Người dân nước nào sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên?

Dù vaccine ngừa COVID-19 của Moderna chưa được chính thức sản xuất, song Mỹ, Canada, Thuỵ Sĩ đã đặt cọc hàng trăm triệu USD để có quyền mua trước.

Moderna, công ty dược phẩm có trụ sở tại Cambridge (Mỹ), là một trong những tay đua dẫn đầu trong cuộc đua sản xuất vaccine. Hãng này vừa công bố đang thử nghiệm lâm sàn trên người vaccine COVID-19, ký hiệu mRNA-1273. Dự kiến mỗi liều vaccine bán ra với giá 32-37 USD  (khoảng 740.000 - 860.000 đồng).

Mỹ tài trợ 1 tỷ USD cho vaccine COVID-19

Hồi giữa tháng 4, Moderna đã giành được khoản tài trợ trị giá 483 triệu USD từ Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh Tiên tiến Liên bang Mỹ (BARDA), về việc nghiên cứu và phát triển vaccine COVID-19. Công ty này có thể nhận ngay 1 tỷ USD tiền mặt nếu đáp ứng tất cả các mục tiêu theo hợp đồng, chủ yếu là về thời điểm ra lò vaccine ước tính đầu năm sau.

Moderna đang nghiên cứu vaccine của mình với Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ. Cơ quan này dự kiến sẽ chi thêm 410 triệu USD cho việc nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19. Khoản tiền bao gồm tiền cho nghiên cứu tiền lâm sàng và nghiên cứu lâm sàng sớm. Nhưng phần lớn số tiền này sẽ hướng tới thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba quan trọng bắt đầu vào ngày 27/7, và sẽ thử nghiệm đến 30.000 người.

Vaccine ngừa COVID-19 của Moderna dự kiến thương mại hoá vào đầu năm 2021. Ảnh: Getty
Vaccine ngừa COVID-19 của Moderna dự kiến thương mại hoá vào đầu năm 2021. Ảnh: Getty

Đến giờ báo chí phương Tây cũng không rõ chính xác tiền thuế của dân Mỹ đang ủng hộ bao nhiêu phần trăm cho công trình nghiên cứu vaccine của Moderna. Theo hợp đồng với BARDA, Moderna phải tiết lộ định kỳ tỷ lệ tài trợ đến từ chính phủ liên bang cho công trình này. Thế nhưng đến nay, con số cụ thể vẫn còn là điều mơ hồ.

Phía Knowledge Ecology International, một nhóm lợi ích công phi lợi nhuận hoạt động về các vấn đề sở hữu trí tuệ, thì cho rằng chính phủ Mỹ đã đầu tư 1 tỷ USD cho Moderna để phát triển vaccine.

Không chỉ nhận được tiền tài trợ nghiên cứu, Moderna còn nhận thêm tiền từ người dân Mỹ khi bán vaccine thành phẩm. Hãng dược này dự kiến cần hai liều để đảm bảo cho một người được tiêm, có thể chống lại COVID-19. Điều này có nghĩa, người dân Mỹ phải tốn tương đương 1.720.000 đồng cho việc tiêm chủng để kháng lại virus SARS-Cov-2.

Canada làm mọi cách để người dân được tiêm chủng hàng loạt

Tờ Thế giới Độc lập đưa tin vào ngày 6/8, Canada đã ký kết các thỏa thuận riêng biệt với hai công ty hàng đầu của Mỹ, để đảm bảo việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19 thử nghiệm của họ. Theo một quan chức hàng đầu thương vụ, thỏa thuận đầu tiên được ký kết với Moderna, thoả thuận còn lại được ký với Pfizer. Cả hai đều cam kết cung cấp cho Canada vaccine COVID-19 vào đầu năm 2021.

Ngoài hai công ty này, Canada cũng đang đàm phán với các công ty dược phẩm khác. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ Dịch vụ và Mua sắm Công cộng Anita Anand, nói rằng họ đang “rất, rất mãnh liệt đàm phán” nhiều thỏa thuận với một số nhà cung cấp vaccine quốc tế có tiềm năng khác.

“Tất cả chúng ta đều muốn có một viên đạn bạc (trong văn hoá phương Tây, bạc có thể tiêu diệt những thứ dơ bẩn, ma quái - PV). Nhưng thật không may, đó chỉ là thứ viển vông. Chúng tôi đang tập trung vào giai đoạn tiếp theo của dịch bệnh, bao gồm cả việc chuẩn bị cho người dân Canada tiêm chủng hàng loạt”, bà nói thêm.

Bộ trưởng Bộ Dịch vụ và Mua sắm Công cộng Canada cho biết nước này muốn người dân được tiêm chủng hàng loạt. Ảnh: 650 KCOM
Bộ trưởng Bộ Dịch vụ và Mua sắm Công cộng Canada cho biết nước này muốn người dân được tiêm chủng hàng loạt. Ảnh: 650 KCOM

Mặc dù không đề cập chi tiết về giá trị của các giao dịch, Bộ trưởng nhấn mạnh rằng tất cả các “ứng cử viên” vaccine đều sẽ thông qua sự chấp thuận của Bộ Y tế Canada, trước khi chúng có thể được sản xuất và đóng gói. 

“Bất kỳ vaccine tiềm năng nào cũng sẽ mất thời gian để phát triển, thử nghiệm đúng cách, sản xuất hàng loạt và phân phối đúng cách”, bà khuyên mọi người đừng nên vội vã.

Anand cho biết các thỏa thuận sẽ dành cho đất nước này "hàng triệu liều" vaccine ngừa COVID-19, nhưng không chỉ định số lượng chính xác. Theo bà, mục tiêu của chính phủ là đảm bảo "người dân Canada đứng đầu hàng chờ đợi khi có vaccine”.

Thuỵ Sĩ dành hơn 7.600 tỷ đồng để tiêm vaccine cho 1/4 dân số

Tờ Thông tin Thuỵ Sĩ đưa tin, chính phủ nước này đã ký một thỏa thuận với công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ, để đảm bảo “quyền tiếp cận sớm nhất” với 4,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 hiện đang được phát triển.

Chính phủ Thuỵ Sĩ công bố, đã dành 329 triệu USD (khoảng 7.625 tỷ đồng) cho việc mua vaccine COVID-19.

Các nhà chức trách Thụy Sĩ cho biết, Moderna "đã ở giai đoạn tiên tiến nhất với dự án vaccine của mình”. Tuy nhiên, chính phủ nước này không đề cập đến thời gian cụ thể Moderna có thể giao hàng.

Thuỵ Sĩ cũng cho biết 4,5 triệu liều vaccine sẽ có thể tiêm chủng cho 2,25 triệu người, vì mỗi người cần được tiêm liều lượng gấp đôi theo khuyến cáo của công ty sản xuất. Dân số Thuỵ Sĩ năm 2019 có khoảng 8,6 triệu người. Nếu đúng cam kết, nước này sẽ có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng hơn 1/4 dân số.

Thuỵ Sĩ chi hơn 7.600 tỷ đồng để đặt trước vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: WSJ
Thuỵ Sĩ chi hơn 7.600 tỷ đồng để đặt trước vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: WSJ

“MRNA là một loại phân tử truyền thông tin mang các chỉ dẫn để sản xuất protein cho cơ thể. Điều này cho phép các tế bào của cơ thể biết cách sản xuất protein của virus. Ngay khi protein được tạo ra trong cơ thể, nó sẽ được hệ thống miễn dịch xác định là kháng nguyên, sau đó tạo ra kháng thể chống lại SARS-CoV-2. Nhờ đó cơ thể có khảng năng chống lại virus thực”, người phát ngôn của chính phủ giải thích.

Phía chính phủ cũng tự tin khẳng định rằng Thụy Sĩ là "một trong những quốc gia đầu tiên ký kết thỏa thuận với Moderna". Song song với thỏa thuận này, chính phủ Thụy Sĩ đang tiếp tục đàm phán với các công ty khác để “đa dạng hóa sự tiếp cận” các vaccine ngừa COVID-19. Và cũng tiếp tục hỗ trợ các dự án đa phương, để phân phối “một cách công bằng” thuốc chữa COVID-19 trong tương lai.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương