Nhật Bản khuyến khích giới trẻ… uống rượu

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, các quán bar và các cơ sở bán rượu ở Nhật Bản đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hạn chế và điều này khiến doanh thu, và nguồn thu từ thuế rượu, ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới giảm mạnh.

Trước tình hình này, một cơ quan của chính phủ Nhật Bản đã tìm đến giải pháp mới, đó là phát động một cuộc thi để tìm ra những cách mới để khuyến khích những người trẻ tuổi uống nhiều rượu hơn.

Một chiến dịch có tên là "Sake Viva!", do Cơ quan Thuế Quốc gia tổ chức đã mời công chúng tham gia gửi ý tưởng về cách "kích thích nhu cầu trong giới trẻ" đối với rượu thông qua các dịch vụ mới, phương pháp quảng cáo, sản phẩm, thiết kế và thậm chí cả kỹ thuật bán hàng sử dụng trí tuệ nhân tạo hoặc metaverse, theo trang web chính thức của cuộc thi.

Nhật Bản khuyến khích giới trẻ… uống rượu - Ảnh 1.

Những chai rượu được bày bán tại một cửa hàng của Takeya Co., quận Ueno, Tokyo, Nhật Bản vào hôm 20/4. Ảnh: Getty Images

Thông tin trên trang web này cho biết: "Thị trường đồ uống có cồn trong nước đang thu hẹp do những thay đổi về nhân khẩu học như tỷ lệ sinh và dân số già đi, lối sống thay đổi do tác động của COVID-19".

Ngoài ra, trang web này còn cho biết thêm rằng cuộc thi nhằm "thu hút thế hệ trẻ... và để hồi sinh ngành".

Ban tổ chức cuộc thi sẽ tiếp nhận các ý tưởng quảng cáo cho tất cả các loại rượu của Nhật Bản, với thời gian đăng ký đến ngày 9/9. Các thí sinh lọt vào vòng chung kết sẽ được mời tham vấn với các chuyên gia vào tháng 10, trước khi diễn ra vòng thi cuối cùng vào tháng 11 tại Tokyo. Người chiến thắng sẽ nhận được hỗ trợ để thương mại hóa kế hoạch của mình, theo văn phòng thuế.

Không phải ai cũng đồng tình với cuộc thi

"Đang đùa anh à?" một người dùng Twitter đã viết. "Tránh xa rượu là một điều tốt!"

Những người không đồng tình với cuộc thi cho rằng, việc cơ quan chính phủ khuyến khích thanh niên uống rượu là không phù hợp và có vẻ như chiến dịch đã không xem xét các nguy cơ sức khỏe hoặc sự nhạy cảm đối với những người nghiện rượu.

Bộ Y tế Nhật Bản trước đây đã cảnh báo về sự nguy hiểm của việc uống rượu quá mức. Trong một bài đăng trên trang web của mình vào năm ngoái, cơ quan này đã gọi việc uống quá nhiều rượu là một "vấn đề xã hội lớn" và đã thúc giục những người có thói quen uống rượu "nhìn nhận lại" mối quan hệ của họ với rượu.

Người phát ngôn của Bộ Y tế từ chối bình luận về cuộc thi khi được CNN liên hệ.

Doanh thu từ thức uống có cồn giảm

Nhật Bản, cùng với một số quốc gia khác ở châu Á, duy trì các hạn chế cứng rắn trong suốt phần lớn đại dịch như đóng cửa các không gian công cộng và các nhà hàng, quán ăn hạn chế thời gian phục vụ.

Nhật Bản khuyến khích giới trẻ… uống rượu - Ảnh 2.

Giờ đây, dường như những người trẻ ở Nhật có xu hướng ít "nhậu nhẹt" hơn. Ảnh minh họa.

Izakayas, phiên bản quán rượu của Nhật Bản, đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề, với số liệu mới nhất cho thấy doanh số bán hàng của họ giảm một nửa từ năm 2019 đến năm 2020, theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.

Mọi người ít uống rượu ở nơi công cộng hơn và thay vào đó khách hàng tăng "tiêu thụ hộ gia đình" và theo cơ quan này, việc uống rượu ở nhà "đã tăng lên đáng kể".

Tuy nhiên, dường như những người trẻ tuổi lại có xu hướng ít "nhậu nhẹt" hơn.

Theo thống kê của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, khoảng 30% những người ở độ tuổi 40 đến 60 uống rượu bia thường xuyên (ba ngày hoặc hơn mỗi tuần) - so với chỉ 7,8% những người ở độ tuổi 20.

"Theo cách này, sự suy giảm thói quen uống rượu được cho là có tác động đến việc thu hẹp thị trường trong nước", Bộ này cho biết thêm.

Trong một báo cáo năm 2021, cơ quan thuế cho biết thuế đối với rượu là nguồn thu chính của chính phủ trong nhiều thế kỷ, nhưng đã giảm trong những thập kỷ gần đây. Nhật Bản nhận được 1,1 nghìn tỷ yên (8,1 tỷ USD) thuế rượu vào năm 2021 - 1,7% tổng doanh thu từ thuế, so với 3% năm 2011 và 5% vào năm 1980.

Nhật Bản đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào tháng 10/2021, cho phép các nhà hàng bán rượu trở lại nhưng các quy định hạn chế ở một số vùng vẫn được áp dụng cho đến tháng 3 năm nay.

Sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản chậm hơn dự kiến do bị cản trở bởi lạm phát gia tăng, tác động kinh tế từ cuộc chiến ở Ukraina và sự gia tăng gần đây trong các trường hợp COVID đã dẫn đến những hạn chế kéo dài.

(Nguồn: CNN)

NGUYỄN MINH