Ngày 13/9, phóng viên tìm đến địa chỉ số 54/39 đường Phan Chu Trinh, phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, nơi được cho là cơ sở điều trị trẻ chậm phát triển của ông L.M.Q. (người liên quan vụ bé trai 3 tuổi tử vong, thiêu lấy tro cốt trong thời gian điều trị).
Hàng xóm và chính quyền đều không biết việc ông Q. điều trị cho trẻ chậm phát triển và tự kỷ. Địa phương cũng không nhận được thông tin trình báo việc bé trai tử vong do mắc COVID-19.
Đây là ngôi nhà cấp 4, không phải biệt thự như ông Q. nói với gia đình ông N. (cha cháu M.Q.). Người dân địa phương chỉ biết người đàn ông thuê nhà tên Q. Ông ta bị tật 2 chân, nên đi khập khiễng.
Lúc mới thuê nhà, ông Q. ở cùng người phụ nữ khoảng 40 tuổi và bé trai khoảng 5-6 tuổi. Hàng xóm không ai rõ lai lịch của họ.
"Cả 3 người thường xuyên rời nhà từ sáng sớm, đến tối mới trở về nên không thân thiết, nói chuyện với ai trong xóm. Sau khoảng một tháng, người phụ nữ cùng bé trai không còn lui tới căn nhà này nữa", người phụ nữ tên H. cho biết.
Cũng theo chị H., không lâu sau khi người phụ nữ rời đi, một phụ nữ mang thai dọn đến ở cùng ông Q. Người này giới thiệu là vợ ông Q. Thời điểm này có thêm 3-4 đứa trẻ khác đến ở đây khoảng một tuần rồi chuyển đi.
Hàng xóm cho biết những người trong căn nhà này thường đi sớm về khuya, sống khép kín, không tiếp xúc với người dân xung quanh. Do vậy, họ không biết những gì xảy ra bên trong căn nhà, cũng không phát hiện chuyện bất thường.
Theo ông Huỳnh Văn Lợi, Chủ tịch UBND phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc, căn nhà trên được bà N.T.B cho ông L.M.Q thuê từ tháng 1. Trong thời gian ông Q. thuê nhà, công an phường đã 2 lần đến tìm gặp để yêu cầu người này thực hiện các quy định đăng ký tạm trú theo quy định. Tuy nhiên, ông Q. thường xuyên vắng nhà, nên chưa thực hiện được.
"Căn nhà ông Q. thuê không có hồ sơ, thủ tục đăng ký khám chữa bệnh và không hề gắn bảng hiệu liên quan đến việc điều trị trẻ chậm phát triển. Đến khoảng đầu tháng 6, ông Q. đã trả nhà rồi chuyển đi đâu không rõ. Căn nhà này đã được gia đình khác thuê lại", ông Lợi thông tin.
Lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng khẳng định ở phường Lộc Tiến không có cơ sở nào nhận điều trị trẻ chậm phát triển, trẻ bị tự kỷ. Trên địa bàn TP Bảo Lộc, có 3 cơ sở được cấp phép nuôi dạy trẻ khuyết tật, chậm phát triển, chất độc da cam ở các xã Lộc Thanh, Đam B'ri và phường Lộc Phát.
"Rà soát cho thấy không có cơ sở nào được cấp phép ở địa chỉ số 54/39 đường Phan Chu Trinh, phường Lộc Tiến", lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng khẳng định.
Liên quan đến thông tin ông Q. thông báo cho gia đình cháu M.Q về việc cháu bị mất vì mắc COVID-19, chủ tịch UBND phường Lộc Tiến đã bác bỏ việc này.
"Thông tin cháu M.Q. tử vong do mắc COVID-19 là không có cơ sở. Địa phương đã tiến hành xác minh, trong thời gian từ đầu năm đến nay, không có trường hợp nào mắc COVID-19 hay tử vong do mắc COVID-19 khai báo tại cơ quan y tế hoặc chính quyền địa phương. Mọi thông tin liên quan đến việc cháu Q. tử vong, địa phương đều không nắm được", ông Lợi nói.
Ngày 12/9, Công an Lâm Đồng đã mang một phần tro cốt được báo là của bé trai N.LM.Q và mẫu tóc của mẹ cháu đi TP.HCM giám định ADN; đồng thời tiếp tục các hoạt động điều tra liên quan đến vụ việc này.
Trước đó, ngày 15/4, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an Lâm Đồng tiếp nhận hồ sơ giải quyết ban đầu của Cơ quan CSĐT Công an TP Huế đối với đơn trình báo của ông N.H.N (45 tuổi, ngụ TP Huế).
Theo nội dung đơn, gia đình ông gửi con là cháu bé N.L.M.Q (3 tuổi, bị chậm phát triển) cho ông L.M.Q (45 tuổi, tạm trú phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) chăm sóc, thế nhưng chẳng bao lâu sau, bất ngờ được báo tin con mình đã chết vì COVID-19 và bị thiêu bằng than củi.
Cụ thể, ông N. trình bày khoảng 3 - 4 năm trước có quen biết với ông Q.; được ông này cho hay có nhận nuôi dạy, chữa bệnh cho những đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ tự kỷ… Ngày 6/1/2022, ông đã đưa con trai đến cho ông Q. kiểm tra. Ông này khẳng định N.L.M.Q bị chậm phát triển trí tuệ, cần được điều trị 2 - 3 năm, chi phí 200 triệu/tháng và phải đặt cọc trước 3 tháng, theo TPO.
Gia đình ông N. về lại Huế gom góp tiền và đến ngày 14/1 chuyển cho ông Q. 600 triệu đồng để chữa trị cho cháu N.L.M.Q trong vòng 3 tháng. Ngày 3/3, gia đình ông N. bàn giao con trai cho ông Q. chăm sóc nuôi dưỡng và đã lập giấy ủy quyền nuôi dạy con.
Vào ngày 8/3, ông N. nhận được cuộc gọi của ông Q. cho biết cháu bé đang mắc COVID-19, nhưng chỉ một ngày sau lại điện thoại báo tin cháu N.L.M.Q đã khỏi bệnh. Những ngày tiếp theo, ông N. nhận được tin con trai mình dần hồi phục sức khỏe.
Thế nhưng, ngày 27/3, khi ra Huế gặp ông N., ông Q. đột ngột báo tin cháu N.L.M.Q. đã mất vì COVID-19. Ông Q. đưa cho ông N. bình tro cốt và giải thích đã cùng một người phụ nữ tên T. đốt xác cháu.
Cũng theo PC02, sau khi tiếp nhận hồ sơ từ Công an TP Huế, ngày 18/4, Phòng đã lập hồ sơ giải quyết tin báo, đồng thời thông báo cho Viện KSND tỉnh Lâm Đồng biết để thực hiện kiểm sát theo quy định.
Làm việc với cơ quan điều tra, ban đầu ông Q. và bà T. khai đốt xác cháu bé ở tỉnh Đắk Lắk, sau đó lại nói đã hỏa táng cháu bé ở huyện Đam Rông (Lâm Đồng). Đồng thời, ông Q. đưa ra một số giấy tờ chứng minh bản thân bị ốm, sức khỏe yếu nên chưa thể đưa người thi hành công vụ đến các địa điểm trên để kiểm tra, xác minh thực hư.
Về phía ông N., đã từng nộp đơn xin rút lại tố cáo nhưng sau đó đến ngày 3/8 gửi đơn tố cáo trở lại. Khi được mời đến cơ quan điều tra làm việc, ông N. cũng trình bày lý do đau ốm, xin vào chậm.
Vì quá thời hạn xác minh tin báo theo quy định nên ngày 16/8 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an Lâm Đồng đã ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Mãi đến ngày 9/9 vừa qua, vợ chồng ông N. mới vào làm việc, bàn giao mẫu tóc của vợ ông. Công an Lâm Đồng đã nhanh chóng đưa mẫu đi TP.HCM để giám định ADN, khi có kết quả sẽ phục hồi điều tra.
(Tổng hợp)