tại tiềm ẩn trong nhiều năm và sau đó tái kích hoạt. Nhưng COVID-19 không phải loại virus như vậy.

Theo khuyến cáo từ WHO, các quốc gia nên thận trọng khi quyết định dỡ bỏ lệnh cách ly xã hội trong bối cảnh số ca dương tính COVID-19 còn cao. Ảnh minh họa
Theo khuyến cáo từ WHO, các quốc gia nên thận trọng khi quyết định dỡ bỏ lệnh cách ly xã hội trong bối cảnh số ca dương tính COVID-19 còn cao. Ảnh minh họa

Ngày 25/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bác bỏ quan điểm cho rằng bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục sẽ không tái nhiễm. WHO khẳng định rằng vẫn chưa có bằng chứng về hiệu quả của miễn dịch nhờ kháng thể.

Thay vào đó, nó ở bên ngoài nhân tế bào của vật chủ, trước khi xâm nhập các tế bào tiếp theo, chuyên gia Reiss giải thích. Nói cách khác, "rất khó có khả năng" COVID-19 hoạt động lại một thời gian ngắn trong cơ thể sau khi người bệnh nhiễm bệnh và hồi phục. 

Người bệnh COVID-19 tái dương tính không lây nhiễm cho cộng đồng

Ông Nguyễn Văn Kính, chuyên gia cao cấp, nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, khẳng định người bệnh tái dương tính COVID-19 không lây nhiễm.

Theo ông Kính, COVID-19 khác với bệnh SARS 2003 và nhiều bệnh khác; bệnh SARS, MERS-CoV bệnh nhân khỏi là hết virus, virus cũng chỉ tồn tại một thời gian ngắn. 

Ông Kính cho biết bản chất của xét nghiệm COVID-19 hiện nay là dùng kỹ thuật Realtime PCR có độ nhạy rất cao (98%). 

Khu cách ly đặc biệt tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Nhân Dân
Khu cách ly đặc biệt tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Nhân Dân

"Việt Nam hiện là một trong số ít ỏi các quốc gia có thể nuôi cấy, phân lập virus này, nên tất cả các ca tái dương tính quay lại chúng tôi theo dõi đều chuyển nuôi cấy, phân lập tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Tất cả các trường hợp đều có kết quả virus không mọc lại. Kết quả này cho thấy việc xét nghiệm dương tính chỉ là phát hiện cái xác, mảnh của virus, là kết quả của quá trình thải loại. Theo dõi dịch tễ tại Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản... đều không có lây nhiễm cho người nào, kể cả khi họ về cộng đồng cách ly, hoặc có tiếp xúc với người thân cũng không ghi nhận lây nhiễm" - ông Kính nói.

Virus có thể lây bệnh qua thực phẩm, tiền giấy… không?

Hiện tại, không có bằng chứng nào hỗ trợ cho việc lây truyền COVID-19 liên quan đến thực phẩm. Tuy nhiên một người có thể mắc COVID-19 khi chạm vào bề mặt hoặc đồ vật, như bao bì đóng gói có virus trên đó và sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc mắt.

Do vậy, trước khi chuẩn bị đồ ăn hoặc ăn uống, điều quan trọng là phải luôn rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây để đảm bảo an toàn thực phẩm nói chung.

Thời tiết nóng có ngăn chặn được sự bùng phát bệnh không?

Mặc dù COVID-19 ưa thích sống trong môi trường nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, chúng ta vẫn chưa biết liệu thời tiết và nhiệt độ có ảnh hưởng đến sự lây lan của COVID-19 như thế nào.

Một số quốc gia ở vùng Trung đông có khí hậu nóng nhưng số người nhiễm bệnh vẫn tăng rất cao. Còn rất nhiều thứ cần được tìm hiểu về khả năng lây truyền, tính chất nghiêm trọng và các đặc tính khác liên quan tới COVID-19. Hiện tại, các cuộc nghiên cứu vẫn tiếp diễn.

AN LY (t/h)

Người bệnh tái dương tính Covid-19 không lây nhiễm kể cả khi tiếp xúc với người thân và cộng đồng

Người bệnh tái dương tính Covid-19 không lây nhiễm kể cả khi tiếp xúc với người thân và cộng đồng

Mẫu sinh phẩm của ca tái dương tính được nuôi cấy, phân lập tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương có kết quả là virus không phát sinh trở lại.