Người khỏi Covid vẫn có thể tái nhiễm biến chủng khác

Hiện chưa thống nhất mốc thời gian để tính là tái nhiễm, cũng như tỷ lệ tái nhiễm chung, song nhiều chuyên gia nhận định tỷ lệ này là khá thấp.

Bác sĩ Trần Quang Bính (Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nguyên trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, người khỏi Covid vẫn có thể tái nhiễm biến chủng khác, khi ấy kết quả giải trình tự gene virus cho kết quả hai bộ gene khác nhau.

Để chẩn đoán người bệnh tái dương hay tái nhiễm cần làm rất nhiều xét nghiệm, trong đó bắt buộc phải giải trình tự gene virus. Nếu hai bộ gene virus của hai lần dương tính giống nhau thì đây là ca tái dương. Nếu khác nhau (có thể có một thay đổi trên bộ gene hoặc là hai biến chủng khác nhau) và nuôi cấy thấy virus còn sống thì chắc chắn là tái nhiễm.

Người khỏi Covid vẫn có thể tái nhiễm biến chủng khác

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP HCM) cho biết một số ca tái nhiễm đã được ghi nhận tại Hong Kong, Ấn Độ, Mỹ..., song chưa phát hiện ở Việt Nam. 

Ông Tiến dẫn một nghiên cứu của Mỹ công bố hồi tháng 3, cho thấy xét nghiệm Covid-19 trên 150.325 người, có 8.845 mẫu dương tính (5,9%) và 141.480 (94,1%) mẫu âm tính. Trong số các mẫu dương tính, xét nghiệm lại sau 90 ngày phát hiện 62 trường hợp tái nhiễm (0,7%). Trong đó, 31 bệnh nhân có các triệu chứng như khó thở, sốt, ho, đau cơ, mệt mỏi, nhức đầu, nôn ói, tiêu chảy, nghẹt mũi, mất vị giác; 18 người tái nhiễm phải nhập viện nhưng không ai trở nặng, cần nhập hồi sức (ICU) hay tử vong.

Hiện trường hợp tái dương tính xảy ra khi người bệnh mới điều trị xong, test nhanh cho kết quả âm tính nhưng sau một vài tuần test lại hoặc làm RT-PCR cho kết quả dương tính. Điều này có nghĩa là virus có thể tồn tại trong cơ thể vài tuần, thậm chí vài tháng. Tuy nhiên, đến nay chưa ghi nhận các trường hợp tái dương tính nào lây nhiễm.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1) cho rằng các triệu chứng bệnh khi tái nhiễm Covid-19 nếu có sẽ rất nhẹ và nhanh chóng mất đi. Khả năng tái nhiễm Covid-19 nhiều lần tương tự các bệnh truyền nhiễm khác

Các chuyên gia y tế giải thích, sau khi khỏi Covid-19 hoặc tiêm đủ hai mũi vaccine, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập tiếp theo của virus. Mặc dù vậy, lượng kháng thể sinh ra của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa, bệnh nền... Nếu kháng thể không đủ mạnh, người đã khỏi bệnh chủ quan không tuân thủ 5K, khi tiếp xúc F0 mang biến chủng mới sẽ có nguy cơ tái nhiễm.

Người càng lớn tuổi, người bị suy giảm chức năng miễn dịch như HIV, ung thư, đái tháo đường, tim mạch mạn tính, cấy ghép tạng... thì khả năng tái nhiễm cao hơn người trẻ tuổi, khỏe mạnh.

Những người chưa tiêm vaccine Covid-19 có nguy cơ tái nhiễm cao gấp 2,34 lần so với người đã tiêm đủ hai mũi, theo công bố ngày 6/8 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, bác sĩ Tiến cho biết. 

Thanh Mai

WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp cho thêm 2 loại vaccine COVID-19 của Mỹ

WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp cho thêm 2 loại vaccine COVID-19 của Mỹ

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp với vaccine COVID-19 Nuvaxovid của hãng dược phẩm Novavax (Mỹ).