Người đàn ông ở TP.HCM suýt tử vong vì ăn bánh trung thu

Bệnh nhân được người con đưa 1/4 bánh trung thu và đã nuốt chửng. Sau đó, ông Q. ho sặc sụa, khó thở, người tím tái.

Chiều 9/9, BS Hồ Văn Hân, Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp (TP.HCM), cho biết đơn vị vừa kịp cứu sống trường hợp bị tai nạn hy hữu hóc bánh trung thu.

Bệnh nhân là ông H.Q (60 tuổi, ở TP.HCM), được đưa đến cấp cứu gần trưa cùng ngày trong tình trạng tím tái, thở “ngáp cá”, nguy kịch. Người này lỡ lỡ nuốt chửng phần bánh trung thu rồi bất ngờ ho sặc sụa, cơ thể tím tái. Người nhà ngay lập tức đưa bệnh nhân đến Bệnh viện quận Gò Vấp gần đó. 

  Cận cảnh cứu ca ngạt đường thở hy hữu ngày 9/9 tại Bệnh viện quận Gò Vấp

Cận cảnh cứu ca ngạt đường thở hy hữu ngày 9/9 tại Bệnh viện quận Gò Vấp

Các bác sĩ áp dụng phương pháp Heimlich (một biện pháp sơ cấp cứu ban đầu nhằm mục đích đẩy dị vật ra khỏi đường thở) để tống bánh trung thu ra ngoài.

Bác sĩ Nguyễn Thiên Trung, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Gò Vấp cho hay, vì bệnh nhân nặng gần 70 kg, không thể xốc lên nên phải để bệnh nhân nằm sấp, ấn mạnh vào vùng thượng vị theo hướng từ dưới lên trên. 

Bệnh nhân được cứu sống nhưng bị biến chứng viêm phổi hit nên đang được đánh kháng sinh, tiếp tục theo dõi tại Khoa ICU của bệnh viện. Người này này còn có di chứng tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, đái tháo đường. 

Bác sĩ Nguyễn Thiên Trung cho hay, nếu thời gian mắc dị vật đường thở như trên kéo dài khoảng 4 phút, bệnh nhân có thể bị thiếu oxy não và hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. 

Các bác sĩ khuyến cáo, khi gặp tình huống hóc dị vật đường thở, người xung quanh cần ngay lập tức gọi 115 và đưa nạn nhân đi cấp cứu, đồng thời sơ cứu tại chỗ đúng cách. Người nhà cần sơ cứu bằng cách vỗ lưng ấn ngực với trẻ dưới hai tuổi hoặc dùng thủ thuật Heimlich với trẻ lớn, người lớn. Trong trường hợp nạn nhân ngưng tim ngưng thở, cần thực hiện hà hơi thổi ngạt.

Thanh Mai