Người gốc Á đang thay đổi ngành công nghiệp làm đẹp nước Mỹ

Các doanh nhân và influencer sử dụng chuyên môn và di sản gốc Á để đa dạng hóa lĩnh vực làm đẹp đang trở thành làn sóng mới những năm gần đây.

Là một người trẻ ám ảnh với sắc đẹp, Deepica Mutyala thường dạo qua những hiệu thuốc gần nhà tại Sugar Land, Texas (Mỹ) để tiếp thu chi tiết những thông tin trên các quầy tạp chí và mỹ phẩm làm cảm hứng cho phong cách riêng của mình.

Tôi từng nhuộm tóc vàng, đeo áp tròng màu xanh dương và thay đổi thể chất để phù hợp với những gì được coi là vẻ đẹp”, Mutyala – con gái của những người Ấn nhập cư cho biết. “Tôi đã phải mất nhiều thời gian để có thể tự tin với làn da của chính mình. Vì vậy, giờ chúng ta cuối cùng ở một nơi mà việc đón nhận cuội nguồn và văn hóa của chính mình được xem là “sành điệu”, cảm giác thật tuyệt vời”.

Deepica Mutyala (Ảnh: CNN)
Deepica Mutyala (Ảnh: CNN)

Mutyala hiện đang điều hành một thương hiệu làm đẹp của riêng mình có tên Live Tinted. Và nhiệm vụ của cô là mang đến cho khách hàng những điều mà cô chưa từng có khi còn là một thiếu niên ở Texas: những sản phẩm giúp những người có sắc da trầm hơn, giống như cô.

Ban đầu, tôi đặt tên công ty là Deep Beauty. Đó không chỉ là một cách chơi chữ với tên của tôi, mà tôi còn muốn thể hiện những sắc da trầm hơn. Tôi muốn những người giống như tôi cảm thấy họ được đại diện bởi thương hiệu này”, cô cho biết.

Sản phẩm trong Live Tinted (Ảnh: CNN)
Sản phẩm trong Live Tinted (Ảnh: CNN)

Mutyala là một phần của làn sóng gần đây, khi mà các doanh nhân và những người có tầm ảnh hưởng (hay còn gọi là các influencer) chuyên về lĩnh vực làm đẹp đã sử dụng chuyên môn về văn hóa và di sản của mình để làm đa dạng hóa một lĩnh vực mà từ lâu đã “bỏ quên” những người da màu.

Đó là một bước đột phá của ngành công nghiệp này sau nhiều năm hình thành – và một phần là nhờ nữ ca sĩ Rihanna với thương hiệu làm đẹp Fenty Beauty của cô đã chứng minh sức mạnh và lợi nhuận của mỹ phẩm cho nhiều chủng tộc và sắc da khác nhau.

Khi ra mắt vào năm 2017, Fenty Beauty có 40 sắc kem nền – một sự đa dạng chưa từng có khi đó, và hiện là 50 loại. Thương hiệu có doanh thu ước tính 570 triệu đô trong 15 tháng đầu, và nữ ca sĩ đã mở rộng sang các sản phẩm chăm sóc da được tiếp thị riêng là sản phẩm phi giới tính.

Mutyala ghi nhận Fenty Beauty đã thành công trong việc mở ra cánh cửa cho những thương hiệu đa dạng và định hướng giá trị như Live Tinted – ra mắt vào năm 2019.

Có rất nhiều người nổi tiếng tạo ra các thương hiệu riêng, nhưng Rihanna đã làm điều đó một cách chính trực, tạo ra các sản phẩm cho phép mọi người đón nhận bản thân”, cô nói.

Trong khi người nổi tiếng và các influencer định hình ngành công nghiệp mỹ phẩm, thì cơ sở khách hàng cũng trở nên đa dạng hơn. Theo dữ liệu của NielsenIQ từ năm 2020, những người Mỹ gốc Á chi nhiều cho những sản phẩm làm đẹp hơn so với dân số Mỹ nói chung, khoảng 34% cho những sản phẩm chăm sóc da.

Sức ảnh hưởng này được phản ánh rõ trên kệ hàng của các hiệu thuốc, khi chứa đầy các sản phẩm làm đẹp của Nhật và Hàn có thành phần từ tinh chất ốc sên để mở rộng thị trường. Những nhân vật công chúng như nữ nghị sĩ Alexandra Ocasio-Cortez thậm chí tán thành lợi ích của K-beauty, giúp cách làm đẹp này trở nên phổ biến hơn.

Đón nhận bản sắc

Instagram cũng là công cụ định hình sự nghiệp của các nghệ sĩ trang điểm, chẳng hạn như chuyên gia trang điểm gốc Việt Patrick Ta, người không những tạo cho mình một phong cách da sáng đặc trưng mà còn xây dựng được một lượng fan hâm mộ lớn trên mạng xã hội. Một tin nhắn trực tiếp với nữ diễn viên Shay Mitchell giúp cô trở thành vị khách đầu tiên trong chuỗi các khách hàng cao cấp, gồm cả người mẫu Gigi Hadid và nữ diễn viên Constance Wu. Năm 2019, Ta ra mắt dòng sản phẩm riêng của mình, mang tên Patrick Ta Beauty.

Khi mới bắt đầu (làm việc trong lĩnh vực trang điểm) tại MAC, tôi đã có cơ hội thực hành trên nhiều loại màu da và độ tuổi khác nhau. Điều đó thực sự giúp ích cho sự nghiệp của tôi được như bây giờ. Thay vì biến đổi mọi người, tôi chỉ cố gắng làm nổi bật những nét đặc trưng sẵn có của họ”, anh chia sẻ qua điện thoại.

Chuyên gia trang điểm gốc Việt Patrick Ta (Ảnh: internet).
Chuyên gia trang điểm gốc Việt Patrick Ta (Ảnh: internet).

Một trong những khách hàng khác của Ta, nữ diễn viên Olivia Munn - người mang gốc Hoa và châu Âu, đã hết lời ca ngợi cách anh làm nổi bật nét đặc trưng châu Á của mình. “Là một người Mỹ gốc Á, tôi luôn gặp khó khi tìm thợ trang điểm có thể giúp bản thân thấy tốt nhất. Hầu như các thợ trang điểm chỉ làm những việc tương tự như cách họ làm trên các phụ nữ khác, mà không biết cách làm trên những người có cả nét đặc trưng của châu Á lẫn Mỹ. Nhưng Patrick ngay lập tức hiểu rõ khuôn mặt tôi. Anh ấy vô cùng chu đáo và tỉ mỉ”.

Ta cho biết sự hiểu biết này không chỉ đến từ kĩ năng trang điểm ngày càng phát triển của anh, mà còn đến từ sự đón nhận bản sắc Mỹ gốc Việt của mình. “Lớn lên xung quanh rất nhiều người da trắng ở San Diego (Mỹ), tôi đã từng muốn được trắng. Lần đầu tiên trang điểm cho phụ nữ gốc Á, tôi đã sử dụng thiên về phong cách Tây phương. Nhưng giờ đây tôi đã hoàn toàn là người Á châu rồi. Tôi đón nhận nó. Tôi theo dõi những người nổi tiếng và các xu hướng làm đẹp của châu Á. Tôi cố gắng mang những xu hướng Á trở lại Mỹ để thử áp dụng trên những người Mỹ gốc Á”, anh cho biết.

Ta cho biết anh tránh dùng phấn phủ và dùng các sản phẩm tạo nét tinh tế với nhiều tông màu xám hơn khi làm việc với những khách hàng gốc Á. “Làm vậy sẽ giúp “giữ cho làn da sạch và sáng”, anh nói. Anh cũng tập trung vào môi và gò má để tạo “sự khỏe khoắn và tự nhiên”.

Tôi thích thêm một chút dưỡng và phấn hồng để tạo không gian – làn da nên giống như một chiếc bánh bao phủ sương”, anh nói.

Theo Ta, mắt Monolid hay còn gọi là mắt một mí, một đặc điểm phổ biến trên khuôn mặt người châu Á, khá phù hợp với các loại phấn mắt dạng kem. Nó dễ hòa trộn và đem lại cái nhìn tự nhiên, tôn lên hình dáng đôi mắt, hơn là thay đổi một cách đáng kể vẻ ngoài của nó. “Bắt đầu với lớp màu nhẹ và nhạt dần đến xương chân mày”, anh giải thích.

Những vẻ đẹp chuẩn toàn diện

Trước khi xuất hiện những dòng mỹ phẩm như Patrick Ta Beauty hay Live Tinted, nhiều người tiêu dùng Mỹ gốc Á cảm thấy bị phớt lờ bởi các sản phẩm và kỹ thuật trang điểm thường chỉ phù hợp cho những khuôn mặt da trắng. Những người khác thì cho biết họ cảm thấy thiếu tự tin, hoặc thấy các chuyên gia trang điểm đang làm giảm đi các nét đặc trưng gốc Á của họ. Năm 2018, nữ diễn viên Chloe Bennett chia sẻ với tờ US Weekly rằng các nghệ sĩ mà cô từng làm việc cùng đã cố gắng để “mở” mắt, sử dụng trang điểm để khiến đôi mắt trông to hơn thay vì làm nổi bật hình dáng hạnh nhân tự nhiên của đôi mắt.

Jen Chae, một influencer người Mỹ gốc Hàn về vẻ đẹp nhớ rằng “hoàn toàn không có gì phù hợp với mắt người châu Á” khi cô lớn lên ở Kansas.

Gần như không có cộng đồng người châu Á nào. Tôi thực sự thích đọc các mẹo làm đẹp trên tạp chí… (nhưng) chúng tôi bị kìm hãm bởi những gì sẵn có. Rất nhiều loại mascara không giữ nổi lông mi của chúng tôi. Bạn bị bút kẻ mắt làm bẩn khắp nơi. Tông màu da phù hợp với kem nền thì không có sẵn. Bạn thực sự “săn tìm” các sản phẩm phù hợp”.

Influencer gốc Hàn Jen Chae (Ảnh: CNN).
Influencer gốc Hàn Jen Chae (Ảnh: CNN).

Chae phải dùng thử nhiều loại để tìm các sản phẩm phù hợp với khuôn mặt của mình. Sau đó, vào năm 2008, cô bắt đầu chia sẻ những phát hiện của bản thân trên kênh Youtube có tên “From Head to Toe”. “Giờ đây, ai cũng biết rằng nếu bạn có hàng mi có khả năng chống cong thì nên sử dụng mascara không thấm nước, thế nhưng trước đó không ai dạy tôi cả”, cô nói.

Chẳng hạn, loại bút kẻ tốt nhất cho mắt một mí là loại bút dạng lỏng không thấm nước. Bởi chúng ta có nếp mí quá gần với đường viền mi, nên lớp dầu tự nhiên trên da sẽ khiến lớp trang điểm bị nhòe. Trước đây, tôi từng phải thử những bút kẻ này và tự hỏi tại sao nó lại bị nhòe khắp mặt”.

Đầu năm 2009, khi lượng người đăng ký theo dõi cô tăng gấp 10 lần lên 100.000 người chỉ trong một tháng, Chae cho biết cô thực sự “thèm” với những đề xuất sản phẩm và hướng dẫn trang điểm. Giờ đây, kênh của cô đã có hơn 1,2 triệu người đăng ký.

“Có rất nhiều người, giống như tôi, đang tìm kiếm một người chị gái mà có thể nói rằng: “Này, em nên tránh loại bút kẻ mắt đó và thử dùng cái này xem sao”, cô nói trước khi liệt kê một vài dòng sản phẩm ưa thích của mình, như kẻ mắt nước trong dòng sản phẩm làm đẹp Rare Beauty của Selena Gomez và bút kẻ mắt nước Point Made 24-hour thương hiệu One/Size của chuyên gia trang điểm người Philippine Patrick Starr.

Chúng ta (những con người châu Á) luôn thích một vẻ đẹp tự nhiên… một làn da tự nhiên, rạng rỡ từ bên trong”, Chae nói. “Và giờ đây, người Mỹ (từ nhiều nguồn gốc) đang tiến tới điều đó, trên phương diện văn hóa”.

Ngày nay, với sự đa dạng của các sản phẩm và nhiều tiêu chuẩn vẻ đẹp toàn diện hơn, là “mọi thứ mà tôi ước có được khi lớn lên”, Chae cho biết.

Minh Nguyễn (theo CNN)

Gái trẻ Hàn Quốc chống lại vẻ đẹp khuôn mẫu bằng phong trào 'Escape the corset'

Gái trẻ Hàn Quốc chống lại vẻ đẹp khuôn mẫu bằng phong trào "Escape the corset"

Phong trào "Escape the corset" (Cởi bỏ áo nịt) được giới nữ quyền Hàn Quốc sử dụng như một thách thức với một xã hội đầy tính trọng nam.