Tối qua, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, một trong những nhạc sỹ gạo cội làm nên nền móng của âm nhạc Việt Nam từ những năm cuối thập niên 30, 40 của thế kỉ trước đã từ trần sau một thời gian dài lâm bệnh nặng.
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý sinh năm 1925 tại Vinh, Nghệ An. Từ nhỏ ông đã được làm quen và đắm chìm trong những giai điệu ca cổ của Việt Nam do sinh ra trong trong một gia đình truyền thống âm nhạc, cha của ông là "trùm một phường bát âm của miền quê Vĩnh Phú thạo cả hát văn, hát chèo và hát ả đào", nên các sáng tác của Nguyễn Văn Tý từ đầu đến cuối đều nhất quán một màu sắc Việt Nam trong từng thanh âm.
Thuở bé, Nguyễn Văn Tý học ở trường Quốc học Vinh và được một giáo viên người Pháp dạy cho những bài hát của Tino Rossi đang thịnh hành thời đó. Trong thời gian tham gia hoạt động hướng đạo, ông được một cha cố người Tây Ban Nha cho vào dàn nhạc nhà thờ hát thánh ca. Ở đó ông được học nhạc lý cơ bản và nhất là nâng cao trình độ hòa thanh, hát bè. Nguyễn Văn Tý còn được một thầy giáo nhạc sĩ người Hoa tên Mạnh Hinh dạy chơi đàn guitar Hawaii.
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý |
So với nhiều "cây đại thụ" cùng thời khác trong âm nhạc như Phạm Duy, Văn Cao, Phạm Tuyên..., số lượng sáng tác của Nguyễn Văn Tý không quá đồ sộ. Nhưng trong mỗi nhạc phẩm, đều thấy ở ông sự say sưa, yêu đời, yêu người với một sự trân trọng đáng quý.
Nổi bật nhất trong các sáng tác của Nguyễn Văn Tý là mảng âm nhạc cho Việt Nam, các vùng miền. Tiêu biểu nhất có thể kể đến Người đi xây hồ Kẻ Gỗ (1976) hay Dáng đứng Bến Tre (1981) hay Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh (1974)...
Ở Dáng đứng Bến Tre, bằng những giai điệu kết hợp từ làn điệu ru con với những điệu hò Lý giao duyên, Nguyễn Văn Tý đã viết lên những câu hát dào dạt như sóng nước, ngọt ngào, sâu lắng mà vẫn hiên ngang anh dũng “Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió, có phải người còn đó là con gái của Bến Tre...”.
Hay như Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, ca khúc đươc sáng tác khi nhạc sỹ đi thực tế tại hồ Kẻ Gỗ (tỉnh Hà Tĩnh), với giai điệu mang đậm âm hưởng dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, mà chỉ cần vài note nhạc vang lên, mỗi người con của xứ Nghệ lại thấy thân thương vô cùng. Ca khúc gợi lên không khí lạc quan, yêu đời của lớp thanh niên thời kỳ sau chiến tranh chống Mỹ. Ông từng giải thích câu hát "Nay da em nâu tươi màu suy nghĩ" chỉ nước da bánh mật - tượng trưng cho tinh thần lao động, cho sức trẻ của người dân miền Trung.
Nguyễn Văn Tý không quá "tham lam" trong âm nhạc, mà kĩ và chắt chiu, các hình tượng ông sử dụng cũng rất đắt, từ những "Nghệ Tĩnh mình ơi, sông Lam rọi núi Hồng...", đến "Vườn trái trái xum xuê, biển khơi tôm cá đầy ghe...", hay "Đường Đồng Lộc, đường Khe Giao rồi đường Hồng Lam Đèo Ngang Linh Cảm/ Cùng bao nhiêu con đường ra mặt trận...", đều là những hình ảnh mang tính biểu tượng, và đi vào trong âm nhạc của Nguyễn Văn Tý một cách rất tự nhiên, đẹp đẽ, không hề khiên cưỡng hay gượng ép. Điều đó thể hiện cái tài hoa của người nhạc sỹ này, cũng thể hiện một tấm lòng yêu quê hương, đất nước vô bờ.
Năm 1945, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý tham gia Việt Minh, ông tham gia sáng lập và xây dựng đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên cứu quốc Nghệ An. Và trong giai đoạn này, ông sáng tác nhiều ca khúc cho cách mạng, cho cả tiền tuyến lẫn hậu phương. Nổi bật lên có Vượt trùng dương (1952), Tiếng hát Dôi-a (1953), Ai xây chiến lũy' (1949), Màu áo chú bộ đội (1968)...
Ca khúc Vượt Trùng Dương của Nguyễn Văn Tý do nhạc sỹ Trung Kiên trình bày
Ông sớm trở thành một trong những nhạc sĩ nhạc đỏ thành công với chất liệu dân ca. Các ca khúc của ông dù hào hùng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và tinh thần chiến đấu cho binh sỹ nhưng vẫn thấm đượm tính trữ tình, được thể hiện qua lời ca trau chuốt cùng với giai điệu mượt mà, tha thiết, và mang đậm chất liệu âm nhạc dân ca.
Cuối năm 1957, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý cùng với các nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao được chỉ định thành lập Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Đầu năm 1961, ông được biệt phái về Hưng Yên. Thời gian này, Nguyễn Văn Tý đã viết một số ca khúc như Chim hót trên đồng đay (1963), Dòng nước quê hương (1963), Tiễn anh lên đường (1964)...
Trong các sáng tác của Nguyễn Văn Tý, người ta thường bắt gặp hình thượng người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất mà đẹp đẽ và giàu đức hi sinh. Trải qua nhiều thập niên, rất nhiều bài hát của ông đến nay vẫn được đông đảo công chúng yêu mến như: Dư âm, Mẹ yêu con, Bài ca năm tấn, Bài ca phụ nữ Việt Nam, Em đi làm tín dụng, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Cô nuôi dạy trẻ...
Trong đó, nổi bật lên có ca khúc Mẹ Yêu Con có thể gọi là một trong những ca khúc thành công nhất trong sự nghiệp âm nhạc của Nguyễn Văn Tý.
Ca khúc được viết năm 1956, sau khi vợ ông sinh con đầu lòng, gia đình ông lúc đó rất khó khăn, túng thiếu, vợ ông phải về quê sống với ông bà ngoại. Trong hoàn cảnh đó, chứng kiến đứa con thơ từng ngày biết khóc biết nói, biết cười, nhìn người vợ tần tảo thức khuya dậy sớm chăm sóc con, nhạc sỹ xúc động viết lên ca khúc Mẹ yêu con với những giai điệu như một khúc ru tâm tình lay động trái tim biết bao thế hệ, ca khúc viết về tình mẹ nhưng cũng là tình yêu quê hương bất nước "Kháng chiến đã giành đất nước về cho đời/ Bóng đất nước hình như bóng dáng con tôi..."
Cho đến nay, trải qua gần 70 năm, Mẹ yêu con vẫn là khúc hát kinh điển được nhiều người yêu thích nhất của âm nhạc Việt Nam.
Ca khúc Mẹ Yêu con của Nguyễn Văn Tý qua phần thể hiện của NSND Lê Dung
Không chỉ có những ca khúc về đất nước, Nguyễn Văn Tý cũng có mảng âm nhạc lãng mạn về tình yêu, dù ít, nhưng vô cùng xuất sắc. Mà Dư Âm là sáng tác điển hình, và cũng trở thành kinh điển. Đây là ca khúc tiền chiến duy nhất của nhạc sỹ, là những xúc cảm lãng mạn của một về những rung động với cô bé 17 tuổi tại quê nhà.
Năm 1948, Nguyễn Văn Tý ở đoàn văn hóa tiền tuyến thuộc Quân huấn cục. Sau đó, từ năm 1950, ông nhận nhiệm vụ đi xây dựng Đoàn Văn công của Sư đoàn 304 và làm trưởng đoàn. Bản Dư âm nổi tiếng được ông sáng tác khoảng 1950 sau một lần về chơi nhà bạn ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, Dư âm viết về cô em gái của người bạn đó. Cũng vì bản nhạc này ông bị đơn vị đưa ra kiểm điểm vì đã sáng tác một bài hát quá ủy mị, không hợp với thời kỳ đó. Tuy nhiên, bài hát Dư âm sau này lại rất nổi tiếng và được hát nhiều tại miền Nam.
Ca khúc Dư Âm do ca sỹ Khánh Ly thu âm
Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác một số ca khúc thiếu nhi như: Màu áo chú bộ đội, Tôi là gà trống, Gà mái mơ, Út cưng... Ông đã xuất bản các tác phẩm: Những dư âm còn lại, video, (VAFACO, 1993), Tuyển chọn ca khúc Nguyễn Văn Tý, Nhà xuất bản Âm nhạc, Hội nhạc sĩ Việt Nam 1995; Băng chân dung và tác phẩm của Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2000, NS Nguyễn Văn Tý được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Trong cuộc đời sáng tác, ông cũng dành được, ông còn giành đượcnhiều giải thưởng lớn như Giải nhì (không có giải nhất) của Hội văn nghệ Việt Nam cho bài Vượt trùng dương; Giải nhất Cuộc thi vận động sáng tác về đề tài phụ nữ với bài Tiễn anh lên đường (1964); Giải nhất sáng tác về đề tài nông nghiệp với ca khúc Bài ca năm tấn (1967); Giải Ngân hà với bài Em đi làm tín dụng.
Nhạc sỹ Quốc Bảo bị u não, 'đến nay thì không chịu nổi nữa'
Mới đây nhất, nhạc sĩ Quốc Bảo tiết lộ tình trạng thật của mình là bị u não khiến người hâm hộ không khỏi lo lắng.