Nguy cơ xuất hiện đợt dịch COVID-19 thứ 4 dịp nghỉ lễ, Bộ Y tế kêu gọi người dân đồng lòng chống dịch

Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân Việt Nam đồng lòng, quyết tâm giữ thành quả chống COVID-19, hạn chế đến nơi công cộng, nghiêm túc đeo khẩu trang.

Các chuyên gia y tế nhận định dịp nghỉ lễ dài 30/4-1/5 sắp tới, nếu nơi nào tập trung đông người, không tuân thủ các quy định phòng chống dịch, không đeo khẩu trang thì nơi đó nguy cơ lây COVID-19 rất lớn. Nguy cơ đợt dịch thứ 4 luôn hiện hữu trên khắp cả nước.

PGS.TS. Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết mặc dù thời gian qua chúng ta đã kiểm soát được dịch COVID-19, đời sống của người dân được trở lại trong điều kiện bình thường mới, nhưng dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

img_2631.jpg
Lực lượng tuyến đầu chống dịch tại các địa phương, người lao động ngành hàng không, công an, bộ đội đã được tiêm vaccine. Ảnh: VGP.

"Nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài vào Việt Nam rất cao, nhất là khi một bộ phận người dân, cơ quan quản lý chủ quan trong việc thực hiện 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế (khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế). Nguy cơ càng cao khi người dân tụ tập đông người ở các lễ hội, điểm du lịch trong kỳ nghỉ dài sắp tới", ông Trần Đắc Phu nói.  

Ông Trần Đắc Phu cảnh báo nguy cơ lây bệnh ở Việt Nam rất lớn nếu có ca bệnh trong cộng đồng, khi dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vào cuối tuần này kéo dài 4 ngày, nhiều lễ hội và du lịch sẽ được tổ chức trên khắp cả nước.

Đặc biệt, hiện các triệu chứng lâm sàng khi nhiễm SARS-CoV-2 gần như rất khó phát hiện, cùng với sự kiểm soát lỏng lẻo tại các điểm lễ hội, khu du lịch sẽ khiến dịch lan rộng sang nhiều tỉnh, thành phố cùng lúc, chứ không còn là 1-2 tỉnh như các đợt dịch trước.

PGS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cũng nhận định nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu trên khắp cả nước. Nơi nào có tập trung đông người, nơi nào lơ là trong giám sát, không tuân thủ các quy định phòng chống dịch thì nơi đó nguy cơ dịch bệnh sẽ tăng cao.

Phân tích thêm tình hình, ông Trần Đắc Phu cho biết chỉ trong mấy tuần gần đây, diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới diễn biến rất phức tạp. Ấn Độ đã bùng phát dịch với số mắc và số ca tử vong cao, khó kiểm soát, mà một trong những nguyên nhân gây ra “làn sóng” tăng nhanh số ca mắc và tử vong là các cuộc tụ tập đông người, không sử dụng các biện pháp cá nhân để phòng dịch, như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách.

Đặc biệt, nguy cơ các biến chủng kép SARS-CoV-2 tại Ấn Độ, hoặc biến chủng của Anh, của Nam Phi tại các quốc gia trong khu vực với Việt Nam có khả năng lây lan rất nhanh. Các biến chủng này nếu xâm nhập vào Việt Nam thì dễ lay nhiễm thành ổ dịch lớn.

uq.jpg
Nhiều tỉnh, TP trên cả nước đã quyết định dừng sự kiện bắn pháo hoa chào mừng ngày thống nhất đất nước 30/4, kích hoạt các biện pháp cao nhất phòng chống COVID-19. Ảnh: Zing

“Nếu số mắc quá cao cùng một lúc, chúng ta sẽ vất vả hơn rất nhiều trong dự phòng và điều trị”, PGS.TS. Trần Đắc Phu nói. 

Theo đó, trong dịp nghỉ lễ tới sắp tới, các địa phương, khu quản lý lễ hội, điểm du lịch phải thực hiện nghiêm việc nhắc nhở, khuyến cáo người dân,  phải bố trí các địa điểm đảm bảo để người dân thực hiện 5K. Chính quyền địa phương phải kiểm tra việc này, cũng như có biện pháp xử lý các vi phạm. Đặc biệt, nơi nào để xảy ra dịch, người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm.

Bộ Y tế kêu gọi người dân thực hiện triệt để khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, trong đó 2 yếu tố quan trọng có thể quyết định làm giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19, là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.

Cùng với đó, tất cả những ai thuộc nhóm đối tượng được tiêm ngừa vaccine COVID-19 phải thực hiện tiêm đầy đủ để có thể kiểm soát tốt tình hình.

Người dân hãy hạn chế đến nơi công cộng, hạn chế đến nơi tụ tập đông người không cần thiết.

Không được chủ quan, lơ là, luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch. Người dân khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép phải báo ngay cho chính quyền để cách ly, xử lý kịp thời.

"Mỗi người dân Việt Nam hãy đòng lòng quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch COVID-19 đã đạt được", Bộ Y tế kêu gọi.

Đến chiều 27/4, một loạt tỉnh thành đã hủy bắn pháo hoa dịp lễ 30/4-1/5, đồng thời kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch.

Bao gồm UBND tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, TP. Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, cùng có quyết định hủy kế hoạch bắn pháo hoa dịp 30/4 và 1/5 năm nay; đồng thời kích hoạt các phương án cao nhất, tập trung phòng, chống COVID-19.

Tỉnh Quảng Ninh cũng quyết định dừng bắn pháo hoa dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 và dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, tôn giáo, bao gồm các hoạt động lễ hội kích cầu du lịch từ ngày 30/4.

Kinh phí từ việc dự kiến bắn pháo hoa sẽ được sử dụng vào việc mua sắm trang thiết bị vật tư y tế thiết yếu phòng, chống dịch. Bí thư Quảng Ninh yêu cầu người dân thực hiện nghiêm ngặt quy định 5K của Bộ Y tế. Trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm.

Hà Nội cũng không bắn phào hoa, yêu cầu tạm dừng tổ chức các lễ hội và các tuyến phố đi bộ trên địa bàn, hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết. Thành phố kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch; xử lý nghiêm  trường hợp nhập cảnh trái phép, trường hợp đi về từ vùng dịch không khai báo y tế và các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch.

Ngày 26/4, UBND TP.HCM cũng quyết định dừng bắn pháo hoa, kích hoạt lại các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Quyết liệt kiểm tra, xử lý người không đeo khẩu trang nơi công cộng từ 27/4...

Q.HUY